(Dân trí) - Một tàu chiến của Trung Quốc đã chặn một tàu của Hải quân Ấn Độ trong vùng biển quốc tế khi tàu này vừa rời vùng biển Việt Nam hồi cuối tháng 7, tờ Financial Times của Anh hôm qua đưa tin.
Chiếm hạm INS Airavat của Ấn Độ.
Tờ báo có trụ ở tại London (Anh) đưa tin rằng 5 người biết về vụ việc cho hay cuộc chạm trán xảy ra tại vùng biển quốc tế ngay sau khi tàu đổ bộ tấn công INS Airavat của Ấn Độ hoàn thành chuyến thăm cảng Việt Nam.
Theo Financial Times, sau khi vừa ra khỏi vùng biển Việt Nam, một tàu chiến không rõ số hiệu của Trung Quốc đã ra tín hiệu đòi chiến hạm INS Airavat của Ấn Độ phải trình báo danh tính và giải trình lý do có mặt trong vùng biển quốc tế.
New Delhi xác nhận rằng Trung Quốc liên lạc với tàu Ấn Độ, nhưng bác bỏ thông tin về một “cuộc đối đầu”.
Chính phủ Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố rằng, vào ngày 22/7, sau khi vừa đi vào vùng biển quốc tế, tàu INS Airavat nhận được điện đàm từ một người gọi tự xưng là “Hải quân Trung Quốc” cảnh báo rằng tàu này “đang tiến vào hải phận Trung Quốc”.
Tuyên bố nói thêm rằng không nhìn thấy tàu hay máy bay nào quanh khu vực đó, và INS Airavat tiếp tục hải trình như đã định.
“Ấn Độ ủng hộ tự do lưu thông trong các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông, quyền tự do hàng hải phù với các quy định của luật lệ quốc tế. Các quy định này cần được tất cả các bên tôn trọng”, Delhi cho biết.
Ðây là lần đầu tiên xảy ra một sự việc như vậy của Hải quân Ấn Độ và Trung Quốc tại Biển Ðông.
Vụ việc diễn ra giữa những lo ngại trong khu vực về tuyên bố chủ quyền hàng hải của Bắc Kinh.
Một loạt các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Trong những tháng gần đây, Philippines và Việt Nam lên tiếng phản đối những hành động quấy nhiễu của Trung Quốc các tàu thăm dò dầu khí và các ngư dân tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 7 đã lên án những hành động “hăm dọa” tại Biển Đông.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tuần trước nói rằng Trung Quốc đang ngày càng tập trung vào quyền lực hải quân trong khi đòi chủ quyền đối với nhiều khu vực rộng lớn trên Biển Đông.
Phía Trung Quốc thì khẳng định chương trình hiện địa hóa quân đội của họ chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
An Bình
Theo AFP