Trong nhiều thập niên, bộ chỉ huy miền đông của hải quân thường
đóng “vai thứ” so với bộ chỉ huy miền tây, có trụ sở ở Mumbai. Từ lâu
được coi là “cánh tay phải” của hải quân, bộ chỉ huy miền tây thu hút sự
quan tâm lớn nhất của các tài nguyên và những nhà hoạch định chiến
chiến lược.
Giờ đây, xu thế đang thay đổi. Các nhà chiến lược ngày càng “gán” một vai trò lớn hơn cho bộ chỉ huy miền đông trong chiến lược hải quân và chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Động thái này một phần bắt nguồn từ nhận thức về sự hiện diện hải quân của Trung Quốc ở Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nó cũng là một phần của nỗ lực kéo dài hai thập niên qua mà Ấn Độ thực hiện tập trung vào ngoại giao, kinh tế và sức mạnh quân sự trong chiến lược tổng thể gọi là “Hướng Đông”. Bên cạnh đó, định hướng hướng đông mới của hải quân Ấn Độ còn nhằm mục tiêu tạo lập cho nước này vị thế là một người chơi quan trọng trong cấu trúc an ninh mới nổi của châu Á – Thái Bình Dương.
Hải quân Ấn Độ đứng thứ năm thế giới với ba bộ chỉ huy chính miền tây, miền đông và miền nam. Bộ chỉ huy miền đông đóng ở Visakhapatnam thuộc Andhra Pradesh là căn cứ của lực lượng tàu ngầm hải quân Ấn Độ. Một đơn vị chỉ huy chung thành lập năm 2001 tại Cảng Blair thuộc quần đảo Andaman và Nicobar.
Bộ chỉ huy hải quân miền đông được tăng cường đáng kể trong vài năm gần đây. Năm 2005, đơn vị này có 30 tàu chiến. Sáu năm sau đó, con số này tăng lên 50 – gần bằng 1/3 toàn bộ sức mạnh hạm đội của Hải quân Ấn Độ – và sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.
Tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ INS (Indian Naval Ship) Viraat sẽ được bàn giao cho bộ chỉ huy miền đông sau khi INS Vikramaditya (nâng cấp từ tàu sân bay của Nga mang tên Đô đốc Gorshkov) gia nhập bộ chỉ huy miền tây. Toàn bộ năm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Rajput (nâng cấp từ các phiên bản tàu khu trục lớp Kashin của Nga) từng ở bộ chỉ huy miền tây cũng đã gia nhập hạm đội miền đông.
Con tàu duy nhất mà Hải quân Ấn Độ mua từ Mỹ, tàu đổ bộ USS Trenton, giờ đây đổi tên thành INS Jalashwa, đã thuộc về bộ chỉ huy miền đông. Nó sẽ sớm hoạt động chung với các tàu khu trục tàng hình sản xuất nội địa INS Shivalik, INS Satpura và INS Sahyadri cũng như máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P-8I Poseidon sản xuất ở Mỹ và tàu chở dầu mới mua từ Italy, INS Shakti.
Bộ chỉ huy miền tây cũng sẽ chịu trách nhiệm về các tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ. INS Arihant, trong quá trình thử nghiệm trên biển đã được xây dựng ở Visakhapatnam. Hai tàu ngầm hạt nhân khác cũng đang được chế tạo tại đây. Bộ chỉ huy này có các căn cứ ở Visakhapatnam và Kolkata, cũng như sẽ sớm có một căn cứ mới ở Tuticorin và Paradeep. Ngoài các sân bay quân sự hải quân ở Dega và Rajali, bộ chỉ huy miền đông đã có thêm một sân bay mới là INS Parundu tại Uchipuli, nơi triển khác các máy bay do thám không người lái. Thông tin trên các phương tiện truyền thông đã bóng gió về một căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở đâu đó gần Visakhapatnam. Mang mật danh Varsha, dự án này vẫn nằm trong diện phải giữ kín.
Khoảng cách giữa các bộ chỉ huy miền tây và miền đông dường như thu hẹp dần. Trong bối cảnh gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh của bộ chỉ huy miền đông, Hải quân Ấn Độ gần đây đã ra quyết định thăng cấp cho các tướng lĩnh miền đông ngang hàng với các cộng sự tại bộ chỉ huy hải quân miền tây.
Mối lo Trung Quốc
Bờ biển phía đông Ấn Độ giáp với sáu quốc gia ven biển: Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Indonesia – xuyên qua Vịnh Bengal. Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ nằm giữa bờ biển phía đông và Eo biển Malacca.
Trung Quốc, dù không phải là quốc gia ven biển nằm trong Vịnh Bengal hay Ấn Độ Dương, nhưng đang ngày càng củng cố sự hiện diện của mình trong các khu vực này bằng cách xây dựng các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng mạnh mẽ với các nước ven biển, bao gồm cả dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cảng hải quân/thương mại với hai mục đích sử dụng (dân sự và quân sự).
Bên cạnh Gwadar ở Pakistan nằm trong Biển Ảrập, Trung Quốc còn đang xây các cảng ở Hambantota thuộc Sri Lanka và Chittagong ở Bangladesh. Tại Myanmar, họ tiến hành nâng cấp một số cảng ở Sittwe, Kyaukpyu, Bassein, Mergui và Yangon, đồng thời xây dựng những cơ sở radar, tiếp nhiên liệu tại những căn cứ hải quân ở Hainggyi, Akyab, Zadetkyi và Mergui.
Sự hiện diện của Trung Quốc ở các cảng này hiện tại có thể là vô hại. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích Ấn Độ cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng những cảng họ đầu tư cho mục đích quân sự hoặc chiến lược. Giới phân tích nói, khi đã thiết lập ảnh hưởng vững chắc ở các nước này, những yêu cầu của Trung Quốc cũng sẽ dần có được.
Và điều ấy sẽ mang hải quân Trung Quốc tới Vịnh Bengal, Ấn Độ Dương. Trong khi giới phân tích tin là, Trung Quốc phải mất nhiều năm, nếu không phải là vài thập niên để đủ khả năng hỗ trợ và duy trì việc triển khai hải quân ở Ấn Độ Dương, thì rõ ràng là Ấn Độ đã chuẩn bị ứng phó bằng cách tăng cường bộ chỉ huy hải quân miền đông. Ngoài nỗ lực này, hải quân Ấn Độ còn xây dựng các mối quan hệ thông qua nhiều chuyến thăm cảng, diễn tập chung với hải quân các nước châu Á – Thái Bình Dương – trong đó có nhiều quốc gia “thận trọng” với Trung Quốc.
Theo giới phân tích, trong khi các cuộc tập trận hải quân chung nhằm mục tiêu phát triển khả năng tương tác giữa các hạm đội tham dự, thì động thái giữa hải quân Ấn Độ và một số quốc gia khác tại vịnh Bengal cũng còn là để gửi thông điệp tới hải quân Trung Quốc rằng tương lai hiện diện của họ ở Ấn Độ Dwong sẽ không phải là điều dễ dàng.
Sự tham dự của bộ chỉ huy miền đông trong các cuộc tập trận song phương, đa phương ngày càng tăng suốt thập niên qua. Kể từ đầu những năm 1990, hải quân Ấn Độ đã tập trận với hải quân các nước Singapore, Indonesia và Malaysia.
Người chơi có tầm ảnh hưởng
Vào tháng 9/2007, lần đầu tiên, cuộc tập trận Ấn Độ – Mỹ mang tên Malabar (thường diễn ra ở Biển Ảrập) đã được tổ chức ở vùng ven biển phía đông Ấn Độ, và còn có sự tham dự của Singapore, Nhật Bản, Australia. Hải quân Ấn Độ cũng “tiếp cận” Biển Đông – khu vực mà Trung Quốc mô tả là một “lợi ích cốt lõi” cũng như Thái Bình Dương bằng các chuyến thăm cảng hay tập trận chung. Tuy nhiên, Ấn Độ phủ nhận các cuộc diễn tập của họ là không nhằm cụ thể vào bất cứ nước nào. Thực tế là, họ cũng đã tập trận với hải quân Trung Quốc vài năm nay. Quan điểm coi việc tăng cường tầm quan trọng của bộ chỉ huy hải quân miền đông chỉ vì “mối đe doạ Trung Quốc” là không toàn diện và hạn chế cách nhìn nhận triển vọng cũng như các tham vọng của Ấn Độ.
Động thái củng cố, gia tăng vị thế miền đông tiến hành song song với chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Chính sách này đã đi một con đường dài kể từ khi bắt đầu vào đầu những năm 1990. Vị trí địa lý cho phép Ấn Độ tiến xa tới khu vực Đông Nam Á hay thậm chí cả Đông Á và Thái Bình Dương. Cùng với sự phát triển thương mại và trao đổi, thì vai trò của Ấn Độ trong các vấn đề an ninh và chiến lược cũng được chính phủ nước này chú ý.
Trong tiến trình ấy, thương mại của Ấn Độ với Đông Nam Á và Đông Á không chỉ phát triển đa dạng mà những ràng buộc an ninh của nước này cũng gia tăng không chỉ với các nước như Singapore hay Việt Nam, mà còn gồm cả với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…Hải quân có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu mở rộng này. Nếu như trong những năm 1990, hải quân Ấn Độ phần lớn vẫn chỉ giới hạn ở tây Eo biển Malacca thì trong thập niên qua đã chứng kiến sự tiếp cận của họ với Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng tăng cường các cuộc tập trận đa phương trong những vùng biển của Đông Bắc Á, các tàu thuyền nước thậm chí còn vươn tới Vladivostok.
Trong khi chưa trở thành một người chơi chính ở khu vực, hoặc tầm ảnh hưởng còn mờ nhạt thì chuyện Ấn Độ chú tâm nâng tầm bộ chỉ huy miền đông đã thể hiện mong muốn, nỗ lực của nước này để trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng với việc định hình một trật tự mới nổi ở châu Á.
Câu trả lời sẽ chỉ hé lộ trong tương lai. Nhưng lợi ích từ công cuộc hợp tác hải quân đối với việc duy trì an ninh biển, chống cướp biển, khủng bố sẽ mang lại sự bình yên cho vùng biển tấp nập này.
Nhưng người chơi ấy sẽ muốn vai trò thế nào? Tự cho phép mình thành công cụ trong tay kẻ khác để kiềm chế Trung Quốc? Hay thúc đẩy một cấu trúc hợp tác an ninh châu Á, đặt lợi ích của châu Á lên trên lợi ích của người ngoài?
Phần lớn tranh luận toàn cầu về cấu trúc an ninh châu Á thường tập trung vào tranh chấp hàng hải và chính sách ngăn chặn của Trung Quốc. Những ở đây còn nhiều mối đe doạ khác mà các nước phải đối mặt từ cướp biển hay khủng bố. Các vùng biển tạo ra một khu vực tiềm năng cho hợp tác giữa các cường quốc hải quân châu Á. Điều này có thể được sử dụng để bắt đầu tạo lập một trật tự hợp tác mới trong châu lục này.
Theo Nguyễn Huy
Vietnamnet