THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 August 2011

Thị trường hàng hóa: lời giải được mùa mất giá

2011-07-29
Câu chuyện người nông dân được mùa mất giá vẫn là vấn đề nan giải và chưa có một giải pháp thực sự hữu hiệu.
RFA PHOTO
Một công ty chứng khoán tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 11-07-2011.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam hình thành, hoạt động này không những mở ra một kênh mới cho giới đầu tư mà đây còn được xem là cơ hội mang lại tính ổn định cho các mặt hàng nông phẩm khác. Để có khái niệm tổng quát về lĩnh vực khá mới mẻ này tại Việt Nam, Vũ Hoàng tìm hiểu và trình bày trong phần sau.

Khá mới mẻ ở Việt Nam

Thị trường hàng hóa, tiếng anh gọi là commodity market, là nơi diễn ra những giao dịch mua bán nguyên liệu và hàng hóa, tuy nhiên, nó không giống như ngoài chợ là nơi mà hàng hóa cụ thể được bày bán. Hiểu một cách đơn giản, thị trường hàng hóa cũng tương tự thị trường chứng khoán là nơi mà các giao dịch được buôn bán, trao đổi.
Khi mà chưa có Sở giao dịch này, khi cà phê trúng mùa thì lực lượng thu mua, tức là công ty xuất khẩu mình, vốn có hạn, bỏ ra ứ đọng, thì các công ty nước ngoài họ ép giá xuống.
TS Nguyễn Thế Hiển
Vì giao dịch hàng hóa còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nên phần tìm hiểu sẽ liên quan đến một số khái niệm nghiệp vụ mà chúng tôi cố gắng đơn giản hóa, để đem lại một cái nhìn về cách thức hoạt động hơn là đi quá sâu vào phần thuật ngữ.

Tại Việt Nam, Sở Giao dịch Hàng hóa là nơi tập trung những đầu mối buôn bán với khối lượng giao dịch lớn. Sở giao dịch mở cửa 23/24 tiếng đồng hồ mỗi ngày (đóng 1 tiếng từ 6 đến 7 giờ sáng). Mọi giao dịch sẽ được thực hiện thông qua bộ phận môi giới nhằm đảm bảo hàng hóa được kiểm định trung thực, cũng như đảm bảo việc thanh toán giữa người bán, người mua. Giá cả trên sàn giao dịch sẽ được thực hiện trên nguyên tắc đấu thầu. Đồng thời, Sở Giao dịch cũng niêm yết giá chuẩn quốc tế một số mặt hàng như: cà phê, thép, cao su.

Theo ông Phan Huy Chí Chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán SME, người đồng sáng lập Sở giao dịch hàng hóa thì Sở này có 2 chức năng chính là kết nối những người có nhu cầu về hàng hóa với nhau và đóng vai trò bảo hiểm giá.

Chức năng kết nối của Sở giao dịch được thể hiện qua việc liên kết, chẳng hạn từ người nông dân trồng cà phê, đến nhà chế biến rang xay cho đến các đơn vị xuất khẩu và cuối cùng là người tiêu dùng.

DSC02131-250.jpg
Gian hàng trái cây được mùa bày bán tại một chợ truyền thống ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 29-06-2011. RFA PHOTO. 
 
Với vai trò bảo hiểm giá, ông Phan Huy Chí giải thích, khi giá cả được các thành viên của Sở thẩm định thì giá hàng hóa của người nông dân sản xuất nhỏ, hay của các nhà sản xuất lớn có chất lượng như nhau sẽ có giá giống nhau, không phân biệt đối xử. Đây là điểm đặc biệt vì nhiều khi bà con nông dân sản xuất ra nông sản, bị thương lái ép giá và điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn cứ tái diễn. Nhưng giờ đây khi giao dịch qua Sở, thì giá sẽ ổn định theo thị trường. Điều quan trọng nữa là vì các mặt hàng như  cà phê robusta của Việt Nam đứng thứ nhất, cao su đứng thứ hai thế giới nhưng giá thất thường, người dân thường không hưởng lợi khi giá tăng.  

Với điểm thuận lợi về mặt ổn định giá cả này, T.S Nguyễn Thế Hiển, Viện trưởng Viện Tin học và Kinh tế Ứng dụng cho chúng tôi biết như sau:

“Ở đây, khi mà chưa có Sở giao dịch này, khi cà phê trúng mùa thì lực lượng thu mua, tức là công ty xuất khẩu mình, vốn có hạn, bỏ ra ứ đọng, thì các công ty nước ngoài họ ép giá xuống. Theo chúng tôi thống kê thì giá thế giới và giá Việt Nam nhiều giai đoạn, kể cả lúc trúng mùa vẫn thấp hơn khoảng 20-30%. Khi sở này xuất hiện, thì có một lực lượng tài chính đưa tiền vào mua, sẽ giúp giá lên.”

Đa dạng hóa kênh đầu tư

Người ta lo ngại bất ổn kinh tế và lạm phát, thì người ta có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào hàng hóa vì hàng hóa là cơ bản nên nó bù trừ được khả năng về lạm phát.
TS Nguyễn Thế Hiển
Trong tài liệu nghiên cứu mà T.S Hiển gửi cho chúng tôi, ông giải thích thêm, trong giai đoạn 2007 – 2011, giá các mặt hàng như thép, cà phê, cao su, hạt tiêu, sắn… tại Việt Nam luôn biến động rất thất thường, nhất là giá nông sản thường thấp hơn giá thế giới trong những giai đoạn được mùa. Phần thiệt thuộc về người nông dân, lúc thất mùa thì lãnh đủ, còn lúc được mùa thì chẳng hưởng hơn bao nhiêu. Tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Brazil có các sàn giao dịch thì hàng hóa của các nước này luôn có sự cạnh tranh cao hơn, người nông dân và sản xuất được nhiều sự hỗ trợ hơn khi các sàn giao dịch thành công trong việc kết nối giữa hai bên mua và bán.

Ngoài ra, với những người có nhu cầu hàng hóa, họ có thể sử dụng công cụ giao dịch tương lai để đảm bảo giá nguyên liệu ổn định. Công cụ mua bán tương lai được hiểu nôm na là người mua và người bán sẽ thống nhất cụ thể trước mức giá trong một khoảng thời gian sắp tới, thí dụ 3 tháng, hoặc 6 tháng. Vì vậy, những biến động của thị trường sẽ không tác động đến mức giá được thoả thuận này.

Thí dụ, với giá thép, các công ty xây dựng có thể mua thép với giá xác định trong tương lai, các biến động như lãi vay, tỉ giá hối đoái sẽ không ảnh hưởng đến giá thành xây dựng của công ty. Như vậy, tránh được tình trạng giá nhà bán ra điều chỉnh theo giá thép, gây thiệt hại cho người mua nhà.

DSC02358-250.jpg
Một sàn giao dịch vàng tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 24-07-2011. RFA PHOTO. 
 
Lợi thế cuối cùng mà thị trường hàng hóa mang lại chính là sự đa dạng hóa cho các kênh đầu tư. Nếu hình thức đầu tư truyền thống vào bất động sản, chứng khoán, vàng…đang bị trì trệ thì đầu tư vào hàng hóa cơ bản đang là một xu thế mới và cũng tránh được tình trạng lạm phát. Nhất là với đặc điểm mua bán khống, nghĩa là chỉ cần phải ký quỹ khoảng từ 5 – 10%, nhà đầu tư có thể mua được lô hàng với giá trị 100% thông qua các đòn bảy tài chính, không như đầu tư chứng khoán phải ký quỹ 70% và chỉ được vay 30%. Về góc độ lạm phát này, ông Hiển nói:

“Đặc biệt là trong giai đoạn người ta lo ngại bất ổn kinh tế và lạm phát, thì người ta có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào hàng hóa vì hàng hóa là cơ bản nên nó bù trừ được khả năng về lạm phát.”
Tuy là có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng thị trường hàng hóa Việt Nam mới thành hình, trong những bước đi đầu tiên, hẳn còn nhiều những trở ngại. Một lần nữa, T.S Hiển nhận xét:

“Khó khăn rõ ràng, đây là một kênh đầu tư mới ở Việt Nam mà người dân chưa được biết, mà thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế trong các tổ chức chứng khoán cũng chưa hiểu rõ. Bất lợi thứ hai là nó khác với đầu tư chứng khoán, để thành công trong đầu tư hàng hóa, nó đòi hỏi phải có một sở giao dịch tốt, ngoài ra là tổng kho, hệ thống logistics (hậu cần) tạo nên việc giao hàng, kiểm định…những điểm kết nối nhằm đảm bảo hoạt động theo đúng nghĩa của Sở.” 


Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì rủi ro lớn nhất khi chọn kênh đầu tư giao dịch hàng hóa là tính thanh khoản. Giải thích về lực cản này, T.S Nguyễn Thế Hiển cho biết:
Khó khăn rõ ràng, đây là một kênh đầu tư mới ở Việt Nam mà người dân chưa được biết, mà thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế trong các tổ chức chứng khoán cũng chưa hiểu rõ.
TS Nguyễn Thế Hiển
“Giai đoạn đầu số lượng nhà đầu tư tham gia ít, mà giao dịch thì cần nhiều xu thế mua bán. Giai đoạn đầu có thể chỉ xuất hiện xu thế mua, mua ròng hoặc xu thế bán thôi, thì nó sẽ làm cho tính thanh khoản, nghĩa là mua bán được sẽ thấp, đó là những khó khăn.”


Để thị trường hàng hóa trở thành kênh đầu tư mới thì điểm đầu tiên, các chuyên gia kinh tế thống nhất là phải tăng cường tính thanh khoản cho thị trường. Theo T.S Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng Đại diện UBCK nghĩa là cần phải thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn về cà phê, cao su, thép… tham gia sàn giao dịch nhiều hơn.

Bên cạnh đó là việc xây dựng các quy định và hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi tham gia. Ngoài ra, kiến thức cũng như thông tin cơ bản ảnh hưởng đến giá các loại hàng hóa phải được cung cấp đầy đủ cho cả bên bán và bên mua. Và điểm cuối cùng, vì đây là một thị trường mới, “điều này không đồng nghĩa với việc người nông dân không thể tham gia, nhưng khi tham gia, thì nên thông qua các nhân viên môi giới có kiến thức để thành công,” đó là nhận định cuối cùng mà ông Hoàn kết luận.

Theo dòng thời sự: