(* mời các bạn xem video clip Bé Như Ý thuyết giảng ở cuối bài)
Nhiều người quen chuyện thuyết pháp, xem clip này xong, thấy phong độ khác lạ một cách đĩnh đạc của Như Ý (9 tuổi), đều dễ có sự so sánh rồi đi đến nhận định: Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay khó tìm được ai ăn nói từ tốn, hòa nhã như vậy.
Thật khó tin một cô bé 9 tuổi thể hiện được phong thái thu hút, nhất là vốn từ và vốn Phật pháp mà cô thể hiện còn đáng kinh ngạc hơn, nên đây đó có nhiều ý kiến trong dân gian cho rằng Phật thầy Huỳnh Phú Sổ tái sanh?!
Khi ngài Huỳnh Phú Sổ ra đi, phần lớn đạo hữu vẫn tin rằng ngài tạm lánh đời để quay trở lại trong thời gian sau đó.
Bé Như Ý giống Phật thầy ở khả năng giác ngộ từ rất sớm. Phật thầy giác ngộ lúc lúc 17-18 tuổi, Như Ý lúc 8-9 tuổi.
Mà khi nghĩ đến ngài Huỳnh Phú Sổ thì nhiều người đầy lo lắng, vì mãi đến sau này vẫn chỉ biết ngài mất tích hoặc bị thủ tiêu (năm 1947), mà không có bên nào đứng ra chịu trách nhiệm về việc này.
Mãi đến tới tháng 6/1999, Ban tôn giáo Chính phủ của Việt Nam mới ra quyết định công nhận Phật giáo Hòa Hảo được hoạt động chính thức ở Việt Nam. Nhưng hơn 10 năm qua, đạo này vẫn bị xếp vào khu vực nhạy cảm, bị theo dõi, bị giám sát cực độ. Gần 3 triệu tín đồ vẫn phải sinh hoạt âm thầm, luôn bị kì thị.
Từ sau 1945 đến nay, số người theo Hòa Hảo bị ám hại bao nhiêu thì thật khó nói, nhưng có thể lên đến hàng ngàn. Cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo vẫn còn ghi chép các vụ ám hại, bắt bớ đây đó.
Trong hồi ký Lớn lên với đất nước của Vy Thanh, trang 417, có đoạn viết: “Ngày 5-9-1945, bộ tham mưu của Huỳnh Phú Sổ vạch kế hoạch cướp chính quyền ở thị xã Cần Thơ… huy động tín đồ mang theo cây roi, gậy gộc ‘đi rước đức Thầy’, nhưng thực chất dùng lực lượng đông đảo tín đồ để cướp chính quyền tỉnh dự định vào ngày 9-9-1945. Các lực lượng vũ trang của chúng ở các tỉnh phía Bắc sông Hậu, tập trung tại Tổng hành dinh Cái Vồn. Số tín đồ phía Nam sông Hậu thì tập trung sớm ở thị xã Cần Thơ.
Ngày 7-9-1945, Tỉnh ủy Cần Thơ đã nắm được kế hoạch này. Ta chủ trương kiên quyết trấn áp bọn phản động đầu sỏ, còn đối với tín đồ thì giáo dục, thuyết phục, làm chọ thấy được âm mưu và hành động của bọn cầm đầu phản động. Chúng đã dự định huy động 15.000 tín đồ tiến vào thị xã Cần Thơ ngày 9-9, nhưng chúng thất bại. Lực lượng vũ trang của chúng ở Cái Vồn đã bị ta đánh tan khi chúng dự định vượt sông Hậu sang thị xã Cần Thơ.
Ta bắt Nguyễn Xuân Tiếp [bút hiệu Việt Châu], người chuyên thảo kịch sấm cho Huỳnh Phú Sổ, Trần Văn Hoành [con của Năm Lửa], Huỳnh Phú Mậu [em của Huỳnh Phú Sổ]. […] Cuộc bạo động ở Phụng Hiệp, Ô Môn cũng bị dẹp tan. Qua những ngày điều tra, thành lập tòa án nhân dân [nhiều thành phần]. Tòa tuyên án tử hình: Huỳnh Phú Mậu, Trần Văn Hoành, Nguyễn “Văn” Thiệp. Chưa kể 3 người chết và 27 người bị thương, không ai bị vết đạn nào, toàn là gươm giáo đâm lẫn nhau và chết đuối”.
Khoảng 15 ngàn người đi biểu tình, “lực lượng vũ trang của chúng ở Cái Vồn đã bị ta đánh tan”, vậy mà tác giả có thể dễ dàng hạ một câu như giỡn: “không ai bị vết đạn nào, toàn là gươm giáo đâm lẫn nhau và chết đuối”.
Nhiều lần trước đây, trong các cuộc phỏng vấn Trần Văn Giàu, người khá rành và có những quan hệ hữu cơ với Huỳnh Phú Sổ, từng trực tiếp ra lệnh bao vây, bắt bớ và ám sát hụt vài lần, nhưng đều quy trách nhiệm và sai lầm cho địa phương.
Serei Blagov, giáo sư người Nga, tác giả các sách Honest Mistakes: The Life and Death of Trình Minh Thế (1922-1955): South Vietnam's Alternative Leader và đồng tác giả Hòa Hảo Buddhism in the course of Viet Nam History đã có dịp phỏng vấn Trần Văn Giàu, ông Giàu cũng quy trách nhiệm cho địa phương.
Với nhiều thủ thuật tuyên truyền và cô lập thông tin trong nhiều thập niên, tiếng nói của người dân về những “oan ức” của nhiều người theo Hòa Hảo đã không đến được nhiều nơi; không được hiểu đúng. Đến mức, trong rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, những nhà nghiên cứu có tính trung lập đây đó vẫn cho rằng Huỳnh Phú Sổ bị mất tích do chủ trương vũ trang.
Trong hồi ký của Nguyễn Hiến Lê, chương 18 có tên “Tôi qua Long Xuyên - Huỳnh Phú Sổ bị thủ tiêu”, viết: “Mùa xuân năm 1947 tôi qua Long Xuyên chỉ mang theo hai bộ đồ bà ba đen và hai trăm đồng, một là để coi tình hình, hai là để cân thuốc Bắc về làm một tễ thuốc. Tôi lại tá túc nhà cô Liệp.
Tôi tính ở Long Xuyên độ nửa tháng, không dè khi sắp về thì cả miền quê hương thầy Tư Hòa Hảo từ phía trên Chợ Mới xuống tới phía dưới Mĩ Luông, hai bên bờ Tiền Giang, tín đồ Hòa Hảo rất xôn xao, rục rịch nổi dậy, vì có tin thầy Tư bị thủ tiêu trong buổi họp đêm 16-4-47 ở địa phận làng Tân Phú, cách nhà bác tôi độ vài cây số. Huỳnh Phú Sổ quá tín, chỉ dắt theo bốn vệ sĩ nên bị hại. Tôi đã hỏi vài người bạn trong nhóm đồ đệ thân tín của thầy, họ bảo tất cả tín đồ đều tin rằng thầy không thể chết được, thầy chỉ tạm lánh mặt trong một thời gian thôi rồi sẽ trở về. Họ dẫn vài câu thơ của thầy nói trước về vụ đó nữa. Tới nay họ vẫn còn nói như vậy. Họ cố bám vào một hi vọng hão huyền chăng?
Vậy là tôi không thể trở về Tân Thạnh được, phải tạm ở lại Long Xuyên vài tháng cho yên vụ đó đã, không dè tới trên sáu năm”.
Thông tin ngoài xã hội và giới nghiên cứu thì như vậy, chứ trong ngành an ninh Việt Nam thì hoàn toàn khác.
Cuốn Từ điển nghiệp vụ phổ thông do Viện Nghiên cứu khoa học công an (Bộ Nội vụ) biên soạn và xuất bản 1977 tại Hà Nội, mục từ “Đạo Hòa Hảo” (trang 168, cột bên trái, dòng thứ 2 từ dưới lên, và cột phải, dòng 1 tới 5 từ trên xuống), có viết như sau: “Năm 1947, Sổ bị ta giết, tổ chức bị phân hóa, chia làm 5 nhóm tranh giành ảnh hưởng, thế lực nhưng tất cả đều do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ điều khiển và lợi dụng...” (tiếp theo, trang 169, dòng 1 tới 8, từ trên xuống, cũng thuộc mục từ trên, viết: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những tên cầm đầu ngoan cố chống lại cách mạng đã bị ta bắt với tang chứng đầy đủ, buộc chúng phải tuyên bố giải tán Ban trị sự trung ương và Ban trị sự các địa phương”.
Trở lại chuyện thuyết giảng của bé Như Ý, với các buổi nói chuyện về đạo pháp (toàn chuyện tốt đẹp) với hàng trăm, hàng ngàn người nghe, đáng lý phải vui, nhưng cũng khiến cho những người hiểu việc lo lắng. Bởi trong một xứ sở toàn trị, chỉ thượng tôn mỗi tôn giáo vô thần, mọi mê tín chỉ xoáy vào danh lợi, việc lên kế hoạch thủ tiêu một ai đó đi khác nhu cầu đảng phái, vẫn còn là chuyện quen tay và có vẻ khá dễ dàng.
Cho nên việc bảo vệ và tạo hành lang thông thoáng để Như Ý có thể phát dương quang đại là việc không của riêng những tín đồ, đạo hữu Hòa Hảo, mà còn lạ việc của một xã hội dân sự, với ước mong có một đời sống bình thường, cơ hội cá nhân được tôn trọng.