Kế đến là 4 trạm thu phí do Công ty Vật liệu và xây dựng Bình Dương (M&C) làm chủ đầu tư. Theo quy định, hai trạm thu phí phải cách nhau 70 km nhưng các trạm thu phí này lại khá gần nhau, như trạm Lái Thiêu (huyện Thuận An) chỉ cách trạm Vĩnh Phú trên quốc lộ 13 khoảng 2 km. Trạm An Phú (huyện Thuận An) cách trạm Lái Thiêu 8 km, và trạm Bình Thung cách trạm An Phú 18 km.
Cách trạm Bình Thung khoảng 2,5 km đi ra nút giao thông ngã 3 Tân Vạn lại xuất hiện trạm thu phí Bình Thắng do M&C làm chủ đầu tư. Để "vây bắt" nốt những xe "né" trạm thu phí An Phú và Lái Thiêu đi từ ngã tư Nguyễn Văn Tiết - đại lộ Bình Dương qua ấp Bình Đáng (xã Bình Hòa) để ra quốc lộ 13, nhà đầu tư đã xin nâng cấp con đường này và lập nên trạm thu phí Bình Đáng (thuộc dự án BOT ĐT743). Anh Nguyễn Quang Châu, tài xế xe tải thường đi vào các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương cho biết, cánh tài xế rất ngán ngẩm với hệ thống trạm thu phí dày đặc như hiện nay. "Chưa bao giờ tôi thấy có nhiều trạm như vậy, chạy đường nào cũng không thể thoát, có khi chạy chừng 100 km thôi mà phải đóng phí 3-4 lần", anh Châu bức xúc. Còn theo anh Tám (tài xế xe tải chuyên chở hàng từ các khu công nghiệp ở Đồng Nai đi Bình Dương), có ngày đóng tiền qua trạm thu phí đến hơn 20 lần, mất hơn 200 nghìn đồng. "Tôi chạy xe tải nhẹ chở hàng như thế là còn ít chứ xe container, xe tải hạng nặng còn phải đóng tiền gấp nhiều lần", anh Tám cho hay. Trên địa bàn Bình Dương hiện có một khu vực được cánh tài xế gọi là "ma trận thu phí", đó là khu Bình Thung. Trong bán kính khoảng 6 km có đến 4 trạm thu phí gồm Trạm Bình Thung (dự án ĐT743), trạm trên quốc lộ 1K đi về hướng quận Thủ Đức - TP HCM (xã Đông Hòa, Thị xã Dĩ An, Bình Dương), trạm trên quốc lộ 1K (phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) và trạm Bình Thắng. So với Bình Dương, các trạm thu phí trên tỉnh Đồng Nai cũng không kém phần dày đặc. Trong phạm vi nhỏ hẹp của thành phố Biên Hòa có đến 11 trạm, chưa kể 2 trạm thu phí trên quốc lộ 20, từ quốc lộ 1A - ngã tư Dầu Giây đi Định Quán và một trạm thu phí trên quốc lộ 51 qua Long Thành đi Vũng Tàu.
Đường Bùi Hữu Nghĩa (tỉnh lộ 16) từ ngã 3 Tân Vạn đi thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) chỉ dài khoảng 10 km nhưng có tới 4 trạm thu phí. Cụ thể, từ ngã 3 Tân Vạn đi vào đường Bùi Hữu Nghĩa thuộc phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa là trạm thu phí số 4. Tiếp theo là các trạm số 3, 2 và cuối cùng là trạm số 1, cách tỉnh Bình Dương vài trăm mét. Trong đó, riêng tại vòng xoay Hóa An (Biên Hòa), có 2 trạm thu phí do công ty TNHH Cường Thuận quản lý cách nhau chưa đến 500 m. "Các xe đi qua 4 trạm này chỉ phải đóng tiền 2 lần đi và về. Nhưng bất cập ở chỗ họ lập quá nhiều trạm trên một đoạn đường ngắn gây lộn xộn, ùn tắc vào giờ cao điểm bởi xe cộ phải nối đuôi mua vé qua trạm. Nhiều người ít đi lại khu vực này phải mua vé ở tất cả trạm nên bị mất tiền oan", một tài xế thường qua đây cho hay. Dù không dày đặc trạm thu phí như Bình Dương và Đồng Nai, nhưng TP HCMcũng bố trí các trạm thu phí ngay cửa ngõ quan trọng nên các xe "chạy trời cũng không thể thoát" việc đóng phí. Hiện nay tại TP HCM có 6 trạm thu phí gồm: trạm cầu Bình Triệu (trên quốc lộ 13), xa lộ Hà Nội, An Sương - An Lạc, Kinh Dương Vương, Cầu Phú Mỹ, Nguyễn Văn Linh. Tại cửa ngõ phía Bắc, muốn vào TP HCM theo đường cầu Bình Triệu, bắt buộc phương tiện phải qua trạm thu phí cầu Bình Triệu trên quốc lộ 13.
Để vào thành phố qua cầu Sài Gòn thì các xe phải qua trạm thu phí Xa lộ Hà Nội. Còn nếu đi theo liên tỉnh lộ 25B qua cầu Phú Mỹ, các phương tiện cũng sẽ phải "ghé" trạm thu phí cầu Phú Mỹ. Nếu đi theo cửa ngõ phía tây thì sẽ phải đi qua trạm thu phí An Sương - An Lạc, theo đường Kinh Dương Vương thì "đụng" trạm Kinh Dương Vương - Hùng Vương nối dài (quận 6). Còn đi đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng không thoát được trạm thu phí đặt giữa con đường này. Sắp tới, khi hầm chui Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn được thông xe, sẽ xuất hiện thêm một trạm thu phí nữa và các xe đi từ xa lộ Hà Nội qua đại lộ Đông Tây để về miền Tây sẽ phải đóng phí 2 lần. Nếu không đi theo lộ trình này mà đi theo hướng cầu Phú Mỹ cũng sẽ phải đóng phí tại trạm trên cầu trên đường Nguyễn Văn Linh. Lập luận cho việc "tràn lan" trạm thu phí như hiện nay, địa phương nào cũng cho rằng vì tỉnh nhà còn thiếu vốn không thể tự xây dựng đường xá, cầu cống nên phải dựa vào các doanh nghiệp để họ bỏ vốn xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Vì vậy dù nhận biết sự không hợp lý về việc đặt các trạm thu phí dày đặc, nhưng địa phương đành... "lực bất tòng tâm". Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Hàng hóa TP HCM, hiện nay tại các tỉnh thành đều có nhiều trạm thu phí bố trí bất hợp lý. Điều này dẫn đến tình trạng phí chồng phí, khiến người dân phải chi tiền quá nhiều. "Theo quy định của Bộ Tài chính các trạm thu phí phải cách nhau tối thiếu 70 km, các trạm hiện nay đa số đều vi phạm thông tư này", ông Chung nhấn mạnh. Cũng theo ông Chung, Hiệp hội đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải để góp ý về việc này, song kết quả không như mong muốn vì các trạm thu phí đã thiết lập từ nhiều năm trước nên việc di dời gặp nhiều khó khăn. Các chủ đầu tư công trình theo hình thức BOT cũng nhận ra vấn đề này. Ông Nguyễn Thành Thái (Tổng giám đốc Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ, đơn vị thu phí cầu Phú Mỹ) từng có ý định bán quyền thu phí cầu Phú Mỹ hoặc mua quyền thu phí tại trạm xa lộ Hà Nội để gom việc thu phí cho hai công trình về một địa điểm. Nhưng đến nay, ý định đó vẫn chưa được thực hiện. Cũng từ thực trạng trạm thu phí bủa vây như hiện nay mà người dân phải "lãnh đủ" khi các tài xế tìm mọi cách "né" trạm thu phí bằng cách "chui" vào đường "dân sinh". Nhiều con đường phải oằn mình cõng những chiếc xe có trọng tải lớn đã xuống cấp nghiêm trọng và tai nạn luôn rình rập người dân khi tham gia giao thông. Hữu Công |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog