LẠNG SƠN (T.T.) -Chỉ trong 2 tuần lễ đầu tháng 7, gần 30% tiểu thương chợ biên giới Tân Thanh đóng cửa sạp vì buôn bán ế ẩm.
Chợ Tân Thanh buôn bán ế ẩm. (Hình: báo Tuổi Trẻ) |
Ðây là hiện tượng chưa từng có tại ngôi chợ lâu nay sầm uất, lúc nào cũng nườm nượp người mua, kẻ bán.
Phúc trình mới nhất của ban điều hành Khu Kinh Tế Cửa Khẩu Ðồng Ðăng-Lạng Sơn cho biết số sạp đóng cửa lên tới 343 trong tổng số 1,100 sạp chợ Tân Thanh. Khoảng một nửa chủ sạp người Trung Quốc cũng đồng chung số phận.
Ngôi chợ này nằm trong khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc lâu nay buôn bán sầm uất vì hàng hóa được đưa về từ Trung Quốc hết sức phong phú, đa dạng mà giá lại rẻ. Hầu hết du khách từ các nơi đến thăm Hà Nội đều tìm đến chợ Tân Thanh mua hàng và được tận mắt nhìn thấy cảnh hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp diễn ra suốt ngày.
Chợ biên giới Tân Thanh cũng là nơi mà giới thương buôn trong nước đến đóng hàng về tận miền Nam, miền Trung... Chỉ có ở chợ này, người ta mới mua được một nồi nấu cơm điện với giá 2.5 Mỹ kim, hoặc một chiếc radio nhiều băng tần chỉ mất 1-2 đô la Mỹ...
Theo báo Tuổi Trẻ, chợ Tân Thanh đang mất dần ngôi vị “thiên đường mua sắm.” Từ đầu năm đến nay, số sạp chợ đóng cửa, dẹp tiệm mỗi ngày một tăng chỉ vì một nguyên nhân: khách đến lưa thưa, buôn bán ế ẩm.
Một tiểu thương tên Ðinh Văn Thụ, quê Hà Tây cho biết lượng hàng hóa của sạp ông bán ra mỗi ngày hiện nay giảm gần 40% so với mọi năm. Ông này nói: “Vì không bán được hàng trong khi thuế má không giảm, chúng tôi đành đóng cửa, chuyển nghề chứ biết làm sao được.”
Tình trạng này phản ảnh thái độ của người tiêu thụ Việt Nam đối với hàng Trung Quốc. Một cư dân Hà Nội tâm sự: “Vài chục năm trước đây, dân mình thiếu hàng nên thấy hàng Trung Quốc nhiều mà lại rẻ thì mê. Nay mọi người đã hiểu ra, hàng hóa Trung Quốc kém phẩm chất lại chứa nhiều hóa chất độc hại cho sức khỏe lại không bảo hành gì cả nên chẳng ai muốn dùng. Tôi có mua một đèn sạc Trung Quốc hình thức bên ngoài rất đẹp nhưng chỉ mới xài 2 tháng thì hỏng.”
Tình thế này theo báo Tuổi Trẻ là cơ hội hiếm có đối với các nhà sản xuất Việt Nam. Người ta chỉ e rằng các hãng xưởng Việt Nam bị tiêm nhiễm thói làm ăn chụp giật của “đàn anh Trung Quốc” thì cũng lại bị người tiêu thụ trong nước tẩy chay theo. (PL)