Bài đã được xuất bản.: 24/06/2011 06:00 GMT+7
(VEF.VN) - Thị trường chứng khoán "chạm đáy" đã khiến nhiều nhà đầu tư
lao đao, mất sạch toàn bộ tài sản đang sở hữu cũng như tài sản đi vay.
Có người còn lôi kéo cả họ hàng, làng xóm cùng thua "chứng". Nhiều
"đại gia" phải vào bệnh viện tâm thần do khủng khoảng tâm lý.
Tính tới thời điểm này, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện
Bạch Mai) đã tiếp nhận những trường hợp đầu tiên cần điều trị tâm lý
do khủng hoảng tinh thần liên quan đến thua lỗ trong đầu tư chứng
khoán.
Cả họ "chết" vì chứng khoán
Đây là trường hợp một "đại gia" trẻ tuổi tên N., năm nay 28 tuổi, trú
tại Thanh Trì, Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. "Đại
gia" này là con của một người lái tàu hỏa (Thuộc Tổng Công ty Đường
sắt VN), là cháu đích tôn và niềm tự hào của gia đình cũng như dòng họ
vì đã học tập, làm việc ở những nơi "có tiếng". Bởi thế, tiếng nói của
anh rất có trọng lượng trong đại gia đình.
Anh N. tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2006, đúng thời điểm phong
trào đầu tư vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam bắt đầu rộ lên. Có
kiến thức và vốn, anh N. đã mạnh dạn đầu tư và thu lời lớn. Thấy tiền
đẻ ra tiền với tốc độ chóng mặt, ban đầu nhiều người trong gia đình
cùng chung vốn với anh để đầu tư, sau đó đến những người hàng xóm cũng
tham gia vào "trò chơi" này.
"Trọng lượng" này càng được nhân lên khi vào thời điểm thị trường
chứng khoán Việt Nam đang hưng phấn (năm 2007). Trong năm này, anh N.
cùng những nhà đầu tư gia đình, làng xóm của mình đã thu lời lớn. Thấy
ngon ăn, nguồn tiền đổ vào càng nhiều.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, nghe theo
anh, nhiều người vẫn không rút tiền về, thay vào đó là kiên trì chờ
đợi. Đến đầu năm 2011, chứng khoán càng ngày càng bị lún sâu vào tình
trạng trì trệ. Đến khi thị trường chạm đáy (vào tháng 4/2011), anh N.
đã mất hoàn toàn số tiền bỏ ra (ít nhất là hơn chục tỉ đồng), chưa kể
ngôi nhà 7 tỷ của anh trai cũng "bốc hơi". Những người hàng xóm, họ
hàng nghe anh đầu tư cũng mất trắng tài sản và cùng rơi vào cảnh nợ
nần chồng chất.
Do chịu áp lực quá lớn (từ cả mọi người xung quanh), anh N. sinh ra
hoảng loạn. Cách đây nửa tháng, anh được gia đình đưa vào điều trị tại
Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai). Người tiếp nhận
anh N. là Tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Dũng.
Bác sỹ Dũng cho biết anh N. rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ, mất
kiểm soát hành vi vì tinh thần hoảng loạn do chịu sức ép lớn trong
quãng thời gian ngắn. Sau 9 ngày nằm điều trị tại Viện, tình hình của
anh N. đã ổn định tạm thời. Đáng ra cần phải điều trị tiếp nhưng gia
đình quyết xin bệnh viện đưa anh N. trở về nhà để đi ... nhờ thầy bói
"giải đen", mặc các bác sỹ khuyên can là không nên làm vậy.
Điều thú vị là trong suốt 9 ngày điều trị ở viện, bác sỹ Dũng cho biết
hầu như ngày nào cũng phải có tới hàng trăm người ùn ùn kéo vào thăm
anh N. Đã làm việc ở viện hơn 20 năm nhưng chưa khi nào bác sỹ Dũng
gặp một bệnh nhân có nhiều người vào thăm như vậy.
"Đây toàn là họ hàng, làng xóm của N. cả. Họ lên xem tình hình cậu ấy
thế nào, ai cũng mong cậu ta khỏi bệnh để trông chờ xem cậu còn "ngón
đòn" nào chưa giở ra để cữu vãn tiền bạc. Còn những người cho cậu vay
thì mong cậu khỏi để đòi được nợ", bác sỹ Dũng nói.
Tự tử hai lần đều bất thành vì chứng khoán
Thêm một trường hợp 38 tuổi tại Gia Lâm, Hà Nội lao đao vì chứng
khoán. "Đại gia" nữ tên H. này đã sử dụng toàn bộ tiền mặt, giấy tờ,
sổ đỏ của những ngôi nhà gia đình đang sở hữu để "đánh cược" vào chứng
khoán. Thậm chí, cả căn nhà của mẹ đẻ H. cũng bị cắm sổ đỏ để H. có
tiền chơi chứng khoán. Khi thị trường vỡ, nhà đầu tư tháo chạy, H. mất
trắng ít nhất vài chục tỷ đồng và cả nhà (cả nội lẫn ngoại) và hiện
đang phải ở nhà thuê.
Mất tiền quá nhiều, lại chịu sự chỉ trích của nhiều người trong gia
đình, chị H. không chịu nổi áp lực đã tự tử ở nhà nhưng bất thành. Sự
việc này xảy ra cách đây khoảng một tháng. Một tuần sau vụ tử tử bất
thành này, chị H. tiếp tục viết thư tuyệt mệnh và định nhảy cầu Chương
Dương tự vẫn nhưng gia đình phát hiện kịp. Kể từ đó, chị được đưa vào
Viện Sức khỏe tâm thần, nơi bác sỹ Nguyễn Văn Dũng đang công tác, để
điều trị.
Sau khoảng nửa tháng nằm viện, được theo dõi và chăm sóc tốt, chị H.
đã bình phục. Khi được các bác sỹ cho phép, gia đình đón chị về Gia
Lâm để điều trị tại nhà. Do bệnh dễ tái phát nên bác sỹ Dũng vẫn chịu
trách nhiệm giám sát trường hợp này. Hiện nay, chị H. chưa có biểu
hiện gì khác thường. Tuy nhiên, để lấy lại được thăng bằng trong cuộc
sống và tinh thần không còn bị kích động thì bác sỹ Dũng cho rằng cần
phải theo dõi chặt chẽ trong thời gian dài, tránh trường hợp bệnh nhân
trong một giây lát nghĩ quẩn sẽ lại làm liều. "Của đau con xót", bác
sỹ Dũng nói.
Đây là trường hợp may mắn vì vẫn giữ được mạng sống. Nhưng bác sỹ Dũng
rất tiếc một trường hợp đã tự tử "thành công" trên cầu Đuống, cũng vì
chứng khoán mà ra!
Sở dĩ bác sỹ Dũng biết trường hợp này tự tử vì chứng khoán là bởi
trước khi tự tử, chị này đã được gia đình đưa tới để xin tư vấn và
điều trị. Theo lời kể của gia đình, người phụ nữ này chuyên buôn bán ở
chợ Hôm, có rất nhiều bất động sản, nhà cửa, chung cư, quán Café. Chị
nhảy vào chứng khoán khoảng 3 năm nay. Theo thời gian, những tài sản
chị có thi nhau "đội nón ra đi" nhưng đến khi không còn gì trong tay,
chị mới giật mình hoảng loạn.
"Rất tiếc là trường hợp này đã được kiểm soát, điều trị nhưng lại tái
phát bệnh trong thời gian ở nhà. Theo tôi được biết thì hôm tự tử, chị
đi một chiếc xe SH đến cầu Đuống rồi bỏ đó, nhảy thẳng xuống sông. Khi
kiểm tra vật dụng, người ta thấy trong cốp xe của chị vẫn còn 90 triệu
đồng tiền mặt và một lá thư tuyệt mệnh", bác sỹ Dũng kể lại.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình kinh tế không thuận lợi, sẽ có
nhiều nhà đầu tư căng thẳng, lo lắng, dễ sinh ra sang chấn tâm lý gây
hoang mang, hoảng loạn, hành vi mất kiểm soát. Vì thế, bác sỹ Dũng
cảnh báo gia đình của những "đại gia" này cần hết sức cảnh giác, nếu
có biểu hiện tâm lý bất thường cần được can thiệp ngay.