Bài đã được xuất bản.: 24/06/2011 06:00 GMT+7
BĐS và chứng khoán im lặng... đáng ngờ
Chống "vàng hóa" có khác chống "đôla hóa"?
Chuyện từ 1.200 xe có biển số ngoại giao
Xuất hiện dấu hiệu mới của nền kinh tế
(VEF.VN) - Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản có thể
được xem như cặp anh em song sinh có cùng nguồn máu là dòng tiền nóng.
Vào năm 2007, cặp song sinh này đã trở thành hiện tượng "trẻ béo phì"
với thể hình và trọng lượng vượt trước độ tuổi của chúng.
Hai kẻ đồng cảnh ngộ
Nhưng hiện nay thì cái quy luật tăng trưởng song ánh đó hình như đã
không còn phù hợp nữa. Cứ mỗi ngày, các nhà đầu tư và độc giả của hai
thị trường này lại càng ngậm ngùi đến não lòng khi phải đọc ít ra vài
ba bài báo mô tả tương lai xám xịt của thị trường chứng khoán (TTCK)
và tối thiểu bốn năm bài viết về sự bĩ cực của thị trường bất động sản
(BĐS). Phải chăng đó là quy luật song ánh theo chiều ngược của hai thị
trường đang có cùng nốt giáng trong bản nhạc trầm buồn?
Chỉ có một nốt thăng đồng nhịp trong bản nhạc hậu khủng hoảng kinh tế.
Mùa hè năm 2009, thị trường BĐS Hà Nội bất chợt nhổm lên sau gần một
năm rưỡi trời buồn bã. Sự kích hoạt cho thị trường này chắc chắn đến
từ người anh em của nó, bởi từ cuối tháng 2/2009, sau cú lao dốc và
mất đến 80% giá trị trong giai đoạn khủng hoảng, cả hai chỉ số chứng
khoán VNI và HNX đều đã làm cho lớp nhà đầu tư mới, thay thế cho lớp
nhà đầu tư cũ đã mất vía, thu được khoản lợi nhuận gấp ít nhất hai lần
số vốn bỏ ra.
Thế nhưng cái nốt thăng đồng nhịp giữa TTCK và thị trường BĐS lại biến
thái thành sự lạc nhịp trong bè đồng ca của hai thị trường BĐS Hà Nội
và TP.HCM. Chính xác, chỉ có mỗi thị trường BĐS Hà Nội thăng hoa trong
hai năm 2009-2010. Sau đó, bà mẹ BĐS lại có thêm một "đứa con ngoài
giá thú" là thị trường BĐS Đà Nẵng - nơi được nuôi dưỡng và được cho
uống thuốc tăng lực bởi dòng tiền đầu cơ nóng của 80% khách hàng phía
Bắc.
Còn thị trường BĐS TP.HCM và các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục "ngủ
đông". Câu chuyện lê thê về giấc ngủ này đã kéo dài đến gần ba năm
rưỡi kể từ thời điểm tháng 2/2008, lúc giới đầu cơ bất thần ngã ngửa
bởi quyết định thu về bắt buộc 20.000 tỷ đồng của Ngân hàng nhà nước
mà đã khiến cho toàn bộ các thị trường BĐS trên toàn quốc đóng băng
chỉ sau một đêm.
Rốt cuộc, sự nghịch lý quá lớn của cặp song sinh chứng khoán - BĐS đã
xảy ra khi thị trường BĐS Hà Nội không những đã phục hồi đỉnh cũ của
cuối năm 2007 mà còn tạo ra một đỉnh mới vượt hơn hẳn đỉnh cũ, trong
lúc TTCK cả hai miền Nam - Bắc lại tiếp tục mất đi 70% giá trị của
đỉnh phục hồi sau khủng hoảng kinh tế.
Dù sao, thị trường BĐS phía Nam cũng được an ủi bởi TTCK - kẻ đồng
cảnh ngộ và do vậy quá đồng cảm với tất cả những gì đã diễn ra từ hơn
một năm nay. Thời gian trôi qua, hai đứa trẻ này đã thuyên giảm được
phần nào căn bệnh béo phì. Thậm chí chúng còn có triệu chứng suy dinh
dưỡng nhẹ.
"Sóng hay là chết!"
Không có gì để bình luận nhiều về sự khốn cùng của TTCK và đắng cay
của thị trường BĐS khu vực phía Nam trong một năm qua. Đơn giản vì đã
có quá nhiều bài báo than vãn, kêu gào thay cho tâm trạng nức nở đó.
TTCK đã bị đánh xuống không thương tiếc một cách có hệ thống, làm cho
nhiều nhà đầu tư gần như tiêu tán toàn bộ vốn liếng. Đỡ đau đớn hơn,
thị trường BĐS chỉ còn giảm khoảng 30-35% so với đỉnh năm 2007, nhưng
lượng giao dịch vẫn khá trầm buồn.
Đã rõ như ban ngày, nếu như TTCK có thể phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ
thì thị trường BĐS cũng chẳng còn xa hiểm họa đó là mấy. Chỉ khác biệt
là sự đổ vỡ nếu có của TTCK có thể sẽ chẳng làm tổn thương nặng nề cho
nền kinh tế quốc dân, thì ngược lại, hơn 200.000 tỷ đồng dư nợ tín
dụng BĐS luôn là một quả tạ sẵn sàng nện vào đầu hệ thống ngân hàng.
Một khi đa số con nợ mất khả năng thanh toán thì có ôm một khối tài
sản siết nợ khổng lồ, các chủ nợ vẫn có thể rơi vào nguy cơ bị phá
sản. Khi đó không có gì chắc chắn là nền huyết mạch kinh tế quốc gia
không bị tắc nghẽn.
Cứ mỗi ngày, các doanh nghiệp và nhà đầu cơ BĐS lại phải trả hơn 120
tỷ đồng lãi cho ngân hàng, trong đó khối BĐS TP.HCM đã gánh phân nửa.
Ở TTCK, tuy dư nợ chứng khoán không nhiều nhưng thực chất "số dư" tài
sản của các công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư trong nước lẫn nước
ngoài cũng chẳng còn lại được bao nhiêu sau khi thị trường này bị lũng
đoạn đến cùng kiệt. Do vậy nếu không phải chính nhóm lũng đoạn TTCK ra
tay "cứu vớt" thị trường, thì chẳng có lấy 10% hy vọng là lực cầu nhỏ
lẻ nội tại sẽ làm nên trò trống gì để nhà đầu tư có cơ hội không bị
trắng tay.
Hiển nhiên, TTCK không được đẩy lên thì quy luật kích thích song ánh
năm 2007 sẽ không thể lặp lại. Giờ đây, thị trường BĐS phía Nam chỉ
còn trông đợi vào chính bản thân mình. Giờ đây, bối cảnh của hai thị
trường hoàn toàn u ám.
Nhưng đó là cái nhìn trên bề mặt. Còn thực ra mọi việc có đến mức u ám
như vậy không?
Những câu hỏi về dòng tiền nóng vẫn còn nguyên đó. Con sóng gần đây
nhất đã kết thúc tại thị trường BĐS Hà Nội vào cuối tháng 3/2011. Từ
đó đến nay, đã chẳng có một con sóng nào tiếp theo, nếu không tính đến
sự nhấp nhô đôi chút (chỉ là đôi chút thôi) của TTCK. Bối cảnh yên
tĩnh vẫn phủ trùm. Một sự yên tĩnh đến đáng ngờ.
Trong thực tế, tình cảnh của các doanh nghiệp BĐS phía Nam không đến
nỗi quá bi đát như thường được mô tả và đôi khi được thổi phồng. Giữa
tháng 5/2011, sau nhiều tháng "im lặng", Bộ Xây dựng đã nêu đề xuất về
sự cần thiết nới lỏng tín dụng BĐS. Cuối tháng 5/2011, trong nghị
quyết thường kỳ, Chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Xây dựng, Bộ Tài
chính và Ngân hàng nhà nước nghiên cứu đề xuất các biện pháp bình ổn
TTCK và thị trường BĐS.
Nhưng nốt thanh ấn tượng nhất vẫn là 70.000 tỷ đồng tái cấp vốn của
Ngân hàng nhà nước cho một số ngân hàng cấp dưới. Với số tiền "khủng'
này, rõ là một số ngân hàng và cả doanh nghiệp BĐS bước đầu đã được
"cứu". Lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay lại đang có chiều
hướng đi xuống, lạm phát giảm dần. Tia sáng cuối đường hầm bắt đầu lộ
ra...
Đó cũng là tia sáng hy vọng cho giới đầu cơ. Với họ, "Sóng hoặc là
chết!" đã thành bản tuyên ngôn tiềm thức. Rất có thể, dòng tiền nhàn
rỗi được rút ra từ các ngân hàng sẽ đi trước dòng tiền nóng. Hoặc thị
trường BĐS, hoặc TTCK, hoặc thậm chí cả hai thị trường - nơi mà tiền
nhàn rỗi và đến một lúc nào đó thì dòng tiền nóng sẽ chảy vào để tạo
sóng.
Trong cái nhìn của phân ngành "đầu tư học" và "đầu cơ học", hai thị
trường trên đang trì kéo sự yên tĩnh một cách đáng ngờ. Từ đầu năm
2011 đến nay, xu hướng sáp nhập và thâu tóm doanh nghiệp cũng diễn ra
không phẳng lặng chút nào. Phảng phất đau đây bầu không khí nửa tĩnh
tại nửa "sân si" vào cuối năm 2006...
Tạm loại trừ các phân khúc vàng và ngoại tệ ít biến động từ đây đến
cuối năm 2011, tương lai của hai TTCK và thị trường BĐS đang được phân
định một cách khắc nghiệt: hoặc sẽ là một sự phục hồi mạnh, hoặc sẽ
chết chùm!