THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 May 2011

Ngư dân vẫn “đạp sóng” ra Hoàng Sa, Trường Sa

Hải quân, bộ đội biên phòng bảo vệ ngư dân 24/24 giờ.v"Biển là nhà, ngư trường là tài sản; thấy kẻ lạ vào nhà, mình không thể để họ tự tung tự tác".

Ngư dân Cao Văn Thăng (phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) khẳng khái trước khi xuất bến vươn khơi cho chuyến đánh bắt mới sáng 30-5.
"Ngại gì tàu cá Trung Quốc"
Ngày 30-5, cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa tấp nập với hàng trăm tàu thuyền liên tục ra vào bến. Chiếm phần lớn trong các cuộc trò chuyện là về sự xâm phạm ngư trường của tàu cá Trung Quốc trong những ngày gần đây. Ông Trần Văn Lân, thuyền trưởng tàu PY-96166TS, vừa trở về, kể: "Nhóm của chúng tôi có ba tàu đang đánh bắt ở vùng biển cách đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gần 40 hải lý thì có đến hơn 40 tàu cá Trung Quốc ồ ạt kéo đến dàn hàng câu mực. Khi tàu của chúng tôi đi qua, bất ngờ hàng chục ngư dân Trung Quốc cầm hung khí xông ra thách thức, dọa phá tàu chúng tôi. Đã quá rành với kiểu vô cớ gây sự này, chúng tôi gọi thêm tàu bạn đến. Đây là ngư trường của mình, mình không thể bỏ đi". Vừa điều hành nhóm bạn đưa cá lên bờ, ông Lân vừa tranh thủ cung cấp thông tin ngư trường cho những ngư dân chuẩn bị xuất bến.
Ông Lê Vạn Thọ, tổ trưởng tổ tàu thuyền số 3 phường Phú Đông, kể: "Đêm 21-5, đoàn chúng tôi có năm tàu đang đánh bắt ở gần đảo An Bang. Lúc này, hàng chục tàu cá Trung Quốc thả giàn neo dày đặc khiến tàu của chúng tôi không thể đi qua. Chúng tôi không sợ mà cho năm chiếc tàu chạy sát bên nhau, cùng tiến sát lại giàn neo của họ. Thấy vậy, các tàu Trung Quốc bèn rút bớt neo".
Ông Lê Văn Tam, thuyền trưởng tàu PY-92619TS, cũng vừa trở về sau gần một tháng đánh bắt, cho biết: "Từ ngoài khơi, chúng tôi đã liên tục báo về cho lực lượng biên phòng. Anh em biên phòng cũng thông tin kịp thời tình hình nên chúng tôi rất chủ động cảnh giác".


Dù bị tàu cá Trung Quốc xâm phạm ngư trường, quấy nhiễu, ngư dân Phú Yên vẫn khí thế ra khơi. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Ở cảng cá Tam Quan Bắc thuộc huyện Hoài Nhơn - cảng cá lớn nhất ở Bình Định, hàng chục tàu cá cũng nhộn nhịp chuẩn bị ra khơi. Ông Đào Duy Hội, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết dù gần đây đánh bắt có khó khăn hơn nhưng hơn 400 tàu cá ở Tam Quan Bắc vẫn không bỏ ngư trường. "Chúng tôi chỉ lo chi phí tăng cao, tìm được luồng cá ngày càng khó chứ không ngại gì tàu cá Trung Quốc".
Thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa
"Ra biển bây giờ có thấy sợ không?". "Bình thường chú ơi. Mình ra biển đánh bắt ngay trên vùng biển của mình thì chẳng có gì phải sợ. Mọi chuyện rủi ro trên biển thì phía sau mình đã có anh em bạn biển đánh bắt kề bên, có cả hải quân, bộ đội biên phòng dõi theo, bảo vệ 24/24 giờ! Mình không đi biển mới sợ. Sợ đói nghèo sẽ đến, sợ vùng biển từng là ngư trường của mình sẽ bị lấy mất" - ngư dân Bùi Giống ở xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) chia sẻ. "Tôi đang đóng mới con tàu cá trị giá 600 triệu đồng để tiếp tục đi Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt" - Bùi Giống khoe.
Ngày 30-5, tại bến cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), hàng chục tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi lần lượt xuất bến. Ông Nguyễn Thanh Nam, người trực đài Icom ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, liệt kê hàng loạt tàu cá của ngư dân Bình Châu đang đánh bắt hải sản trên biển Đông. Ông Nam kể vanh vách từng tên chiếc tàu, trong đó tàu cá QNg-90046 của ngư dân Phạm Mãn báo về qua Icom là "trúng lớn" khi đánh bắt tại Hoàng Sa, sẽ trở về trong vài ngày tới.
Ngày 9-5, tàu QNg-90019 của ngư dân Võ Đào đã bị phía Trung Quốc tịch thu mọi thứ có trên tàu. Vậy mà Võ Đào đã tranh thủ mua sắm lại lưới, ngư cụ và vài ngày tới, tàu của ngư dân này cũng sẽ rời đất liền, đạp sóng ra Hoàng Sa trong nay mai.

- Ngày 23-5-2007, Vùng 3 Hải quân phát hiện bắt giữ tàu Quế Bắc Ngữ, số hiệu 10030 do Đường Đình Dũng (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, đang khai thác hải sản trái phép tại tọa độ 15 độ 16' bắc và 109 độ 42' đông. Tàu này bị UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định phạt cảnh cáo và trục xuất ra khỏi vùng biển Việt Nam.
- Ngày 22-4-2009, Đồn biên phòng 328 Lý Sơn phát hiện 12 tàu cá Trung Quốc hoạt động sâu vào lãnh hải của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý về hướng đông bắc.
- Ngày 7-7-2009, bốn tàu cá Trung Quốc hoạt động cách đảo Lý Sơn khoảng 20 hải lý về hướng đông nam.
- Ngày 5-5-2010, Đồn biên phòng 328 Lý Sơn phát hiện nhiều tốp tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trộm hải sản tại tọa độ 15 độ 30' bắc và 109 độ 40' đông.
- Ngày 4-3-2011, 12 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện hoạt động sâu vào lãnh hải của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý về hướng đông bắc.
Hội Người đi biển Việt Nam hiện có nhiều thành viên là các công ty vận tải biển, các tàu đánh bắt xa bờ, các tàu khai thác thăm dò… đang hoạt động trong các khu vực thuộc vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hội đã kịp thời liên lạc với các hội viên để động viên, thăm hỏi. Các hội viên cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các hải trình đã định sẵn, phối hợp với Hội Nghề cá, bộ đội biên phòng, lực lượng hải quân kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế.
Hội sẽ liên tục cập nhật thông tin về hoạt động trên biển của các hội viên, dự định lập đường dây nóng để có phương án hỗ trợ kịp thời khi xảy ra tranh chấp, đụng độ với tàu phía Trung Quốc.
Ông LÊ TUẤN, Phó Chủ tịch Hội Người đi biển Việt Nam
T.TÀI ghi
TẤN LỘC - LUẬN NGỮ