Vừa qua ra Bắc, tôi được một anh bạn đọc cho nghe và ghi lại một bài thơ. Nếu nói về tính thơ thì có lẽ không hẳn là hay, nhưng hình ảnh có tính ngụ ngôn khá cao. Nó nói về mối tương quan giữa kẻ thống trị gian tà và người bị thống trị thông qua hình ảnh một thằng chột ngồi trên vai một anh mù. Bài thơ như sau:
MÙ VÀ CHỘT
Một anh mù bụng hóp
Thập thững bước trên đường,
Trên vai anh, thằng chột
Đắc chí cười vênh vang.
"Này, người anh em hỡi,
Anh là gốc của ta
Ta vì anh chỉ lối
Đi tới chân trời xa.
Ở nơi kia xán lạn,
Có mọi thứ anh cần.
Hãy cố đi tới đó,
Sẽ sung sướng vô ngần."
Cái gốc mù hởi dạ,
Dồn hết sức của mình
Vượt qua hầm, qua hố,
Qua những chỗ lầy sình.
Sợ anh mù đột ngột
Đổi hướng ngoắt sang ngang,
Ngồi trên, anh mắt chột
Nghĩ biện pháp an toàn.
Dùng ngay một thòng lọng
Thít lấy cổ anh mù,
Làm cho Mù nghẹt thở,
Rồi vừa phỉnh, vừa hù:
"Người anh em có biết
Vì sao khó thở chăng?
Ấy là phường đế quốc
Muốn kéo anh sang ngang.
Cho nên phải thẳng tiến
Theo con đường của ta,
Muốn sống chỉ đi thẳng,
Không một phút la đà."
Vâng lời, Mù ngoan ngoãn
Cố giữ hướng, giữ phương.
Nhưng hồi sau kiệt sức
Suýt gục xuống giữa đường
"Này, đừng lo anh bạn,
Đã có ta trên này.
Chỉ cần ta đổi mới
Thì mọi việc ổn ngay."
Liền nới ra một chút
Chiếc thòng lọng yêu ma,
Mù bỗng nhiên dễ thở,
Liền hết lời ngợi ca.
Lại cõng anh chàng chột
Vượt hố trũng, dốc cao…
Và mỗi lần Mù khoẻ,
Thòng lọng lại thít vào.
Mỗi lần Mù kiệt sức,
Thòng lọng lại nới ra,
Lại cảm ơn rối rít,
Lại hết lời ngợi ca.
Thiết nghĩ không cần bình luận gì thêm. Ngụ ý của bài thơ đã quá rõ. Tôi chỉ nói với anh bạn rằng anh mù thực chất là bị bịt mắt thôi. Anh bạn đồng ý. Một lúc sau, tôi đề nghị thêm vào bài mấy câu sau:
Rồi một ngày bừng tỉnh,
Mắt mù chợt sang ra,
Liền quăng Chột xuống hố
Và cười ngạo, bước qua.
Anh bạn tôi hỏi: "Liệu có xảy ra được như thế?" Tôi nói: "Thì nó đã xảy ra ở hầu khắp nơi và đang xảy ra ở Bắc Phi đó. Chẳng lẽ Việt Nam là ngoại lệ? Thật quái đản nếu ở Việt Nam chính quyền cộng sản sẽ độc quyền thống trị vĩnh viễn như họ vẫn khẳng định."
TRẦN NAM CHẤN