Các quan khẩu quốc tế này và nhiều điểm xuyên biên giới không chính thức khác đã tạo điều kiện cho cư dân hai nước Việt – Cam Bốt thuận tiện qua lại làm ăn, du lịch…nhưng cũng là cơ hội cho những người dân Việt Nam và Cam Bốt buôn lậu xăng dầu, thuốc lá để kiếm sống trong thời buổi kinh tế khó khăn. Thực trạng của nạn buôn lậu xăng dầu Đã từ lâu, phải nói là từ nhiều thập niên qua, tình trạng buôn lậu xuyên biên giới đã có và gia tăng dù chính quyền, đặc biệt là từ phía Việt Nam cố công ngăn ngừa và chấm dứt nhưng hầu như không đạt kết quả mong muốn. Thời điểm ngày 24 tháng 2 vừa qua được coi là mốc chính thức nhà nước Việt Nam cho tăng giá xăng dầu sau một thời gian dài gọi là thực hiện biện pháp "bình ổn". Hoạt động buôn lậu xăng dầu thật ra tăng mạnh trước đó và sau ngày 24 tháng 2 vẫn tiếp tục xảy ra. Cần ghi nhận rằng giá xăng dầu tại Việt Nam do nhà nước trợ giá nên thường rẻ hơn so với giá xăng dầu tại Cam Bốt. Liên can trong hoạt động mua bán lậu xăng dầu xuyên biên giới có cả người Việt lẫn người Cam Bốt. Thực tế người Việt đóng vai trò chính. Họ mua xăng dầu từ các tỉnh sát biên giới Cam Bốt như Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang rồi đổ vào thùng nhựa khoảng 30 lít, sau đó vận chuyển bằng xe Honda, ghe, đò, xuồng máy để vượt biên, vượt sông qua đến đất Cam Bốt. Như trường hợp tại quan khẩu Long Bình thuộc địa phận Châu Đốc (An Giang) ở trên phần đất ranh giới của Cam Bốt nhưng lại có nhiều người Việt sinh sống, mua bán, cất nhà thờ, lập nghĩa trang…. Khi xăng dầu được mang qua khỏi ranh giới Việt Nam, người Cam Bốt vận chuyển về Phnom Penh bán lại cho người tiêu thụ. Trước ngày 24/2, chênh lệch giá xăng dầu Việt Nam và Cam Bốt từ 2.400 đồng/lít đến 5.600 đồng/lít tính theo tiền đồng Việt Nam. Trong khi đó một ngàn riel bằng khoảng 4 ngàn đồng. Như vậy trung bình một lít xăng mua tại biên giới mang về Phnom Penh hoặc các tỉnh khác của xứ Chùa Tháp bán lại lời khoảng gần 1.000 riel. Thời giá hiện nay tại Phnom Penh 1 Mỹ Kim gần bằng 4.000 riel. Nhiều người Cam Bốt có thói quen khi đi chơi tại vùng biên giới trước khi trở về thường mua xăng Việt Nam đổ đầy bình xe hơi hoặc xe honda, dĩ nhiên trong xe hơi cũng chở thêm mấy thùng nhựa từ 20 tới 30 lít để mua xăng dầu mang về Phnom Penh dự trữ hay tiêu thụ hoặc bán lại kiếm chút lời. Theo tờ báo Thanh Niên trên mạng ghi ngày 4/3/2011 thì các vị trí như kinh Vĩnh Tế, kinh Tư Mèo, kinh 19, kinh Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên - tỉnh An giang giáp phía Đông Nam tỉnh Ta Keo, nơi có quan khẩu quốc tế Tịnh Biên mới hoàn thành cách đây một năm, đang nổi lên các hoạt động buôn lậu xăng dầu nhộn nhịp. Trong một bài báo nói đến tệ trạng xã hội – kinh tế nhưng người viết đã dùng vài thuật ngữ quân sự của riêng chế độ chính trị hiện nay tại Việt Nam như "tập kết", "ra quân", "lực lượng chống buôn lậu"... Cũng theo ghi nhận của báo Thanh Niên, trước đây mỗi ngày có khoảng 500.000 lít xăng dầu bị con buôn mua đem bán trên đất Cam Bốt, và hiện nay thì con số đó tăng gấp đôi. Và những tay buôn Việt Nam khi bán một thùng nhựa chứa 30 lít xăng dầu qua đất Cam Bốt họ lời được khoảng 150.000 đồng. Phiên tòa xử buôn lậu Hiện nay chưa có con số thống kê nào ghi nhận có bao nhiêu phiên xử liên hệ đến các tội phạm buôn lậu xăng dầu qua biên giới Cam Bốt, và trong đó có bao nhiêu viên chức nhà nước liên hệ đến. Tuy nhiên có thể kể ra một phiên tòa cách đây vài năm, được coi là khá nghiêm trọng. Cuối tháng 12 năm 2005, công an đã khởi tố và phát lịnh bắt ngay đương sự tên Bùi Thanh Liêm sinh năm 1982, con trai ông Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị công ty xăng dầu Thanh Liêm tại Nhà Bè. Được biết công an tỉnh Long An khám xét tàu của công ty Thanh Liêm chứa lậu 100.000 lít dầu. Bùi Thanh Liêm và một số người thân cận đã chuyển dầu theo đường sông qua bán bên Cam Bốt. Tình hình xét xử tội phạm buôn lậu không vì thế mà làm giảm đi các hoạt động buôn lậu, theo nhận định của tờ báo mạng Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số ra ngày 3/3/2011 thì dường như chính quyền địa phương không thể ngăn chận đường giây buôn lậu qua Cam Bốt, xin trích một đoạn trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn như sau:"Các lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới có kế hoạch phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, song "nhất cử, nhất động" của lực lượng chống buôn lậu đều bị dân buôn biết, họ còn thuê người túc trực cửa cơ quan kiểm tra chống buôn lậu để báo tin cho đồng bọn biết." Tình trạng buôn lậu khó thể chấm dứt Từ tệ trạng nghiêm trọng đã nêu trên đây, chúng ta đi tìm nguyên nhân chính đẻ ra tệ nạn buôn lậu xăng dầu xuyên biên giới. Có phải vì người dân coi thường luật pháp hiện nay? Có phải vì người dân liều mạng? Có phải do cuộc sống quá đói nghèo nên người dân cứ cắm đầu cắm cổ chạy kiếm tiền để sống? Lý do thứ ba được hai nguyên nhân đầu tiên hỗ trợ. Chính vì đời sống khó khăn nên đẻ ra vấn nạn buôn lậu. Không phải chỉ buôn lậu xăng dầu, người Việt còn mua thuốc lá từ Cam Bốt đem về Việt Nam bán lấy lời. Hệ thống buôn lậu thuốc lá cũng chằng chịt và thường công an biên phòng của Việt Nam cũng phải bó tay hoặc đôi khi tiếp tay để kiếm thêm tiền bỏ túi xài. Đó là chưa kể đến nạn buôn người từ Việt Nam qua Cam Bốt hay dùng Cam Bốt làm điểm trung chuyển để đi đến Thái Lan và Malaysia. Số phận những cô gái Việt bị bán thường kết thúc trong các nhà chứa dã man. Tính trong phạm vi Miền Nam không thôi, từ sau ngày 30/4/1975 cho đến tận bây giờ, chính quyền Việt Nam vẫn còn cho thực hiện chương trình gọi là "Xóa đói giảm nghèo". Hàng năm các nước cấp viện, trong đó có các cường quốc trong "thế giới tư bản" như Mỹ, Nhật… vẫn trợ giúp chính quyền Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa một số ngân khoản nhất định cho chương trình "Xóa đói giảm nghèo". |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog