THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 March 2011

Khoa Bảng Việt Nam đạo Văn

Source:  http://angelaxuanhuong.multiply.com/journal/item/545/545

Minh Hoạ: DAD

Trước nay, Báo Thanh Niên đã phản ánh nạn học giả, kể cả học giả để trở thành… nhà học giả cho thơm râu. Báo đã đề cập đến tình trạng nhiều người trở thành tiến sĩ bằng cách mua bằng hoặc chép luận án (thèse) tiến sĩ của người đi trước làm của mình.

Báo cũng nói đến các tiến sĩ đã sao chép công trình nghiên cứu giảng dạy của người khác làm công trình nghiên cứu giảng dạy của mình… 


Nội dung
Trong số ra ngày 28.10.2010, Báo Thanh Niên còn phát hiện một trường hợp lâm ly, bi đát, éo le, gay cấn khác. Đó là thông báo của Tạp chí EPL (Euro Physics Letters) về việc rút lại bài báo tiếng Anh của bốn tác giả Việt Nam vì đã vi phạm một nguyên tắc quan trọng trong nghiên cứu khoa học: Đạo văn (plagiarism).
Bài báo khoa học có nhan đề Was the fine-structure constant variable over cosmological time?, đứng tên nhóm tác giả Lê Đức Thông, tiến sĩ Nguyễn Mộng Giao, tiến sĩ N.T.Hùng và tiến sĩ Trần Văn Hùng. Hai đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên tạm dịch là Hằng số tương tác điện từ có thay đổi theo thời gian? Thông báo của Tạp chí EPL đóng chữ RETRACTED (đã bị rút lại) to tổ nái.
Nếu bài báo chỉ đứng một tên tác giả Lê Đức Thông theo chiêu thức mà tiểu thuyết võ hiệp gọi là Kim kê độc lập (Gà vàng đứng mình ên) hay Nhứt trụ kình thiên (Một trụ chống trời) thì đã dễ quy trách nhiệm có đạo văn hay không. Đằng này, bài báo đứng tên bốn người, trong đó có ba vị tiến sĩ, thì cũng hơi khó cho hai bạn đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên. Họ phải đi tìm để quy ra cho đúng ai là người có sáng kiến tối thui này. Nếu không tìm ra tác giả đích thực thì e rằng bạn đọc Báo Thanh Niên chưa sướng… cái lỗ tai. Bèn phải hỏi thăm.
Hỏi thăm ông Lê Đức Thông, ông hứa trả lời rồi sau đó tắt điện thoại, đi qua vùng cỏ non (xin lỗi), đi qua vùng phủ sóng. Hỏi thăm tiến sĩ Nguyễn Mộng Giao, ông Giao khẳng định: "Bài báo này không có một chữ nào của tôi". Thế nhưng, ông cũng nói: "Trình độ Anh ngữ của Thông cũng chưa đạt đủ tầm để viết bài đăng trên tạp chí quốc tế". Nghĩa là phải có một người khác ngoài ông và ông Thông, "đủ tầm" để viết bài báo tiếng Anh này.
Tiến sĩ Trần Văn Hùng lại trả lời khác hơn một chút: "Dù có tên bốn người nhưng Thông là người viết bài chứ chúng tôi không viết. Tôi cũng không biết về hai tác giả còn lại". Ông nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn không viết chữ nào trong bài này" và theo ông bài có năm trang, trong đó có ba trang "là thông tin được trích dẫn mà không ghi rõ nguồn tài liệu tham khảo". Tuy vậy, ông vẫn không cho đây là đạo văn!
Đọc đến đây, tôi sướng tê tái khi nhớ lại một trận đánh ngộ nghĩnh có một không hai trong tác phẩm Hiệp khách hành của nhà văn Kim Dung. Kim Dung kể lại một trận đánh mà ai nấy cũng cầu thua khá hài hước, đọc rất tức cười.
Chuyện như vầy: Phái Tuyết Sơn có nội biến. Bọn sư đệ bắt giam chưởng môn Uy đức tiên sinh Bạch Tự Tại rồi nổi lên tranh dành chức chưởng môn. Cả bốn tay sư đệ Thành Tự Học, Liêu Tự Lệ, Tề Tự Miễn, Lương Tự Tiến đều đã học Tuyết Sơn kiếm pháp đến trình độ cao cường. Họ ra quy ước hễ ai võ công cao nhất thì được lên làm chưởng môn phái Tuyết Sơn. Họ đánh nhau, sử dụng những chiêu thức ác độc nhất, lăng lệ nhất để triệt hạ đối thủ. Cuộc đánh nhau đó diễn ra trong đại sảnh phái Tuyết Sơn, có chửi mắng, có máu chảy và không ai chịu nhường ai nửa chiêu, một thức.
Bỗng nhiên, hai sứ giả Thưởng Thiện và Phạt Ác của đảo Hiệp Khách xuất hiện. Hai sứ giả này từ hải đảo vào, có nhiệm vụ đem thẻ bài đồng của hai vị đảo chủ đảo Hiệp Khách mời các chưởng môn các bang phái võ học Trung Nguyên ra hải đảo ăn cháo Lạp bát. Hai sứ giả hỏi ai là chưởng môn chính thức của phái Tuyết Sơn để họ gửi thẻ bài đồng.
Nghe Thưởng Thiện và Phạt Ác mời đi ăn cháo Lạp bát, cả bốn tay sư đệ đang tranh đánh nhau kịch liệt đều rúng động tâm can. Nguyên lai, chuyện được "mời ra đảo Hiệp Khách ăn cháo Lạp bát" đồng nghĩa với việc có đi mà không có ngày về. Cả Thành Tự Học, Liêu Tự Lệ, Tề Tự Miễn và Lương Tự Tiến đều hiểu rằng võ công của họ góp lại cũng không thể thắng được một trong hai sứ giả. Đánh thì không lại, cũng không thể làm chưởng môn quyền rơm vạ đá để đi ra đảo Hiệp Khách rước lấy tai vạ, bốn tay sư đệ không ai bảo ai đều nghĩ đến chuyện… cầu thua trong trận đấu tranh chức chưởng môn.
Dưới sự thúc giục của hai sứ giả, bốn tay cũng giả vờ cầm kiếm ra đâm chém nhau. Nhưng khác với cách đánh cầu thắng trước đó với những chiêu thức ác độc, lăng lệ nhất; bấy giờ họ phải đánh cầu thua để… khỏi làm chưởng môn. Họ ra chiêu một cách yếu ớt, ẻo lả kiểu như thôn phu không biết võ công. Thậm chí, thấy địch thủ chém tới, họ còn tự động đưa cánh tay, cẳng chân của mình vào lưỡi kiếm để… được bị thương, miễn là giữ cho mình không chết. Tất nhiên, người bên kia cũng hớt kiếm nhẹ nhàng, không để cho sư huynh hay sư đệ của mình bị thương, bởi nếu hắn bị thương thật thì hỏng bét! Có thể gọi đó là trận đánh rất nhân đạo!
Ai nấy cũng cầu thua nên trận chiến đấu ấy chẳng ra làm sao cả. Hai sứ giả Thưởng Thiện và Phạt Ác được chứng kiến trận đánh ngộ nghĩnh này, không khỏi buồn cười. Kim Dung viết: "Bốn lão mới qua lại hơn chục chiêu đã khiến mọi người ngấm ngầm thở dài. Cả bốn ra chiêu, để lộ trăm chỗ sơ hở, chiêu nào phóng ra cũng không nhằm trúng đích hoặc chỉ hời hợt bên ngoài, không ra phong độ cao thủ hạng nhất của phái Tuyết Sơn… Ai cũng biết bốn lão hiện giờ không phải là tranh thắng mà là tranh thua… Họ chỉ mong sao bị hạ dưới tay đối phương". Thưởng Thiện chua chát nhận xét: "Đây là lần đầu tiên ta được xem trận tỷ võ phi thường này, thật là đại khai nhãn giới".
Xem tình hình này thì chuyện bài báo khoa học đứng tên ba vị tiến sĩ và một vị chưa là tiến sĩ bị rút khỏi tạp chí quốc tế vì đạo văn cũng… giông giống như việc tranh chức chưởng môn phái Tuyết Sơn. Điều này không phải là cá biệt trong những người muốn có tên mình trên sách nghiên cứu giảng dạy hay trên mạng. Cần nhớ là bài viết bị Tạp chí EPL thông báo rút bài ra từ tháng 6.2010, nghĩa là sau hơn bốn tháng, các vị cùng có tên mới biết và mới nói đó là chuyện ông Thông tự động đưa tên họ vào.
Thế nhưng, bài báo này đã được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam biểu dương năm 2009. Than ôi, sao trong lúc đó, các vị  không lên tiếng giùm là các vị hoàn toàn không viết một chữ nào trong đó? Các vị thẳng thắn nói được như thế thì đã cứu được hai chữ "tiến sĩ" của mình rồi. Làm sao mà phải đợi đến lúc nguy nan do Tạp chí EPL công bố, các vị mới biết cầu thua nhỉ? E có chậm quá chăng?
Vũ Đức Sao Biển-TNTS

http://www.yahoovanhoaviet.com/news/index.php?act=view&code=post&cid=25&id=63115