Thứ bảy, 12/2/2011, 10:03 Chính phủ Thụy Sĩ hôm qua phong tỏa mọi tài sản của tổng thống Ai Cập bị lật đổ Hosni Mubarak trong các ngân hàng nước này. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ công bố tin trên và cho hay họ làm như vậy để ngăn chặn nguy cơ thất thoát tài sản quốc gia của Ai Cập. Không chỉ tài sản của Mubarak mà cả tiền bạc của những người thân cận của ông này cũng bị phong tỏa. Các giao dịch bất động sản liên quan cũng sẽ bị đóng băng. "Chính phủ (Thụy Sĩ) làm như vậy là để tránh nguy cơ có người biển thủ tài sản của Ai Cập", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ có đoạn. "Chúng tôi cũng kêu gọi các quan chức có trách nhiệm của Ai Cập tuân thủ những đòi hỏi chính đáng của nhân dân trong việc công khai, minh bạch, nhanh chóng và đáng tin cậy". Ông Mubarak từ chức đêm qua, chấm dứt gần 30 năm cầm quyền, trước sức ép của những cuộc biểu tình khổng lồ kéo dài 18 ngày của dân chúng Ai Cập. Ông Mubarak và gia đình được cho là cực kỳ giàu có, tuy nhiên các con số ước tính tài sản của ông rất khác nhau và đều chưa được kiểm chứng, CNN cho hay. Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ đã yêu cầu các ngân hàng kiểm tra xem họ đang nắm giữ bao nhiêu tài sản của Mubarak. Tuy nhiên các ngân hàng nói vẫn chưa có được "bức tranh rõ ràng" về những gì họ đang nắm. Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin của Global Financial Integrity, một tổ chức chuyên theo dõi tình trạng tham nhũng ở các nước đang phát triển, ước tính rằng có tới 57 tỷ USD tài sản đã được tuồn bất hợp pháp ra khỏi Ai Cập trong giai đoạn 2000-2008. Hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ nổi tiếng với tính bảo mật cao. Tuy nhiên trong những năm gần đây các nhà băng nước này đã bắt đầu nhượng bộ yêu cầu từ chính phủ nhằm cho phép một sự minh bạch hơn. Tháng trước, Thụy Sĩ cũng áp dụng lệnh đóng băng tương tự đối với tài sản của tổng thống bị lật đổ của Tunisia là Ben Ali, vài ngày sau khi ông này mất ghế. Việc một số chính phủ trên thế giới từ chối đóng băng tài sản của ông Mubarak trong thời gian biểu tình diễn ra ở Ai Cập khiến người dân nước này giận dữ. Người Ai Cập xuống đường biểu tình vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc họ nghi ngờ rằng nhà Mubarak đã lợi dụng quyền lực để làm giàu, lấy của công của đất nước Ai Cập. Tại Mỹ, phát ngôn viên bộ tài chính nước này từ chối bình luận khi được hỏi liệu Mỹ có hành động tương tự Thụy Sĩ hay không. Dù là một đồng minh lâu năm của Ai Cập, chính phủ Mỹ thời gian qua đã lên tiếng ủng hộ sự thay đổi và tiến đến dân chủ ở quốc gia Bắc Phi này. Thanh Ma |