Các nhà lãnh đạo thế giới coi việc tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức là chiến thắng của quyền lực nhân dân và mở đường cho dân chủ. |
Một bé gái Ai Cập mang tấm biển có dòng chữ "Chúng ta có thể" trước sứ quán nước này tại Washington. Ảnh: AP. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố người dân Ai Cập đã lên tiếng, họ sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì ngoài "dân chủ thực sự" và đất nước này giờ hoàn toàn khác, AFP cho hay.
Người đứng đầu chính phủ Mỹ cho rằng lực lượng vũ trang Ai Cập sẽ phải đảm bảo qua trình chuyển giao quyền lực diễn ra êm ả. Obama cũng cảnh báo rằng những ngày khó khăn đang ở trước mắt.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khen ngợi ông Mubarak vì thuận theo ý nguyện của người dân và "đưa ra quyết định khó khăn vì lợi ích của đa số người dân".
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hoanh nghênh quyết định từ chức của Mubarak là "dũng cảm và cần thiết". Ông cũng nói thêm rằng nước Pháp kêu gọi mọi người dân Ai Cập tiếp tục hành trình đến tự do.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sự ra đi của Mubarak đánh dấu "bước thay đổi lịch sử". Bà hy vọng chính phủ Ai Cập trong tương lai tiếp tục duy trì hòa bình tại Trung Đông, các thỏa thuận với Israel được tôn trọng.
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng sau khi Mubarak ra đi, Ai Cập giờ đây có cơ hội vô cùng quý giá để có một chính phủ mới có khả năng gắn kết người dân. "Những người điều hành Ai Cập có nhiệm vụ phản ánh mong ước của người dân", Cameron nói.
Nga và Italy tỏ ra thận trọng hơn khi bình luận về sự kiện này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng ông hy vọng quá trình chuyển giao quyền lực sẽ giúp phục hồi sự ổn định.
Italy trước đó khiến hầu hết các lãnh đạo phương tây tức tối vì ủng hộ Mubarak. Ngoại trưởng Italy Franco Frattini ra tuyên bố cho biết đây là "bước phát triển quan trọng cho người dân Ai Cập và là khát vọng dân chủ hợp pháp".
Tại Brussels, người phụ trách các vấn đề ngoại giao của EU Catherine Ashton cho rằng Mubarak đã lắng nghe nhân dân Ai Cập.
Tây Ban Nha kêu gọi Ai Cập cải cách nhanh chóng trong khi Ấn Độ hối thúc các chỉ huy quân sự Ai Cập chuyển giao quyền lực để thiết lập cơ chế quản lý dân chủ và cởi mở.
Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh rằng Ai Cập cần có các cuộc bầu cử công bằng và tự do đồng thời cần tôn trọng nhân quyền.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ca ngợi Mubarak vì đã suy nghĩ như một nhà lãnh đạo và đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.
Tại Tunisia, nơi cuộc Cách mạng hoa nhài đã truyền cảm hứng sang Ai Cập, người dân hò reo và nhảy múa trên đường phố. "Thật tuyệt! Hai nhà độc tài ra đi trong chưa đầy một tháng", sinh viên Nourredine, 23 tuổi, nói.
Niềm vui cũng ngập tràn tại thế giới Hồi giáo. Iran nói rằng người biểu tình Ai Cập đã giành chiến thắng vang dội.
Tại Gaza, Sami Abu Zuhri, phát ngôn viên của Hamas, tuyên bố đây là sự khởi nguồn chiến thắng của cách mạng Ai Cập. Tại Yemen, hàng nghìn người đổ ra phố. Một số hô vang "Hôm qua Tuninis, hôm nay Ai Cập, và ngày mai người dân Yemen sẽ tháo xiềng xích".
Israel phản ứng thận trọng trước tin Mubarak ra đi. Một quan chức giấu tên của chính phủ Do Thái cho biết: "Chúng tôi hy vọng quá trình chuyển tiếp đến dân chủ cho người dân Ai Cập và các nước láng giềng, sẽ diễn ra êm đẹp". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nước này cần tôn trọng hiệp ước hòa bình ký năm 1979 giữa Ai Cập và Israel.
Quyết định từ chức của ông Mubarak là kết quả của là sóng biểu tình của hàng trăm nghìn người chống chính phủ tại thủ đô Cairo và nhiều nơi khác suốt 18 ngày qua. Tình trạng bạo lực kèm theo các cuộc xuống đường đã khiến 300 người thiệt mạng.
Ngày 29/1, chính phủ ra lệnh giới nghiêm nhưng lênh này bị người biểu tình bất chấp. Người biểu tình phản đối tổng thống; đòi chấm dứt lệnh tình trạng khẩn cấp vốn kéo dài hàng thập kỷ; đòi tăng lương tối thiểu và chấm dứt trình trạng giá thực phẩm tăng vọt.
Ngọc Sơn