THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 January 2011

Tổng kết năm Canh Dần 2010


2011-01-27

Vào Ngày 23 Tháng Chạp Âm Lịch hàng năm, người Việt tin rằng vợ chồng Táo Quân sẽ cưỡi cá chép chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế để tâu trình những việc đã xảy ra trong năm qua.

AFP photo

Dân biểu Cao Quang Ánh tại Hà Nội hôm 23/3/2010.

 

Mặc Lâm xin thay mặt vợ chồng Táo trình bày những sự kiện nổi bật nhất trong năm Canh Dần với ước muốn năm mới Tân Mão nước Việt sẽ đạt nhiều thành công hơn nữa. 

Về ngoại giao

Việt Nam trong năm 2010 thật sự có rất nhiều thành tựu về mặt ngoại giao. Hai hội nghị đình đám ASEAN và hội nghị Đông Á đã khiến Việt Nam trở nên tỏa sáng trong vòm trời ngoại giao Châu Á. Hơn thế nữa, trong một động thái được nhiều người cho là ngoạn mục, Việt Nam đã lái sự chú ý của Hoa Kỳ vào vấn đề Biển Đông và bà 

Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã lên tiếng chính thức xác định rằng Hoa Kỳ xem Biển Đông là quyền lợi quốc gia của nứơc này. Trước đó Trung Quốc cho Biển Đông là quyền lợi cốt lõi đã trở thành mối bận tâm cho nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu quân sự kiêm giám đốc Diễn Đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng của Úc đã nhận xét việc Nga tham gia vào hội nghị Đông Á là một chuyển biến thuận lợi cho Việt Nam. Ông nói:

"Nga là nước có thế mạnh về năng lượng, như khí đốt, dầu hỏa, và quan trọng hơn nữa là Nga có khả năng cao về sản xuất năng lượng diện hạt nhân. Việt Nam cũng rất cần sự trợ giúp về tài chánh và Nga có khả năng này. Có 4 dự án nhà máy diện hạt nhân tại Việt Nam thì hai trong số đó đã được giao cho Nhật.

Tôi không nhận được bất cứ sự bảo đảm nào từ phía chính quyền, ngoại trừ việc họ nói họ sẽ xem xét. 

Dân Biểu Cao Quang Ánh

Vì vậy hai quốc gia chính có nền công nghiệp điện hạt nhân cao đã được Việt Nam chọn, ngoại trừ Hoa Kỳ. Nga hiện đang là nước cung cấp vũ khí cho Việt Nam nên cơ hội kéo Nga lại gần với mình hơn của Việt Nam trong chiến lược bắt tay với nhiều nước đã có tác dụng. Bây giờ thì Nga đã trở lại cuộc chơi và Việt Nam rõ ràng đang ở thế thuận tiện trong chính sách lôi kéo thế giới về với mình."

Một sự kiện được người Việt hải ngoại rất quan tâm trong khi đồng bào trong nước lại không mấy chú ý đó là chuyến đi Việt Nam của Dân Biểu Cao Quang Ánh. Ông cho Đài RFA biết cảm nghĩ của ông về chuyến đi này:

"Ngay lúc đầu chuyến đi của tôi đến Việt Nam đã gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Việt Nam không muốn cấp visa cho tôi vì sợ có khả năng bùng nổ thành chuyện không hay, nhưng cuối cùng thì chính phủ Việt Nam cũng phải cấp visa cho tôi nhưng với điều kiện là tôi không được gặp các nhà bất đồng chính kiến, không được tổ chức họp báo cũng như ra thông cáo báo chí, vì vậy tôi phải đến Việt Nam và rời Việt Nam một cách yên lặng. 

Tôi không nhận được bất cứ sự bảo đảm nào từ phía chính quyền, ngoại trừ việc họ nói họ sẽ xem xét. Theo tôi, chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện có hiệu quả và tôi hy vọng là các vấn đề rồi sẽ được giải quyết."

Tuy thành công trong việc hướng dẫn dư luận quốc tế về phía mình, kể cả việc cho phép DB Cao Quang Ánh về Việt Nam, nhưng ngay vào những ngày cuối năm Việt Nam đã phạm một sai lầm trong cách ứng xử với nhân viên ngoại giao quốc tế khiến các hình ảnh tươi sáng vài tháng trước trở thành biến dạng, đó là việc ông Christian Marchant, một nhân viên ngoại giao của Hoa Kỳ, bị công an hành hung khi tới thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung Huế.

Nhận xét việc này một nhà hoạt động nhân quyền cho biết :

"Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang phát triển mạnh mẽ trong các năm qua cho nên Tòa Bạch Ốc dễ bỏ qua hơn đối với các vấn đề về quyền con người cũn g như về tự do dân chủ tại Việt Nam, tuy nhiên, khi một người thuộc Tòa Đại Sứ Mỹ bị tấn công thì Chính Phủ Mỹ phải có phản ứng. Nhưng nhìn chung, khi mối quan hệ chiến lược Việt - Mỹ đã trở nên quan trọng thì vấn đề nhân quyền tại Việt Nam sẽ bị đẩy lùi xuống trong thang chú ý của Hoa Kỳ."

Về kinh tế

Về lĩnh vực kinh tế, Vinashin là chủ đề gây bàn cãi gay cấn nhất. Hơn 4 tỷ đô la đã trôi ra biển khi bản thân con tàu Vinashin thì lại mắc cạn trong bờ. Nhận xét việc này chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phát biểu:

000_Hkg3891418-200.jpg
ông Phạm Thanh Bình, cựu chủ tịch HĐQT tập đoàn Vinashin. AFP photo
"Vinashin đã xin quá nhiều đất và dùng đất đó để thế chấp vay ngân hàng, vì vậy cho nên số vốn vay của Vinashin so với vốn tự có là rất lớn và dùng cái vốn đó để đầu tư vào quá nhiều các công ty, các dự án. Vinashin có những hơn 200 công ty. Ở Thanh Hóa có trang trại nuôi lợn Vinashin. Ở đường Lê Duẩn ở Hà Nội có một salon bán ô-tô Vinashin. Ở Tam Đảo có một khu nghỉ dưỡng mang nhãn hiệu Vinashin. Tất cả các điều đó là điều hết sức không bình thường, trong khi đầu tư vào ngành đóng tàu của Vinashin thì chậm tiến triển và thua lỗ rất là nghiêm trọng."

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét mấu chốt sâu xa gây ra biến cố Vinashin là do từ cơ chế, và trách nhiệm cuối cùng vẫn là chính phủ. Ông nói:

"Trách nhiệm đầu tiên là của chính phủ và những người lãnh đạo. Sau đó là đến các vị lãnh đạo của Vinashin. Việc thành lập các tập đoàn như thế là không phù hợp với bất kỳ luật lệ hiện hành nào ở Việt Nam."

Trái bom Vinashin đã làm rúng động các buổi chất vấn tại Quốc Hội, đến nỗi Đại Biểu Nguyễn Minh Thuyết, người nổi tiếng là có những câu hỏi gay gắt và trực diện nhất, đã đề nghị Quốc Hội thành lập một ủy ban lâm thời để điều tra và nếu cần bãi nhiệm cả thủ tướng để công tác điều tra khách quan hơn. Sau đó một ngày, trang web Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ đăng một bài viết phê phán ý kiến của ông Thuyết và bài viết này được Đại Biểu Nguyễn Minh Thuyết đem ra hỏi thẳng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên chất vấn. Ông nói:

Trách nhiệm đầu tiên là của chính phủ và những người lãnh đạo. Việc thành lập các tập đoàn như thế là không phù hợp với bất kỳ luật lệ hiện hành nào ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

"Xin Thủ Tướng cho biết là ai đã chỉ đạo đăng bài - một số bài công kích, chụp mũ đại biểu Quốc Hội ở trên website của chính phủ? Là cơ quan chấp hành của Quốc Hội, việc chính phủ để đăng tải những ý kiến như vậy ở trên website của mình có phải là hành động khôn ngoan không? Có để cho dân thắc mắc về thái độ tự phê bình của chính phủ không? Có để người ngoài nhận thức không? Và tôi cho rằng việc đăng những bài như thế trên website chính phủ là không đúng chỗ."

Về nhân quyền

Hoạt động của Quốc Hội Việt Nam thông qua những chất vấn minh bạch không né tránh của các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Phạm Thị Loan, Lê Văn Cuông, Nguyễn Lân Dũng trong năm 2010 đã khiến diện mạo của Quốc Hội dân chủ và tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây vài năm.

dantri.com-250.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Photo courtesy of dantri.com
Năm 2010 cũng là năm đầy tai họa cho các nhà đấu tranh dân chủ, người được báo chí thế giới chú ý nhất là Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, ông bị bắt và bị truy tố với tội "tuyên truyền chống phá nhà nước", nhưng thật ra ai cũng biết nguyên nhân sâu xa là việc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nộp đơn yêu cầu bãi chức Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì thủ tướng đã ký tên cho phép khai thác bauxite Tây Nguyên. Trong một lần trả lời phỏng vấn của RFA ông nói:

"Việc mà tôi kiện Thủ Tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là tôi kiện ổng đã ban hành một quyết định trái pháp luật, trái với những luật đã được ban hành, ví dụ quyết định đó trái Luật Bảo Vệ Môi Trường, quyết định đó trái với Luật Quốc Phòng, rồi trái Luật Di Sản Văn Hóa, hình thức và nội dung văn bản trái nốt cả cái Luật Ban Hành Văn Bản vi phạm pháp luật, tức là trong việc này tôi căn cứ vào luật để tôi bác bỏ cái quyết định của Thủ Tướng.

Tất nhiên sau cái quyết của Thủ Tướng đó thì có nội dung về việc cho phép khai thác bauxite, thì cái việc bác bỏ của tôi đối với cái quyết định trái luật đó thì cũng thực tế và nhắm vào triển khai khai thác bauxite hiện nay."

Bên cạnh việc bắt giữ TS Cù Huy Hà Vũ là một loạt các blogger khác cũng bị vào tù vì các nguyên nhân khác nhau nhưng ai cũng biết rằng họ bị bắt do các bài viết thẳng thắn chống lại nhà nứơc cũng như cổ vũ cho tự do dân chủ. Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế từ trong nước đưa ra nhận xét:

"Như tất cả mọi người đều biết, gần đây nhà cầm quyền Hà Nội đã gia tăng đàn áp những người tranh đấu cho nhân quyền - tự do - dân chủ tại Việt Nam. Nội trong vòng mấy tháng gần đây số người bị bắt, như quý vị đã thấy là rất nhiều, từ Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, và gần đây nhất là anh blogger Điếu Cày vừa mới thả ra, chưa về đến nhà đã bị bắt lại và bị truy tố với một tội danh khác.

Gần đây nhà cầm quyền Hà Nội đã gia tăng đàn áp những người tranh đấu cho nhân quyền - tự do - dân chủ tại Việt Nam. 

Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế

Rồi đến những người viết blog khác như là Anh Ba Sài Gòn mà tên thật là Phan Thanh Hải, cũng như là mới đây thì có blogger Hương Trà, và còn nhiều nữa. 
Thế thì đây là một cuộc chiến đấu chung của tất cả các anh em đang tranh đấu cho tự do và dân chủ tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy rằng tự do báo chí, tự do nhận gửi thông tin, tự do phát biểu ý kiến, chính kiến của mọi người dân phải được tôn trọng vì đây là những nhân quyền căn bản đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là những giá trị phổ quát của bất cứ một công dân nào trên thế giới."

Về tình trạng tranh chấp đất đai trong năm 2010 thành phố Đà Nẵng đã vướng vào một chuyện sai lầm khi tấn công đám tang của cụ bà Hồ Nhu gây nên biến cố mang tên Cồn Dầu với một người chết, 6 người bị giam giữ và 45 người chạy sang Thái Lan tỵ nạn. Anh Lê Thanh Lâm, một nạn nhân trong vụ này cho biết:

"Khi con bị bắt lên thì họ đánh con tét đầu. Họ đi đàng sau họ đá vô bắp đùi sau, con quỵ xuống đi không nổi, họ lôi đi khoảng 500 mét, sau đó họ chở về cơ quan quận Cẩm Lệ. Chở về cơ quan quận Cẩm Lệ họ lại dắt con lên lầu. Con đi không được mà họ kéo con lên. Lúc đó thì một người hỏi cung còn hai người đánh, mà đánh con toàn thân. Con không thể tưởng tượng được cái chuyện đó. Con cũng nghiến răng coi như hết đời con rồi, con không còn cái chi để mà kêu van, khóc lóc. Nói chi họ cũng không ngưng đánh. 

000_Hkg4089231-200.jpg
Tượng vua Lý Công Uẩn ở Hà Nội dịp lễ 1000 năm Thăng Long. AFP photo
Họ cứ đánh con và dùng những biện pháp đánh tàn nhẫn lắm, mà có thể nói là không thể tưởng tượng được các cách đánh của họ. Họ đánh con chín mười ngày liên tiếp, rồi qua những ngày sau thì họ đánh lai rai. Lần mô hỏi cung họ cũng đánh hết. Cũng có đi cung ban đêm, họ dùng hai cái còng họ còng tay con vô cửa sổ rồi lấy kềm bấm. Nói chung là họ dùng đủ cách để đánh, đánh con tét đầu luôn mà."

Năm 2010 cũng là năm cả Hà Nội như lên cơn sốt khi nhà nước khởi động một chiến dịch quy mô để ăn mừng Thăng Long Ngàn Năm tuổi. Cho tới những ngày cuối năm rồi mà vẫn chưa thấy báo cáo chính thức Hà Nội đã tốn bao nhiêu cho lễ hội này. Giáo sư Phạm Toàn, một trong ba trí thức lập trang web Bauxitevietnam cho RFA biết cảm nghĩ của ông về Ngàn Năm Thăng Long như sau:

"Một vụ tiêu tiền vô tội vạ. Có những đoạn đường mà mỗi một mét vuông tự nhiên họ cạy gạch lên, lát lại và tốn không biết bao nhiêu tỷ, tỷ, tỷ đồng. Bây giờ họ lại đương bàn nhau đưa thủ đô lên Ba Vì đấy."

Đại lễ Ngàn Năm Thăng Long khách quan mà nói tuy hoành tráng và đạt được những mục tiêu mà nhà nước tuyên bố trên báo chí nhưng trong khi đại lễ diễn ra thì hàng trăm ngàn người dân tại nhiều tỉnh Miền Trung lâm vào tình trạng màn trời chiếu đất. 

Ông Phạm Hùng, phó chủ tịch huyện Bình Sơn, diễn tả tình trạng lũ lụt mà đồng bào phải chịu cũng như chính quyền huyện Bình Sơn giúp đỡ đồng bào như sau:

"Giờ này trên địa bàn huyện Bình Sơn nước là có rút nhưng vẫn ở mức cao, trên mức báo động 3 là 0,5 mét. Riêng tuyến đường Quốc Lộ 1A là đã được thông xe, còn các tuyến đường khác hiện vẫn bị cô lập. Các địa phương đơn vị thì đã di chuyển các hộ dân ở vùng trũng, vùng sâu, vùng ngập có nguy cơ thì cũng đã di chuyển. Và chúng tôi cũng đã triển khai tiếp tục để có kiểm tra lại và đồng thời chuẩn bị các phương tiện phục vụ, hỗ trợ đồng bào các vùng sâu".

Về chính trị

Trong những ngày cuối năm có lẽ tin tức được giới quan sát chính trị quốc tế chú ý nhất là Đại Hội Đảng CSVN lần thứ 11 khép lại với thành phần nhân sự mới. Ông Nguyễn Phú Trọng được Đại Hội bầu vào chức Tổng Bí Thư, ông Trương Tấn Sang được bầu vào chức Chủ Tịch Nước, ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ Tịch Quốc Hội và ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ chức Thủ Tướng.

035_20091020_60224-250.jpg
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. AFP photo
Trong bài diễn văn được xem là ngắn nhất trong các bài diễn văn của lãnh đạo, có đoạn ông Nguyễn Phú Trọng xác nhận hướng đi của Đảng Cộng Sản trong những năm tới, ông nói:

"Để bảo đảm sự trong sạch và vững mạnh cũng như uy tín và hoạt động của hệ thống chính trị, Đại Hội nhận thức sâu sắc và thể hiện quyết tâm, đẩy mạnh những giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. 

Đại hội đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh rằng trong năm tới xây dựng đảng là một nhiệm vụ trọng yếu, là nhân tố quyết định để giữ vững vai trò và nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng, để Đảng thực sự xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động  và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc."

Chúng tôi xin được kết thúc bản tường trình này với một hình ảnh mà giới trẻ Việt Nam rất hãnh diện trong năm qua, đó là sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu chiếm giải Toán Học The Field, một giải thưởng danh giá được cho là ngang hàng với gải Nobel trong ngành toán quốc tế.

Hy vọng sang năm Tân Mão tất cả mọi người sẽ nhận được nhiều tin tốt lành hơn năm nay, đó cũng là lời chúc của Mặc Lâm gửi đến thính giả thân quý của đài RFA trong buổi đưa tiễn ông bà táo về trời này….

Theo dòng thời sự: