23/01/2011 22:06:17 - "Sếp cơ quan tư nhân, doanh nghiệp tự làm chủ thu chi thì không những không được biếu xén mà còn phải lo quà cho nhân viên" - Ông Trần Trọng Vinh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Biển bạc) bày tỏ.
Đi Tết, biếu quà ngày Tết là nét đẹp truyền thống. Nhưng lợi dụng biếu quà Tết và nhận quà Tết vì mục đích mua bán là vấn đề cần lên án và bài trừ. Nhiều người không thích đi Tết biếu xén quà cáp nhưng mọi người xung quanh đi nườm nượp nên cũng phải đi. Tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều cơ quan. Thành ra, nhiều khi người đi cũng khổ, người nhận cũng phiền. Vậy những người đang đương chức hoặc từng làm "sếp" nói gì? PGS.TS Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học, Viện KH&CN Việt Nam): Lãnh đạo phải là người gương mẫu
Ở các nơi khác thế nào tôi không biết, nhưng riêng ở Viện Toán thì không có thông lệ đi Tết. Nếu có thì chỉ là những món quà quê, thể hiện tình cảm, tình nghĩa với nhau, đôi khi là một bó hương trầm, một cân giò, vài cân gạo nếp... Tôi vẫn nói với học trò rằng, quý nhất là việc đến thăm thầy, không nhất thiết phải là vào ngày Tết. Vào mỗi dịp lễ, tặng thầy một bó hoa là quá đủ rồi. Việc lợi dụng biếu quà để làm việc nọ việc kia, trong xã hội diễn ra khá nhiều. Đôi khi làm ngược lại số đông lại bị cho là hợm hĩnh. Khi nó đã trở thành thói quen, thông lệ thì rất khó sửa. Cái này có nhiều lý do, nhưng theo tôi quan trọng nhất là lãnh đạo phải làm gương. Lãnh đạo mà không làm gương thì bên dưới cũng sẽ không theo. Món quà thể hiện tình cảm với nhau thì nó phải xuất phát từ tấm lòng chân thành mới đáng quý.
Ông Nguyễn Phú Tuân (Công ty Cổ phần Xanh, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp cao, Khu CNC Hòa Lạc): Chưa bao giờ nhận được quà biếu
Thật ra, tặng quà Tết là một nét đẹp mang tính truyền thống thể hiện sự yêu quý, tôn trọng nhau. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tặng quà Tết đã bị biến tướng. Nhiều người lạm dụng việc biếu quà Tết để biếu xén, nịnh bợ hoặc xin xỏ điều gì đó. Thực tế, có những món quà Tết có giá trị đến mức vượt ra khỏi cả một cái quà, cái lễ Tết thông thường. Với cá nhân tôi, khi còn là một nhân viên bình thường, nhưng tôi cũng không có khái niệm đi biếu quà Tết. Thể hiện sự quý mến, trân trọng, biết ơn có rất nhiều cách, không nhất thiết cứ phải là tặng quà vào các dịp lễ, Tết. Nay khi làm doanh nghiệp, từ lúc mở công ty đến giờ, tôi có thể khẳng định rằng chưa bao giờ nhận được quà biếu của nhân viên. Tôi cũng không bao giờ thấy buồn vì điều đó. Nhân viên đến nhà chơi thì được, chứ tặng quà thì chắc thấy ngại. Không nên "thương mại hóa" quà tặng Theo tôi, nhân dịp Tết, bạn bè đến thăm nhau là một nét đẹp truyền thống nên lưu giữ. Ngày Tết đến thăm bất kỳ ai cũng nên có một tặng phẩm nho nhỏ vì tục ngữ có câu "tặng phẩm nhỏ giữ tình bạn lâu dài, món quà lớn đôi khi làm hỏng việc". Trước đây, khi tôi là "sếp", tôi cũng được cấp dưới mang quà đến tặng trong dịp Tết. Tôi rất thích có lần anh em mang cho một cuốn lịch trong đó có những câu danh ngôn rất hay, mặc dù nhà tôi đã có lịch rồi. Họ là những người quý mến tôi mới đến tri ân, bày tỏ tình cảm và sự tin phục mình. Cũng có lần có người đến biếu tôi tiền kẹp trong một bức thư vì họ nghĩ đến việc tôi giúp họ giữ được việc làm. Nhưng tôi đã mở phong bì thư đó ra trước mặt họ, tôi nhận bức thư cảm ơn còn tiền tôi đưa lại họ. Việc làm đó hết sức bình thường nếu người cho và người nhận có sự quý mến và tôn trọng nhau. Đó là một nét văn hóa trong ứng xử giữa con người với con người, không có sự câu nệ, không nên "thương mại hóa" những món quà xuất phát từ tình cảm. Ở cơ quan tôi không có tục lệ nhân viên đến nhà sếp
Có hai loại sếp là sếp cơ quan nhà nước và sếp cơ quan tư nhân. Sếp cơ quan nhà nước thường Tết nhận nhiều quà, phong bì... từ nhân viên, đối tác vì sau này còn có những mối quan hệ như ký giấy tờ, tăng lượng, tăng chức. Còn sếp cơ quan tư nhân, doanh nghiệp tự làm chủ thu chi thì không những không được biếu xén mà còn phải lo quà cho nhân viên. Thậm chí đến thăm và biếu quà nhân viên nữa là đằng khác. Ở cơ quan tôi không có tục lệ nhân viên đến nhà sếp. Khi nghỉ Tết, tất cả nhân viên có thể nghỉ ở nhà, về quê hoặc đi chơi. Bởi cả năm đã gặp nhau, nhân viên đã cống hiến cho mình thì Tết phải để họ lo lắng cho gia đình và bản thân. Mình phải tính làm sao, năm sau nhân viên sẽ làm tốt hơn, cống hiến tốt hơn chứ không vì Tết được biếu xén thế nào.
Ông Trần Văn Mân (nguyên Giám đốc Công ty Vật tư Nông nghiệp Hà Tĩnh): Hầu hết anh em trong cơ quan đều biếu quà
Khi tôi còn đương chức hầu hết anh em trong cơ quan đều biếu quà Tết. Quà ở đây được hiểu là sự quan tâm đến sếp trong dịp lễ, Tết nên không có gì to tát. Món quà có thể là két bia, chai rượu hoặc đặc sản của vùng quê mà người đó ở, thậm chí là nải chuối đẹp để thắp hương ngày Tết hay chai mắm tôm do mẹ hay vợ người đó tự tay làm ra... Vì thế, dù món quà nhỏ tôi cũng rất trân trọng. Đến nay, dù đã nghỉ hưu gần chục năm, nhưng cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, có rất nhiều anh em vẫn đến chơi thăm và biếu quà Tết. Vẫn các món quà đó, là những két bia, chai rượu hay chai mắm tôm. Điều đó thể hiện, dù quà lớn hay nhỏ thì vẫn chủ yếu ở cách sống, đối xử với nhau để làm sao khi đương chức hay đã nghỉ hưu bạn bè đồng nghiệp cũ vẫn có người nhớ đến mình.
|
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog