THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 January 2011

Sang-Triết-Trọng-Dũng, trên bàn Ðại Hội XI


I.

Những tin tức dồn dập tung ra hải ngoại về đại hội đảng CSVN lần thứ XI (11/1-19/1/2011) được cho là "quan trọng bậc nhất tại Việt Nam" (1) vì các lý do, theo tôi, như sau:

Thứ nhất: Báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương đảng khóa X. (Ai đọc?)

Thứ hai: Chiến lược phát triển đảng và nhân sự đảng trong giai đoạn mới từ năm 2011 đến 2020. (Ai đọc?)

Thứ ba: Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện chủ trương và chính sách của nhà nước XHCNVN từ năm 1990 đến năm 2010. (Ai đọc?)

Thứ tư: Báo cáo về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị, quốc phòng 10 năm qua từ 2001 đến 2010 và giai đoạn mới từ năm 2011 đến 2020. (Ai đọc?)

Trong bốn tiêu chí nêu trên, báo cáo chính trị-chính sách và báo cáo chiến lược phát triển đảng-nhân sự đảng là hai tiêu chí cốt lõi của Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN Ðại Hội X và XI.

Nhiều tranh luận chỉ ra việc thay đổi nhân sự lãnh đạo không quan trọng bằng sự thay đổi chính sách đối với đảng CSVN. Có thể tìm hiểu qua các đời tổng bí thư Việt Nam, vấn đề cải tổ bộ máy lãnh đạo của họ rất linh hoạt theo tình hình thực tế đã cho thấy có nhiều dấu hiệu cải tổ hệ thống chính trị, đặc biệt là về nhân sự.

Ðảng CSVN tính từ năm 1975 cho đến nay trải qua 6 đời tổng bí thư: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Ðức Mạnh. Mỗi đời TBT là mỗi lần cải cách chính sách, từ hà khắc tới bớt hà khắc, rồi lại hà khắc, nhưng thực sự sâu rộng và tạo ảnh hưởng trong não trạng đảng và cởi trói về đảng của quần chúng phải kể đến TBT Nguyễn Văn Linh (Ðại Hội VI- 1896).

Gần đây, nhiều ý kiến hô hào mạnh mẽ cải tổ điều 4 Hiến pháp, hủy bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa Mác-Lê, tư nhân hóa thị trường, tư hữu hóa tài sản nhân dân, đa nguyên đa đảng, kiểm tra hoạt động và tài chính đảng, v.v.

Những hô hào này có khởi động cho một qui trình tiến tới dân chủ mà ai cũng ngầm hiểu rằng đảng cần phải phù hợp với hoàn cảnh mới để tồn tại và tiếp tục đổi mới?

Các nhà phân tích phương Tây về chế độ sau bức màn sắt thường ngạc nhiên đối với đặc điểm của đảng CSVN, khi tìm hiểu về các biện pháp thanh trừng trong đảng không lộ liễu như các đảng cộng sản khác ví dụ như Nga và Tàu, trừ trường hợp Hoàng Văn Hoan thời TBT Lê Duẩn là nổi cộm. Hoàng Văn Hoan trốn sang Tàu không bị giết vì chống lại chính sách của Lê Duẩn.

Nhân sự không chỉ là người thực hiện chính sách, mà đôi khi còn ẩn dụ khả năng cải tổ. Người ta chờ đợi sự đột phá trong Báo cáo Chiến lược phát triển đảng qua nhân sự mới, trước mắt đề cương của đảng CSVN đã vạch ra, họ chuẩn bị đường lối của VN bước vào nền kinh tế thị trường tự do trong năm, mười năm tới. Ý nghĩa này có nghĩa là đảng CSVN sẽ còn cầm quyền ít ra là 10 năm nữa.

Chuẩn bị là một chuyện, khu vực, thế giới, nhất là các cường quốc có chấp nhận cho một quốc gia cộng sản cố cựu gia nhập vào "khối tự do thường trực" lại là một chuyện khác. Và đấy chính là chính sách đối ngoại hàng đầu của đảng CSVN 10 năm qua.

Như chúng tôi đã đề cập trong bài trước (*), chính sách là cặp bài trùng với nhân sự. Bất cứ chính phủ nào khi thay đổi chính sách cũng thường đi đôi với thay đổi nhân sự và ngược lại. Thế cho nên, qua Ðại Hội XI, việc bầu bán các vị trí "lãnh đạo" mới, hai "phạm trù" này như hình với bóng.

Ngày xưa trong chiến tranh Việt Nam, miền Bắc từng đánh giá các cuộc đảo chánh, chỉnh lý của các tướng lãnh, chính trị gia miền Nam một câu phán rất trịch thượng là "Thay ngựa giữa dòng"!!! Ðảng CSVN cầm quyền ở VN có khác ở chỗ nhân sự của đảng đưa ra lãnh đạo từ trong đảng.

II.

Trở lại những tin tức tung ra hiện nay về bộ tam đầu chế chẳng hạn như Trương Tấn Sang sẽ giữ chức chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng sẽ làm tổng bí thư, Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ ghế Thủ tướng, nhưng ít thấy thông tin nào đề cập đến đương kim Nguyễn Minh Triết, khuôn mặt chủ tịch nổi bật trên trường quốc tế 5 năm qua. Triết, một ẩn số?

Cũng ít thấy thông tin về Ðại Tướng Phùng Quang Thanh, ông tướng xuất hiện đúng vào lúc biển Ðông "nóng" nhất không chỉ ở vai trò của một bộ trưởng quốc phòng. Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh đã nhiều lần khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ đối tác riêng với ASEAN, riêng với Mỹ, riêng với Trung Quốc riêng quốc tế. Tướng Thanh là nhân vật tiêu biểu cho thời đại chuẩn bị chiến tranh? (**)

Cho đến ngày 19 tháng Giêng năm 2011 kết thúc Ðại hội Ðảng XI, mới biết rõ những ai vào, những ai rút khỏi Bộ Chính Trị, những ai là bộ tam đầu chế, và những yếu nhân nào nắm giữ các vị trí quan trọng.

Cũng có tin đồn chủ tịch nước kiêm cả tổng bí thư. Tức là bớt đi một ông. Kỳ này "phấn đấu" thêm một ông bấy lâu nay nhà nước và báo chí nâng "chất lượng" lên là ông chủ tịch Quốc Hội. Hình thức tam quyền là nét mới hình thành dần trong hệ thống chính trị VN, chỉ khác cách gọi là Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp.

Trong trường hợp Nguyễn Minh Triết đương kim "Tổng Thống" (danh từ gọi nguyên thủ quốc gia của thế giới phương Tây) không còn ở trong Bộ Chính Trị nhiệm kỳ 2011-2015, Triết vẫn tiếp tục là chủ tịch nước cho đến khi Quốc Hội đương nhiệm họp kỳ họp cuối cùng (kéo dài khoảng 1 tháng); sau đó ở kỳ họp đầu tiên niên khóa mới, Quốc Hội mới chính thức hóa bộ tân tam đầu chế.

Ðấy là đang nói về trình tự bầu bán bình thường, không màng đến "sự cố" bất thường như vụ "Sáu Thọ" sắp bài mà nhà báo Bùi Tín viết trong blog "Không nhổ neo, không thể ra khơi". (VOA Thứ Hai 27/12/2010).

Với nhiều năm hoạt động gây thanh thế ở miền Nam, từ các thành quả ở Sông Bé, Bình Dương, Triết gần như được lòng dân miền Nam; từ các hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo thế giới, Triết là khuôn mặt quốc tế quen thuộc để trong số 1400 Ủy viên Trung ương đại diện cho đảng, tiếp tục đề cử Triết giữ chức chủ tịch nước, dù Triết đánh tiếng khiêm cung "Tôi già rồi, xin về hưu"!

Nhìn lại các ông lãnh đạo trước như Võ Chí Công Chủ Tịch nước lúc 73 tuổi; Lê Ðức Anh CT nước lúc 72 tuổi; Trần Ðức Lương CT nước từ năm 1997 đến 2006 khi rời chức vụ mới có 69 tuổi. Kể ra Triết vẫn còn trẻ, lại là nhân vật quốc tế đương thời.

Triết rơi vào trường hợp của Lê Ðức Anh được chọn thay Võ Chí Công dù Công ra khỏi Bộ Chính Trị, nhưng Công vẫn tiếp tục giữ chủ tịch nước thêm 1 năm cho đến khi Quốc Hội khóa mới chính thức hóa tân chủ tịch nước Lê Ðức Anh.

Trong trường hợp Triết tiếp tục ở thường vụ Bộ Chính Trị, tiếp tục nhiệm kỳ 2 chủ tịch nước, Trương Tấn Sang chỉ còn một ghế để leo lên tột đỉnh đảng: Tổng Bí Thư. Sang là nhân vật thứ hai trong Ðại Hội X (2006), chỉ sau Nông Ðức Mạnh.

Vấn đề định lệ tuổi tác không phải là luật đối của đảng CS, vấn đề là phe nhóm nội bộ, khuôn mặt nào phù hợp với tình thế mới, vấn đề là Ai là người mà Ai tin cậy.

Khuôn mặt Trương Tấn Sang nổi lên trong kỳ Ðại hội XI này chưa hẳn là một nhân vật lịch sử nhưng khả dĩ là một quy luật của đảng. Sang có nhiều dấu ấn trong thời gian nắm chức Bí thư TP. HCM. Mâu thuẫn giữa Sang và Triết từ lúc Sang là bí thư và Triết là phó bí thư TP. HCM. Dư luận thành phố cho rằng nó không phát xuất từ quan điểm hay đố kỵ tài năng mà do cách quản lý cũng như về cá tính. Ngoài khả năng và quá trình "vô bưng", Sang và Triết đều có "ông Thầy" phía sau.

Bên cạnh đó, lịch sử truyền thừa của đảng CSVN trước đây vốn được xem mang tính "truyền thống địa phương" để chọn bộ tam đầu chế vào ba chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng. Tất nhiên nó không hẳn là một định lệ, nhưng yếu tố ba miền thường chia đều cho ba ông Bắc-Trung-Nam.

Công thức ba Nam hai Bắc có thể là công thức được chọn trong năm vị trí quan trọng: Tổng bí thư, chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nước, thủ tướng và thường trực ban Bí thư (tương tự phó tổng bí thư) trong kỳ Ðại Hội XI.

III. Vài nét về những khuôn mặt nổi bật nhiệm kỳ 2011-2015

* Vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn bảo lưu chức thủ tướng?

Phần này chỉ đề cập đại lược đến 4 nhân vật mà suốt mấy tháng qua truyền thông đưa tin. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một nhân vật nào ngoài đảng CSVN hay một tổ chức chính trị nào khác được đề cử, hay tự ra tranh cử các chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc Hội, thủ tướng, phó tổng bí thư, v.v.

Vài nét về Trương Tấn Sang, 62 tuổi (người miền Nam)

Theo khai sinh, Trương Tấn Sang sinh năm 1949 tại Long An, tuổi Kỷ Sửu. Sang nổi tiếng là học trò xuất sắc, đỗ Tú Tài II hạng ưu ban A Petrus Ký niên khóa 1965-1966 lúc 17 tuổi, sau theo học Ðại Học Khoa Học Sàigon ban Vạn Vật (66-68). Cảnh sát Sàigon phát hiện ra Sang trong vụ Mậu Thân 1968, Mùa Hè tháng 5/1968, Sang vô bưng. Sau 1975, Sang chỉ là chủ tịch huyện Bình Chánh tiếp đó là giám đốc Sở Nông Nghiệp. Năm 1991, ủy viên trung ương đảng, trưởng ban Tổ chức Thành ủy, chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM. Năm 1996, Sang là bí thư Thành ủy TP. HCM, Ủy viên Bộ Chính Trị. Bước ngoặt của Sang vào năm 2000, khi Sang bị điều ra Hà Nội làm trưởng ban Kinh tế Trung ương. Năm 2006, Sang làm trường trực Ban bí thư Trung ương, vị trí thứ 5 Ðại Hội X. Năm 2009, Sang leo lên hàng vị trí thứ 2 Bộ Chính Trị sau Nông Ðức Mạnh. Nếu cho Sang vốn là cựu sinh viên Ðại Học Khoa Học là thành phần trí thức miền Nam cũng không quá đáng, thời thế đẩy Sang qua bên kia chiến tuyến và lọt vào mắt xanh của Ðỗ Mười dưới sự tiến cử của Võ Văn Kiệt.

Vài nét về Nguyễn Minh Triết, 68 tuổi (người miền Nam)

Theo khai sinh, Nguyễn Minh Triết sinh năm 1942 tại Bến Cát-Bình Dương, tuổi Nhâm Ngọ. Năm 1961, Triết học Ðệ Nhất ban B-Petrus Ký. Học toán với Lê Quang Vịnh (sau 1975 Vịnh giữ chức CT Hiệp Hội Thanh Niên Việt Nam; trưởng ban Tôn giáo Chính phủ). Năm 1961-1963, Triết học khoa toán tại Ðại Học Khoa Học Sàigon. Tham gia hoạt động nội thành, cảnh sát Sàigon phát hiện, tháng 11/63, Triết chạy vô bưng theo ngả Bình Dương. Triết lên hương từ khi làm bí thư trung ương Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM. Năm 1991, Triết là ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy Sông Bé. Năm 1997, Triết là phó bí thư Thành ủy TP. HCM, nhân vật thứ hai sau Trương Tấn Sang. Cuối năm 1997, Triết được Lê Khả Phiêu chọn vào ủy viên Bộ Chính Trị khi Phiêu thay Ðỗ Mười làm TBT giữa nhiệm kỳ. Phiêu bố trí Triết thay Sang làm Bí thư Thành ủy Saigon, nhưng Sang chần chừ và gây trở ngại cho việc bàn giao, cuối cùng Phiêu phải đưa Triết ra Hà Nội làm trưởng ban Dân vận Trung ương. Ðầu năm 2000, Phiêu đưa Triết về Nam thay Sang làm bí thư thành ủy TpHCM. Ngày 26/6/2006, sau Ðại hội IX Triết thay Trần Ðức Lương làm chủ tịch nước. Ngày 24/7/2007, Quốc Hội kỳ họp kỳ 1 khóa XII tái bầu Triết chức Chủ tịch nước.

Vài nét về Nguyễn Tấn Dũng, 62 tuổi (người miền Nam)

Nguyễn Tấn Dũng tuổi Kỷ Sửu, sinh tại Kiên Giang. Dũng là lãnh tụ rất "thực thà" trong việc khai lý lịch, không mặc cảm. Ngay trong ngày nhậm chức thủ tướng, Dũng long trọng hứa diệt tham nhũng và cải cách nền kinh tế quốc dân. Dũng là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam đối thoại trực tuyến với dân. Dũng được đánh giá là nhà canh tân có khả năng kinh tế tuyệt vời. Mưu sự tại Nhân thành sự tại Thiên. Dù đất Nam kỳ Lục Tỉnh là cái nôi phát tác cho Dũng, nhưng những kế hoạch kinh tế lớn của Dũng gặp phản ứng khắp nơi. Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp còn phải lên tiếng. Dũng lờ đi và bắt đầu thi triển "quyền lực vô biên" ra tay bỏ tù các nhà tranh đấu dân chủ, lại còn hô hoán chủ trương lớn của đảng, sử dụng chế độ công an trị đối các nhà lập pháp tiến bộ, các nhà báo viết lên sự thật.

Thế nhưng, hầu như dư luận đều đi đáp số cần có Dũng trụ lại ghế thủ tướng. Ðáp số của nó biện luận rằng công lớn của Dũng đã đạo diễn hàng chục hội nghị lớn nhỏ, Dũng là khuôn mặt sáng giá của một thủ tướng đi gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới. Dũng đóng vai thủ tướng niềm nở của một quốc gia muốn hội nhập với thế giới. Dũng đã chứng tỏ được sự cân bằng trước các áp lực của Tàu, Mỹ, Asean và Quốc tế thời gian "biển Ðông nóng sốt" vừa qua.

Dưới mắt của các nhà chính trị gốc miền Bắc, gốc miền Trung, Nguyễn Tấn Dũng chưa phải là ngôi sao sáng chói trên bầu trời chính trị, Dũng là người của thời cuộc. Dũng được đảng đầu tư rất lớn và được tập sự lãnh đạo nhiều công tác khác nhau trong chính phủ. Dũng được cái là trẻ, sáng láng, chịu khó học ở nhiều người. Dũng là người biết làm ăn, làm ăn giàu có bậc nhất ở miền Nam. Giữa bối cảnh của một đất nước bền bờ "lạng quạng" khoảng từ năm 1985-1995, Dũng là trung phong lấy lại thế "việt vị" của Bộ Chính Trị. Dũng biết sử dụng nhân lực trung thành, là bậc thầy về "từ khi làm thủ tướng chưa xử phạt một ai!", là học trò xuất sắc của khẩu hiệu "Hãy làm giàu đi!" do nhà canh tân hàng đầu Võ Văn Kiệt đề xướng. Mắt xanh của cựu TBT Ðỗ Mười nhìn thấy Dũng. Dũng được chọn làm thủ tướng để canh cải xã hội chủ nghĩa. Công bằng mà nói, từ khi Dũng được Mười, Kiệt đưa lên, bộ mặt "xác xơ" của Việt Nam thay da đổi thịt nhiều.

Dũng không phải là nhà lý luận, Mục tiêu hàng đầu của Dũng hiện giờ và cũng là chủ trương lớn của đảng là Uranium-Nguyên tử lực, rừng và mỏ Tây Nguyên. (**) Vụ Vinashin là bài học đắng của Dũng. Ai "chơi" Dũng trong vụ này, chỉ có Dũng mới biết. Cùng thời với Dũng là Sang. Cùng thời với Dũng là Triết (lớn hơn mấy tuổi). Bộ ba này đều là dân Nam kỳ.

Nhiệm kỳ 2005-2010, cặp Dũng và Triết làm ăn nhịp nhàng, biết dựa và nể nhau, nhưng riêng Sang và Triết ngấm ngầm mâu thuẫn. Bắt nguồn từ thời cả hai cùng hoạt động nội thành Sàigon, cả hai không ít thì nhiều đều ảnh hưởng tư tưởng "tiểu tư sản" trí thức nhân bản miền Nam, cả hai đều có học và có tài. Mâu thuẫn Sang-Triết bộc lộ từ năm 1996-1997, khi Sang đang nắm chức Bí thư Thành ủy Tp HCM và Triết được TBT Lê Khả Phiêu bổ nhiệm là Phó Bí thư Thành ủy Tp HCM. Phiêu chuẩn bị Triết thay Sang, sau Sang bị Phiêu điều ra Hà Nội làm Trưởng ban Kinh tế, Triết lên Bí thư đứng hàng thứ 4 trong Bộ Chính Trị.

Vài nét về Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi (người miền Bắc)

Theo khai sinh, Trọng sinh năm 1944 tại huyện Ðông Anh Hà Nội. Sinh viên Ðại Học Tổng Hợp Hà Nội 1963. Năm 1967, Trọng gia nhập đảng CSVN, làm báo viết báo tại Tạp chí Học Tập (tiền thân của Tạp chí Cộng Sản). Năm 1981, sang Nga làm nghiên cứu sinh và bảo vệ Luận án Tiến sĩ Kinh tế Chính trị học tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Liên Xô. Năm 1991 làm tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Năm 1996, phó bí thư Thành ủy Hà Nội. Năm 2000, bí thư Hà Nội. Năm 2006, làm chủ tịch Quốc Hội thay Nguyễn Văn An mất chức. Năm 2007, tái đắc cử chủ tịch Quốc Hội. Nhiều ý kiến cho rằng Triết và Trọng là người thân tín của Lê Khả Phiêu, thân Tàu.

Nhà báo Bùi Tín viết dân Hà Nội gọi Trọng là "Trọng lú", Trọng "4 kiên định".

Nguyễn Phú Trọng có tiếp tục làm chủ tịch Quốc Hội hay đang được "lăng xê" nắm chức tổng bí thư. Thái độ nổi tiếng nhất của Trọng là "lờ tịt đi" trong kỳ họp Quốc Hội vừa qua khi đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đăng đàn đàn hặc tín nhiệm hay không tín nhiệm chức thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng qua vụ Vinashin và Bauxite. Nhưng những động lực dân chủ và dấn thân của một số đại biểu Quốc Hội qua việc chất vấn thủ tướng vừa qua cho thấy dấu hiệu của một lực đối trọng với chính phủ đang hình thành. Quốc Hội nay đã thị hiện là một cơ quan lập pháp, là "logic" tiến trình xu thế Dân chủ hóa. Quốc Hội được chọn là đơn vị an toàn tập hợp các lực lượng đối lập vì đối trọng chứ không phải đối lập vì chính quyền.

Quốc Hội vẫn còn phải cần bàn tay điều động của Nguyễn Phú Trọng.

VI.

Như vậy, mấu chốt kín hiện nay là giữa Sang (người Nam) và Triết (người Nam), ai sẽ là chủ tịch nước? Và nếu Triết vẫn là CT nước, khả năng TBT về tay Sang.

Chức tổng bí thư theo như tin "lăng xê" Nguyễn Phú Trọng (người Bắc) chưa chắc; Chức chủ tịch Quốc Hội chưa rõ; Chức Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (Nam) nắm chắc vì vóc dáng thời thế và "quyền lực vô biên".

Công thức "ba Nam hai Bắc" có thể là công thức được chọn trong năm vị trí quan trọng: Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Thường trực ban Bí thư (tương tự phó Tổng bí thư) trong kỳ Ðại Hội XI.

Xin nhắc lại, sự kiện Vinashin, hàng trăm vụ đình công trong năm qua, và mới đây vụ "Xô Viết Bình Dương" với hàng chục ngàn công nhân đình công vì đói kém và bị lạm dụng sức lao động quá mức so với đồng lương, vụ sinh viên bãi khóa biểu tình… diễn ra trước ngưỡng cửa Ðại Hội XI, báo hiệu đến thời khắc nào đó giờ tàn lụi của một mô hình chính trị kinh tế XHCN không còn kiểm soát xã hội được nữa, không thể không là mối lo của năm vị trí quan trọng bậc nhất Việt Nam.

(1) Từ của đài BBC.

(*) Cùng tác giả: Xem bài "Từ California nhìn về vụ Vinashin" – mục Diễn Ðàn báo Người Việt số ra ngày Thứ Hai 20/12/2010.

(**) Cùng tác giả: xem bài" Nhân Hội Nghị Thượng Ðỉnh Pnom Penh 16/11/2010 – Làn Sóng Ðỏ Lừng Lững Trở Lại Bán Ðảo Ðông Dương" – mục Diễn Ðàn báo Người Việt số ra ngày Thứ Ba 20/11/2010.