THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 January 2011

Những đầu mối chia rẽ trong Đảng Cộng sản Việt Nam


Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục hát bài "con đường xưa em đi" bằng cách bầu một người trung thành với tư tưởng Marxist vào chức vụ tổng bí thư. Ông Nguyễn Phú Trọng, 67 tuổi, nguyên là tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đồng thời là đương kim Chủ tịch Quốc hội do đảng kiểm soát, được dàn xếp lựa chọn trong Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 11 vừa mới kết thúc.

Theo giới quan sát thời cuộc trong nước, thì hai kẻ có nhiều quyền lực nhất trong vòng bầu chọn kín đáo là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trương Tấn Sang. Ông Dũng đã lãnh đạo và điều hành chính phủ trong suốt 5 năm qua và chính sách của ông ta thiên về việc ủng hộ cho các doanh nghiệp nhà nước, do văn phòng thủ tướng chỉ đạo, khiến ông ta có thể nắm được sự kiểm soát chưa hề có trước đây trên nền kinh tế.

Nhưng ông Dũng cũng bị chỉ trích nặng nề trong việc ủng hộ cho một kế hoạch khai thác quặng bô-xít khổng lồ ở vùng Tây Nguyên và sự kém cỏi trong việc quản lý tập đoàn Vinashin, một công ty đóng tàu quốc doanh bị phá sản vì những khoản nợ nần cao đến 5% tổng sản phẩm nội địa. Còn ông Sang thì có nhiệm vụ coi sóc những công việc hằng ngày của đảng trong vai trò giống như một giám đốc điều hành. Ông Sang sắp xếp nhân sự, phối hợp tư tưởng và các chức năng then chốt khác trong đảng. Một số người theo dõi thời sự Việt Nam cho rằng ông Sang đã ngấm ngầm bao che cho những chỉ trích của quần chúng nhắm vào ông Dũng.

Cả hai đang ở lứa tuổi đầu 60 và là đối thủ của nhau kể từ khi họ vừa được đề cử vào Bộ Chính trị hồi năm 1996. Theo một bức điện ngoại giao mật của Hoa Kỳ do WikiLeaks tìm được thì : "Hai ông Dũng và Sang đã thu được nhiều ảnh hưởng chưa từng thấy trong guồng máy của đảng và nhà nước; có thể nói họ là hai kẻ nắm nhiều quyền lực chính trị nhất hiện nay ở trong nước. Có điều là hai ông Dũng và Sang, mặc dù là đối thủ của nhau, nhưng họ cũng có hoàn cảnh rất tương tự để an ủi lẫn nhau – cả hai đều là người miền Nam."

Việc đối đầu của họ đã gây ra nhiều tranh chấp căng thẳng trong những ngày chuẩn bị cho đại hội. Phe nhóm của ông Dũng trong giới truyền thông quốc doanh đã cố gắng đánh bóng hình ảnh ông ta bằng cách cho đăng tải những bài báo viết về ông như là một "nhà lãnh đạo xuất sắc nhất châu Á" theo "báo chí Đức". Giới blogger Việt Nam đã tìm hiểu những luận điệu này và khám phá ra rằng nguồn tin đơn độccủa tất cả các bài báo trên là từ một trang web vô danh đặt lại nước Đức, www.firmenpresse.de, mà chủ nhân/người điều hành trang mạng này rõ ràng là đang tìm kiếm các hợp đồng kinh doanh ở Việt Nam và họ tự quảng cáo như là một "cổng thông tin cung cấp toàn bộ các dịch vụ quan hệ công chúng"

Điều chắc chắn là tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có một sự ủng hộ vững chắc. Trước khi giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông ta từng là bí thư thành uỷ Hà Nội đồng thời là một kẻ triệt để áp đặt tư tưởng Marxist. Theo tờ Asahi Shimbun, một nhật báo của Nhật có nhiều đầu mối liên lạc ngoại giao, thì ông Trọng cũng có nhiều quan hệ thân cận với Trung Quốc. Một dấu hiệu sớm sủa của mối liên hệ then chốt này là chừng nào thì ông ta sẽ đi thăm Bắc Kinh và cách xử sự của ông ta đối với các đề tài nhạy cảm về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như thế nào.

Ở cái tuổi 67, ông Trọng được miễn chấp để giữ chức tổng bí thư qua độ tuổi bó buộc phải về hưu cho nên chắc chắn là ông sẽ không ở chức vụ này qua hơn một nhiệm kỳ 5 năm. Điều này có khả năng gây ra một cuộc tranh giành thay đổi quyền lực trong thời gian ngắn tới đây.

Lên voi xuống chó

Một quan chức bị mất ghế uỷ viên là bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Ông này bị loại bỏ khỏi Uỷ ban Trung ương đảng gồm 175 uỷ viên và Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên. Tổ chức sau này là cơ quan quyền lực tối cao của đảng, hiện không có một đại diện nào từ Bộ Ngoại giao trong cơ quan này.

Việc loại bỏ này này có nghĩa là ảnh hưởng của giới ngoại giao Việt Nam bị mất đi trong nền chính trị đầy quyền lực trong nước, chỉ có một năm sau khi Việt Nam giữ chức chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên, và đứng ra tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh thế giới và khu vực. Hiện bây giờ chỉ có 3 uỷ viên trung ương đảng là có gốc gác từ Bộ Ngoại giao.

Mặt khác, ngành công an lại gia tăng sự hiện diện của mình, cho thấy rằng an ninh vẫn là chính sách được quan tâm hàng đầu. Các tướng lãnh công an và quân đội đã chộp được 9 và 19 ghế theo thứ tự trong Uỷ ban Trung ương đảng. Đại diện của ngành công an trong Bộ Chính trị được tăng từ một lên hai uỷ viên, trong khi quân đội vẫn duy trì được chiếc ghế của mình trong Bộ Chính trị do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nắm giữ.

Trong một biểu hiện cho thấy đảng đang có dấu vết tiêm nhiễm cái thói cha truyền con nối trong hệ thống chính trị khi hai thằng con trai của đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh được bổ nhiệm vào trung ương đảng. Họ gia nhập vào hàng ngũ của giới con ông cháu cha cộng sản đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng.

Tóm lại, việc lựa chọn nhân sự trong đảng cho thấy các chính sách hiện nay cũng như nhiều mâu thuẫn cố hữu của các chính sách đó vẫn tiếp tục kéo dài thêm. Về mặt kinh tế, điều này có nghĩa là giới doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục phải lo âu chung sống với các công ty nhà nước kém khả năng trong một hoàn cảnh chính trị không rõ ràng.

Các nhà đầu tư nào đang hy vọng sẽ có thêm nhiều minh bạch và một sân chơi công bằng sẽ bị thất vọng bởi việc lên ngôi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là kẻ đã kêu gọi cho "quyền sở hữu tập thể những phương tiện sản xuất " trong đại hội đảng. Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Trọng tuyên bố rằng ông ta sẽ tiếp tục quyết tâm "đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội."

Về mặt đối ngoại, thành phần lãnh đạo cộng sản mới ở Việt Nam vẫn cần phải cân nhắc đối với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là họ phải đi tìm các quan hệ quân sự gần gũi hơn với Hoa Kỳ, khối ASEAN và những cường quốc khác trong khu vực vì nền an ninh quốc gia.

Đồng thời, những kẻ đang chia chác quyền lực trong đảng sẽ bị lèo lái bởi nhiều mối quan tâm trước mắt —chẳng hạn như việc duy trì an ninh trong nước, chứng tỏ việc kiên định lập trường tư tưởng, và thi hành những kế hoạch phát triển theo đường hướng xã hội chủ nghĩa— sẽ là động cơ thúc đẩy cho một mối quan hệ nghiêng gần hơn về phía cộng sản Trung Quốc, hầu củng cố cho danh nghĩa lãnh đạo chính đáng và lâu dài của chế độ Hà Nội.

Cuối năm nay, Quốc hội sẽ được triệu tập để gật đầu thông qua những chọn lựa của đảng vào chức vụ Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ, mà mọi người đều cho là sẽ lọt vào tay Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rồi sẽ cầm đầu một bọn ba tên trong đó hai gã đồng chí dưới quyền ông ta đều cho rằng họ đúng ra phải là kẻ đứng đầu đảng, và do đó, việc tranh giành chức vụ này có lẽ không chấm dứt cùng với đại hội đảng.

Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch theo "Lines of division in Vietnam", Asia Times 21/01/11