05/01/2011 2:12 Một vết thương khá nặng trên cổ cụ rùa đã được phát hiện vào ngày 31.12.2010. Trong phiên họp cuối năm của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội với các nhà khoa học và một số đơn vị chức năng diễn ra cùng ngày, vấn đề bảo vệ cụ rùa hồ Gươm được PGS-TS sinh học Hà Đình Đức đặt ra cấp thiết. >> Thành lập tổ công tác bắt rùa tai đỏ hồ Hoàn Kiếm
PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Đức về vấn đề này.
Ngày 19.12.2010, báo chí đăng ảnh một con rùa tai đỏ ngồi trên lưng cụ rùa Hồ Gươm, tôi biết dư luận sẽ lại bắt đầu "nổi sóng" về mối nguy hại về rùa tai đỏ mà tôi đã cảnh báo cách đây 6 năm, vào năm 2004. Kinh khủng nhất là ngày 31.12.2010, khi báo chí đưa ảnh cụ rùa hồ Gươm bị một vết thương nặng ở cổ và trên mai rùa có nhiều vết cắn nham nhở, tôi coi đấy là chuyện "sốc" nhất trong quá trình hơn 20 năm tôi nghiên cứu cụ rùa hồ Gươm. Trước đây, năm 1998, cụ rùa cũng đã từng bị một vết thương "cứa cổ" tương tự như thế rồi, nhưng không nặng bằng vết thương lần này. Tại cuộc họp ngày 31.12.2010 với Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, tôi đặt giả thuyết những vết cắn nham nhở trên mai cụ rùa có thể do rùa tai đỏ gây ra.
Đúng là tôi có đề xuất với TP Hà Nội việc cần phải đưa cụ rùa lên bờ để cho các nhà chuyên môn khám chữa bệnh và sơ cứu, sát trùng các vết thương trên mình cụ rùa. Vì vết thương trên cổ lần này là nặng nhất và cụ rùa đã tỏ ra mệt mỏi, xuống sức vì còn nhiều vết thương khác trên lưng. Đừng để mọi việc trở nên quá muộn, kể cả việc loại bỏ hiểm họa rùa tai đỏ ở hồ Gươm cũng vậy. Ông có nhận xét gì về việc tần suất số lần cụ rùa nổi ở hồ Gươm trong những năm gần đây ngày một tăng, điều này có liên quan gì đến sức khỏe của cụ rùa? Tôi bắt đầu theo dõi sức khỏe cụ rùa từ năm 1991 và thấy từ năm 2006 trở lại đây số lần cụ rùa nổi ở hồ Gươm ngày một tăng, năm 2007 có 72 lần nhưng năm 2010 có tới 134 lần rùa nổi, riêng tháng 12.2010 có 23 lần cụ rùa nổi. Tôi thấy cụ rùa năm nay nổi nhiều và có vẻ yếu mệt hơn mọi năm. Nhìn cách cụ rùa nổi, cứ như cố sức rướn hết cả lưng và cổ với các vết thương của mình lên, tôi thấy rất đau lòng. Theo ông, các vết thương trên mình cụ rùa ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của cụ? Ảnh hưởng quá đi chứ! Trước đây mai cụ nhẵn nhụi, giờ xuất hiện nhiều vết thương, tháng 8.2010, trên mai cụ có dính 2 chùm lưỡi câu ở hai thời điểm khác nhau, tôi đều có lưu hình ảnh rõ ràng và đã qua công luận để cảnh báo với TP Hà Nội. Tôi còn lưu trong máy một đoạn video hình ảnh về một đối tượng câu trộm cá ở hồ Gươm đang vung cần, tung lưỡi câu chùm xuống mặt hồ. Giờ lại thêm một vết thương mới trên cổ cụ rùa. Năm 1998, cụ rùa cũng từng một lần bị thương nơi cổ, tôi cũng lưu được ảnh.
Để có biện pháp thiết thực, khẩn cấp bảo vệ cụ rùa hồ Gươm, ông có các đề xuất mới gì với TP Hà Nội? Tôi có 3 đề xuất, thứ nhất là loại bỏ ngay rùa tai đỏ trong hồ và đưa cụ rùa lên để cứu chữa các vết thương, thứ hai là phải rà soát ngay các chướng ngại vật ngầm đang nằm trong lòng hồ Gươm và thứ ba là phải hút thêm bùn vì hồ đang ngày một nông dần, chỗ sâu nhất giờ khoảng 1,2m, còn chỉ từ khoảng 0,6-0,7m. Vết thương trên cổ cho thấy cụ rùa bị vật sắc nhọn đâm phải. Dưới lòng hồ hiện tại có nhiều chướng ngại vật. Từ xưa đến nay, người ta đã quăng đủ thứ xuống hồ, từ khung xe đạp, xe máy ăn cắp đến các tảng bê tông có lõi sắt nhọn, chưa kể đến việc khi tiến hành kè xung quanh khu vực đền Ngọc Sơn, các cọc sắt thép vẫn nằm ngổn ngang dưới đó mà khu vực này là nơi cụ rùa thường về nghỉ đêm. Ngoài ra, còn cả loạt cọc sắt thép đóng xuống lòng hồ để dựng các đài hoa, đài phun nước và giăng hoa, kết đèn trong các dịp kỷ niệm cũng chưa được dọn dẹp. Do vậy, việc quan trọng là TP Hà Nội phải khẩn trương cho dọn dẹp các chướng ngại vật dưới lòng hồ, loại bỏ các vật sắc nhọn có thể gây thương tích cho cụ rùa. Hồ Gươm đang ô nhiễm nặng bởi các loại rác sinh hoạt thải xuống lưu cữu trong nhiều năm. Mới đây cụ rùa đã thở ra đằng mũi một đoạn dây cao su đen ngòm. Kế hoạch diệt rùa tai đỏ ở hồ Gươm trình lên TP có khả thi không, thưa ông? Nói chung kế hoạch diệt rùa tai đỏ vừa trình là khả thi, nhưng về mùa đông thì hơi khó vì mùa này rùa tai đỏ ít hoạt động hơn mùa hè. Vào những ngày trời ấm, rùa tai đỏ thường lên phơi nắng, còn ngày lạnh, chúng lặn xuống nằm im vì dưới đáy hồ thường ấm hơn. Theo tôi, cách bắt rùa tai đỏ mà ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thương mại Hà Nội Khanh Anh Trang Khôi, nêu ra là tốt vì cách đây hơn chục năm tập đoàn của ông Khôi từng được phép nuôi rùa tai đỏ để xuất khẩu. Với kinh nghiệm 14 năm nuôi rùa, trong đó có rùa tai đỏ, ông Khôi khẳng định có thể bắt hết 99% rùa tai đỏ mà vẫn giữ được môi trường, cảnh quan của hồ Hoàn Kiếm bằng việc chế tạo lồng bằng nhựa hoặc inox có kích thước phù hợp để không làm ảnh hưởng đến cụ rùa. Sẽ có khoảng 10-20 lồng được đặt quanh tháp Rùa và đền Ngọc Sơn. Thức ăn nhử rùa tai đỏ sẽ được chế biến riêng, không gây ô nhiễm cho hồ. Việt Chiến |