Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định sẽ làm lại để trình Quốc hội báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc vốn bị bác hồi năm ngoái.
Hồi tháng Sáu, Quốc hội Việt Nam đã bác đề xuất cho dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trị giá 56 tỷ đôla.
Nay bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói trong một cuộc họp báo ở Hà Nội rằng một "đơn vị tư vấn" của Nhật Bản đang chuẩn bị ký hợp đồng nghiên cứu khả thi dự án tàu cao tốc với Việt Nam để thúc đẩy dự án này.
Nội dung hợp tác được ông Dũng cho biết là "làm lại báo cáo tiền khả thi trước đó đã trình Quốc hội, bổ sung một số vấn đề cho rõ thêm".
Ông bộ trưởng cũng được báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời nói sẽ có hai dự án khả thi cho hai tuyến Hà Nội – Vinh và Nha Trang – Sài Gòn, để "trên cơ sở đó lên quy hoạch chi tiết cắm mốc giới tuyến nhằm giữ đất về lâu dài".
Ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: "Dứt khoát là phải làm."
Tuy nhiên, ông nói Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội: "Chính phủ quyết tâm để chuẩn bị dự án chứ không phải là Chính phủ cứ làm mà không báo cáo Quốc hội như mọi người ngộ nhận".
Lo về khả năng tài chính
Ông bộ trưởng cũng thú nhận rằng quan ngại lớn nhất trong dự án đường sắt cao tốc là khả năng tài chính, mà ông gọi là "nguồn lực".
"Bản thân của dự án một phần nhưng còn phải xem sức chịu đựng của nền kinh tế."
Dù Quốc hội Việt Nam đã bác dự án tàu cao tốc Bắc Nam, Bộ Giao thông Vận tải nay nghiên cứu kế hoạch xây hai tuyến đường ngắn hơn, với tính toán rằng hai tuyến đường này sẽ chóng hoàn vốn nhất.
Vốn ODA của Nhật sẽ được sử dụng cho dự án này.
Phía Nhật Bản tỏ ra mặn mà với dự án tàu cao tốc ở Việt Nam.
Ngay từ hồi tháng Tư 2010, Bộ trưởng Giao thông Seiji Maehara đã tuyên bố với báo chí rằng Tokyo đang nghiên cứu việc trợ giúp tài chính cho Việt Nam.
Đổi lại, các công ty Nhật Bản được trông đợi tham gia xây dựng và chuyển giao công nghệ cho dự án này.
Được biết, các tập đoàn công nghiệp hàng đầu Nhật Bản là Sumitomo, Mitsubishi Heavy Industries Ltd., Itochu và Kawasaki Heavy Industries Ltd. đều đang có nguyện vọng tham gia dự án