THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 January 2011

Cả làng mua nước về nấu bánh chưng


18/01/2011 09:02:57

 - Chúng tôi về làng bánh chưng Cổ Lũng (Phú Lương, Thái Nguyên) vào những ngày đầu tháng Chạp. Dọc hai bên đường quốc lộ  3 đoạn ngã ba Bờ Đậu, nhà nào nhà nấy xếp cao ngất những hàng bánh chưng xanh mướt chào mời. Nghề bánh chưng đã có ở đây từ thời Pháp thuộc. Qua bao thăng trầm vẫn giữ mướt màu xanh thơm ngon, xứng đáng với danh hiệu làng nghề được chính quyền phong tặng. 

Bánh chưng ngon vì... có nguồn nước quý


Chúng tôi vô cùng sửng sốt khi ông Nguyễn Văn Ánh, chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết, bánh chưng ở đây ngon vì... nước ngon. Thiên nhiên phú cho nơi này một nguồn nước trong, ngọt, dùng nước này luộc bánh, chiếc bánh chưng cứ xanh mướt. Tuy nhiên, cả xã cũng chỉ có vài nhà có được nguồn nước ngon như vậy. Nhà nào không có nguồn nước, phải đi mua lại của nhà khác trong xóm để nấu bánh.

Nhà chị  Đặng Thị  Chung 37 tuổi (xóm 9, Cổ Lũng) là nhà cung cấp nước cho các hộ dân nơi đây để làm bánh chưng. Tuy không có lợi thế mặt đường quốc lộ như những nhà khác trong xóm, nhưng nhà chị Chung lại có một chiếc giếng Thạch Sanh quanh năm nước đầy, vị trong mát lạ kỳ. 

Chị Chung kể: "Trong khi các gia đình khác bánh luộc lên có màu đục trứng, màu xanh của trứng cuốc thì bánh chưng nhà chị lại có màu xanh nõn nà, lạ thường". Biết nhà chị có nguồn nước quý, bà con hàng xóm từ đấy đều đến nhà chị xin mua nước về nấu bánh chưng. Ai cũng đều phải công nhận là nước giếng nhà chị Chung luộc bánh chưng thì bánh xanh mềm và vô cùng thơm ngon.

Dần dần, chị Chung chuyển sang làm nghề chuyên rửa lá rong thuê và cung cấp nước  cho các gia đình nấu bánh. Chị Chung cho biết, giờ chị "cai quản" gần một nửa các hộ làm bánh chưng nơi đây. Nhờ nguồn nước giếng "trời phú", cuộc sống của gia đình chị cũng ổn định. Các hộ làm bánh chưng trong vùng mang lá đến thuê chị rửa lá giá 12.000đ/1.000 lá. Mỗi ngày chị rửa được khoảng 4.000 - 5.000 lá bánh. Chị bảo nhiều nhà đến nhờ chị rửa lá quá nên mỗi khi rửa lá xong, dựng lên cho khô ráo chị phải đánh dấu lá của từng nhà để tránh nhầm lẫn. 

Mỗi ngày chị Chung cũng chở tới 50 can nước bán cho các hộ trong xóm. Tính ra chị cũng được 60.000đ/ngày từ việc cung cấp nước nấu bánh chưng.

Anh Sinh, chồng chị Chung cho biết, giếng nước của gia đình được đào từ  lúc cả làng mới có vài cái giếng. Do sinh sống ở bên núi đá nên việc đào giếng hết sức khó khăn. Nhiều gia đình đào cả tháng vẫn không có nguồn nước. Thời đấy gia đình anh dành hết cả gia nghiệp để đào được cái giếng này.

Tôi hỏi sao người dân ở  đây không dùng nước máy để nấu bánh chưng, ông Nguyễn Duy Luận, trưởng xóm 9 Bờ Đậu xua xua tay: "Không được, không được, dùng nước máy nấu lên bánh sẽ bị đỏ. Phải là nước giếng đào. Nước giếng khoan cũng không được, nấu bằng nước giếng khoan, bánh có màu vàng bò khiếp lắm. Ngay cả giếng đào cũng không phải cái nào cũng nấu được bánh chưng. Giếng đào mà gần núi đá vôi nấu bánh lên màu bánh cứ trắng mốc. Cả xóm bây giờ cũng chỉ chừng 5 nhà có nguồn nước nấu ngon bánh mà thôi". 

Nhà làm bánh lâu đời nhất

Ông Luận lại nhiệt tình đưa chúng tôi tới cơ sở bánh Tuấn Ngọc. Đó là nhà của một trong hai cụ làm bánh chưng từ thời Pháp thuộc đến nay vẫn còn sống. Bà cụ đã 94 tuổi, vẫn còn minh mẫn khỏe mạnh, nhưng chúng tôi không gặp được cụ vì cụ đi thăm con cháu ở tận Cao Bằng. 

Con gái cụ, chị Nguyễn Thị Ngọc, dắt chúng tôi ra sau nhà, chỉ lên ngọn núi Cấm: "Bí quyết của chúng tôi ở đấy cả". Thấy chúng tôi ngơ ngác, chị cười, chỉ vào cái ống nhựa: "Chúng tôi dẫn nước trong mạch núi Cấm xuống làm bánh đấy cô chú ạ. Có đến 3 cây số đường ống dẫn nước. Nhà tôi đông việc, neo người, nên cũng chẳng kinh doanh nước, ai đến xin thì cho. Mấy ngày nghỉ Tết, không lấy nước làm bánh, nước cứ chảy tràn lênh láng hết cả ra mà không chặn lại được".

Mẹ chị Ngọc trước đây gói bánh xong, cho bánh vào bị, trên đầu đội cái mẹt rồi đi bán rong khắp làng. Dần dần đông khách quá, bà tập kết về bán ngay cửa quán. Đến chị Ngọc, lúc đầu cũng đi rao bánh trên thị xã Thái Nguyên, mỗi ngày bán chừng 20 - 30 cái. Đến bây giờ ngày thường nhà chị cũng gói trên 2.000 cái bán đi Hà Nội, Hải Phòng, Hà Giang, TPHCM... sang tận nước ngoài. Ngày Tết lượng bánh tiêu thụ gấp hàng chục lần.

Tiếng là gia đình có  "công suất" sản xuất bánh chưng nhiều nhất Cổ  Lũng nhưng chị Ngọc bảo nghề làm bánh chưng không lời lãi được nhiều. Một năm cả hai vợ  chồng làm cật lực mới để ra được chừng 50 triệu  đồng. Ngày thường anh chị trả lương công nhân 1,5 triệu đồng/tháng. Còn ngày Tết thì trả 2 triệu đồng/tháng. Chị Ngọc cười: "Được cái là có việc làm quanh năm, lại không phải tham gia giao thông nhiều. Mọi người đến tận nhà đặt mua hoặc cùng lắm là chỉ một việc chuyển bánh ra bến xe là nhà xe mang nhập cho các đại lý của mình ở các tỉnh".

Ở đây Tết quanh năm


Chị Ngọc cầm chiếc lá  dong trên tay, thoăn thoắt đổ gạo đỗ, rồi gấp bốn góc lá. Chị bảo một giờ chị gói  được 150 chiếc loại to dành cho ngày Tết, còn loại hàng chợ thì một giờ gói 220 chiếc là chuyện thường.

Quanh nhà chị, ai vào việc nấy, cũng chẳng thấy nói chuyện rôm rả, mà cứ  cặm cụi làm. Có tới 8 người gói bánh trên 4 bàn gói. Mỗi bàn gói, một người bên trong chuyên gói lõi, một người bên ngoài chuyên gói lớp vỏ.

Chúng tôi cũng mon men đòi học gói bánh. Chị Ngọc và anh Luận nhiệt tình hướng dẫn: Cứ 1 lớp gạo ở dưới, đến một lớp  đỗ, đến thịt đã  tẩm ướp tiêu, gia vị, một lớp đỗ nữa, rồi lại một lớp gạo. Tất nhiên chúng tôi thấm nhuần cái lí thuyết đó rất nhanh, nhưng đến lúc thực hành thì lóng ngóng đến mức, chỉ việc múc gạo từ rá đổ vào lá thôi, cũng làm đổ tung tóe. Nhưng sau vài lần làm rơi vãi tứ tung, thì sản phẩm của chúng tôi cũng ra đời. Một chiếc bánh ọp ẹp, méo mó, chẳng phải hình vuông, cũng chẳng phải hình tròn. Tôi còn vô cùng hứng chí, dùng lòng bàn tay bắt chước chị Ngọc vỗ đét đét hai phát vào cái bánh. Chị bảo vỗ như thế cho chắc bánh, nhưng tôi vỗ thế nào mà vỡ tung cả cái bánh, rách cả lớp lá dong. Ai nấy đều ôm bụng cười. Cậu đồng nghiệp hét lên: "Thôi chị đừng làm nữa. Gói bánh như chị, hỏng hết cả hình ảnh cái bánh chưng Cổ Lũng".

Chúng tôi ngồi say sưa ngắm mọi người gói bánh. Tôi nhận nhiệm vụ xúc gạo vào lá. Vục cái bát vào chậu gạo nếp, múc thật đầy, nhấc lên, để cho gạo thừa tự rơi xuống, nghe mùi thơm mát của gạo nếp quê chạy dọc sống mũi. Tôi cứ hít hà, hít hà mãi cái mùi thơm của gạo ấy, của lá ấy, của đỗ ấy, thấy Tết đã đến quá gần.

Tôi buột miệng: "Tết  đến nơi rồi". Chị Ngọc bảo: "Nếu thấy bánh chưng, là thấy Tết, thì ở đây Tết quanh năm". 

 

Ông Nguyễn Văn Ánh, chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: "Xã Cổ Lũng có 10 nghìn hộ dân. Người dân sinh sống với nhiều ngành nghề khác nhau. Riêng xóm 9 chỉ có nghề duy nhất là làm bánh chưng phục vụ mọi miền đất nước và đã xuất khẩu sang nước ngoài. Năm 2008, UBND tỉnh đã công nhận bánh chưng Bờ Đậu là làng nghề. Đó là sự khích lệ xứng đáng cho những nỗ lực trong những năm qua của người dân Cổ Lũng". 

 

Chị Chung có công việc
Chị Chung có công việc "độc" rửa lá dong, bán nguồn nước quý của gia đình.
Chị Chung bán nước cho các hộ trong xóm
Chị Chung bán nước cho các hộ trong xóm
Chuẩn bị gạo nấu bánh
Pha thịt
Rửa lá
PV KH&ĐS
PV KH&ĐS "trổ tài"



Việt Nga - Đức Lợi