Ngày hôm qua, 20/12/2010, một số trang web tiếng Việt đưa tin, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, đã xảy ra một vụ xô xát lớn giữa lực lượng cưỡng chế giải tỏa mặt bằng cho khu công nghiệp Bảo Minh và các hộ gia đình thuộc ba xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái. Hàng nghìn người dân đã đem chăn màn, bạt và đồ ăn lên túc trực ngay sát đường quốc lộ 10, với ý định chống lệnh cưỡng chế của chính quyền đến cùng. Lực lượng công an và quân đội được huy động rất đông đảo để hỗ trợ cho công việc giải tỏa.
Theo báo chí trong nước, dự án khu công nghiệp Bảo Minh của chủ đầu tư là Vinatex thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam, đã được thủ tướng phê duyệt vào năm 2006, với tổng diện tích hơn 150 hecta.
Đánh giá của nhiều cơ quan chính quyền được báo chí trong nước đăng tải cho biết : Khu công nghiệp này khi đi vào hoạt động sẽ thu hút hàng trăm dự án đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 20 000 lao động, đem lại một nguồn ngân sách quan trọng cho Vụ Bản, một huyện được đánh giá là nghèo nhất tỉnh Nam Định hiện nay.
Theo thông tin từ phía chính quyền, 970 hộ dân đã nhận tiền đền bù, với mức kinh phí được coi là cao nhất từ trước đến nay trong huyện. Thế nhưng, cho đến đầu tháng 12, vẫn còn nhiều hộ không chấp nhận đền bù với lý do số tiền nhận được quá thấp so với các địa phương khác. Mâu thuẫn về quyền lợi chưa được giải quyết giữa hai phía là nguồn gốc dẫn đến xung đột ngày hôm qua tại khu vực này.
Để có thêm thông tin về vụ việc, RFI phỏng vấn linh mục Giuse Nguyễn An Khang, phó xứ đạo Công giáo Xuân Bảng, thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Linh mục Nguyễn An Khang : Hiện trạng bây giờ họ đã làm, mà dân không đấu tranh được nữa. Bây giờ họ đã tiến hành rào giậu, xây tường. Hôm qua lúc 7 giờ tối, có người báo cho tôi biết, có một thanh niên bị chết. Tôi buồn quá. Sau đó, giáo dân ra ngoài đó, đến 10 giờ họ tin về, anh ấy đã tỉnh lại rồi không chết, thế là tôi mừng quá. Tôi tưởng, thế tốt rồi, ngày mai sẽ tiếp tục đấu tranh. Thế nhưng không được. Sáng hôm nay, lực lượng họ đến gấp ba lần dân chúng xã Liên Minh. Cuối cùng thì dân chúng mệt nhoài, vì mưa rét, không thể làm gì được. Người dân cứ lấn xuống hàng rào dây thép gai thì người của họ lại đẩy lên.
RFI : Những người dân tham gia vào cuộc đấu tranh ngày hôm qua, ý kiến của họ ra sao và họ đang làm gì, thưa linh mục ?
Linh mục Nguyễn An Khang : Họ buồn và bất mãn, vì đó là sự bất công. Một giáo dân ở Mỹ Lộc biết ở đây xảy ra sự việc, họ mới đến khoe với tôi là chỗ họ cũng giải tỏa để giải phóng mặt bằng, nhưng mỗi sào người ta trả 130 triệu, nếu dân không đồng ý, người ta dừng, chưa làm vội, nhưng ở đây, trả có 27 triệu. Nhưng dù người dân không thỏa thuận, họ vẫn cứ áp đảo họ làm. Họ dùng quân đội, công an bắt phải ký nhận. Người ta không ký nhận, thì đem quân lực đến bắt phải giải tỏa. Họ vin vào cớ cách đây mấy năm, họ trả 10 triệu. Nhưng lúc ấy người ta chưa nhận. Có người nhận, người không, nên bây giờ người ta đòi. Nên bây giờ phía đầu tư mới nêng mức đền bù lên 27 triệu. Nhưng người dân bảo trả 27 triệu thì mua được gì bây giờ. Một bà già có một sào đất nói với tôi, bây giờ chúng con bán đi lấy 27 triệu, thì bây giờ chẳng biết tiêu gì, độ mấy năm nữa chúng con lấy gì chúng con ăn và sinh sống được.
RFI : Một bài báo trong nước có ghi là 970 hộ đã ký nhận tiền hỗ trợ rồi, thì thực hư chuyện này ra sao ?
Linh mục Nguyễn An Khang : Tôi cũng không rõ, vì tôi không đi sát. Nhưng nếu như người ta ký thì tại sao người ta lại phải đấu tranh. 150 hécta ruộng cấy 2 vụ ở đây, đất đẹp lắm. Nếu như nhà nước thỏa thuận với dân, đền bù một cách phải chăng thì tôi nghĩ chắc người ta cũng hài lòng. Tôi thấy rằng nhà nước không tôn trọng nhân quyền. Và bản thân tôi là linh mục, tôi rất thương những người nghèo khổ của Việt Nam, họ không có tự do. Ngay đất cát của họ, quyền của họ, mà họ còn bị áp đặt như thế, chưa nói các tự do khác.
RFI : Riêng về phần việc mâu thuẫn xung quanh chuyện đất đai này, thì cha nghĩ sắp tới sẽ có giải pháp nào khác không ?
Linh mục Nguyễn An Khang : Không có giải pháp gì hết. Vì quyền của họ, chính quyền trong tay họ. Dân làm cái gì được. Đấy, bốn năm nay đấu tranh mà không được. Dân chỉ lo khi bán hết ruộng rồi, không còn nữa thì đói, có thế thôi. Mọi người sẽ không có công ăn việc làm. Nếu có công ăn việc làm, thì cũng chỉ có một vài các cháu học hết lớp 12 đi làm cho các công ty, làm được 5, 10 năm, nhưng mà nếu đồng lương thấp, các cháu này rồi không làm được nữa, thì cũng sẽ không biết sống bằng cái gì. Mà không phải chỉ ở đây, mà nhiều nơi khác, bên Hưng Yên cũng thế, người ta cũng cảnh ngộ như thế. Người ta cũng đã từng lên trung ương để khiếu nại.
RFI : Nếu mà có một tiếng nói với những cấp cao hơn, thì linh mục có thể có ý kiến gì ?
Linh mục Nguyễn An Khang : Ở đây, thì có một người bảo là người ta đã lên trung ương, người ta gặp một ông cấp cao, thì ông cấp cao trên đó nói là các ông có ruộng, các ông cố gắng mà giữ lấy. Thấy họ nói chuyện với tôi như thế. Thế nhưng, bây giờ giữ không được, thì chịu, biết làm thế nào.
RFI