Thứ ba, 30/11/2010, 11:26 GMT+7 Mùa hoa cải về, bạn trẻ Hà Thành nô nức kéo nhau đi chụp ảnh. Những người dân ở Gia Lâm (Hà Nội) và Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng được dịp "hốt bạc" nhờ các dịch vụ ăn theo.Những ruộng hoa cải ở thôn An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm (Hà Nội) sáng chủ nhật 28/11, nhộn nhịp bước chân người với rất đông các bạn trẻ đứng tạo dáng, chụp ảnh. Những "hướng dẫn viên du lịch" đang tất bật chỉ dẫn khách đến chụp ảnh là người địa phương, chủ của những vườn hoa. Chị Vũ Thị Tuyết ở thôn An Lạc, Trâu Quỳ cho hay, từ hai tuần nay, ngày nào chị cũng có mặt trên đồng cải từ sáng đến chiều. Có 120m2 đất trồng cải canh, năm nào chị cũng tranh thủ kinh doanh thêm dịch vụ cho thuê hậu cảnh để giới trẻ chụp ảnh. Mỗi lượt người vào ruộng hoa chụp ảnh, chị Tuyết thu 10.000 đồng, không giới hạn thời gian chụp và tạo dáng, miễn là không làm nát và không ngắt hoa.
"Kinh doanh dịch vụ như thế này còn lãi hơn cả bán rau. Với những nhà đất rộng, ruộng nhiều hoa đẹp, có khi kiếm được cả 700.000 đến 800.000 đồng một ngày", chị Tuyết nói. Chị tiếc hùi hụi vì trót trồng hơn một sào cải cúc thay vì trồng toàn cải canh như năm trước. "Cải cúc hoa đẹp, nhưng thân lùn và màu hoa vàng sẫm không bắt mắt bằng hoa cải canh nên ít người thích. Nếu cứ trồng toàn cải canh như năm ngoái, mỗi ngày cuối tuần tôi thu 200.000 đến 300.000 đồng dễ như chơi", chị Tuyết nói. Cũng như chị Tuyết, Chủ Nhật nào chị Lê Thị Thoan ở Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng "nhặt" bộn tiền nhờ cánh đồng hoa. So với ở Hà Nội, mức thu của chị thấp hơn. Khách vào chụp ảnh, chị Thoan thu 6.000 đồng một lượt. "Làm dịch vụ như thế này kiếm tiền dễ và nhiều hơn là mang rau đi bán. Dạo này rau rẻ nên có rất nhiều người không thu hoạch mà cứ để cải nở hoa. Khi hoa còn tươi thì làm dịch vụ, khi héo thì thu hoạch hạt để gieo vụ sau, một công nhiều việc", chị Thoan chia sẻ.
Dọc lối đi ra cánh đồng hoa cải tại Trâu Quỳ, đê sông Đuống, đã xuất hiện nhiều điểm trông xe tự phát. Có điểm đặt trong vườn chuối, điểm đặt ở mép đường, nhưng đều có giá không rẻ, từ 5.000 đến 10.000 đồng một lượt gửi. Anh Thái, một người làm dịch vụ trông xe tại đồng cải tại Gia Lâm cho hay, những ngày thường, chỉ có khoảng 20 đến 30 người đến chụp ảnh. Vào cuối tuần, con số này có thể vọt lên gấp 3 đến 4 lần. "Tôi vẫn thu của khách chỉ 5.000 đồng một lượt đối với xe máy, 10.000 đồng với ôtô 4 chỗ, còn ôtô 12 chỗ trở lên là 20.000 đồng một lượt. Các điểm trông xe khác toàn thu gấp đôi, gấp rưỡi so với nhà tôi", anh Thái chia sẻ. Vé gửi xe chỉ đơn giản là tờ lịch được cắt làm bốn miếng nhỏ. Người giữ ghi số xe của khách và thu tiền. "Tiếc là các năm trước không nghĩ ra cách kiếm tiền đơn giản này. Năm trước nhà tôi toàn nhận trông hộ chứ có thu đồng nào của khách đâu", chị Nguyễn Thị Liên ở Thuận Thành, Bắc Ninh nói. Chị Liên cũng cho biết, vài hôm nữa sẽ mở quán nước, làm chỗ nghỉ chân phục vụ khách về chụp ảnh cùng hoa. "Không dám chặt chém khách đâu, chỉ bán giá thường thôi vì chúng tôi cũng xác định khách chủ yếu là học sinh, sinh viên, chẳng dư dả gì", chị Liên nói
Tuệ Minh |