Thứ ba, 30/11/2010, 17:07 GMT+7 "Một ngày tôi phải tiếp 15 khách, đến nỗi người không ra người, chảy máu, đau đớn cùng cực. Có khách còn dùng roi điện đánh đến ngất xỉu, rồi cướp hết tiền", cô bé 17 tuổi tâm sự về những ngày lỡ chân rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. |
Đến với Ngôi nhà bình yên, các chị em được tư vấn học nghề. Ảnh: P.N. |
"Tôi đã uống thuốc ngủ nhưng rốt cuộc vẫn phải sống. Tôi như điên dại, ngông cuồng, không sợ điều gì hết bởi trên đời này chẳng còn còn gì ý nghĩa nữa. Một lần nữa tôi lại chọn cách bỏ nhà đi", Như tâm sự.
Và số phận đã đưa đẩy cô gặp một người đàn ông tên Minh, đóng vai một người "cứu net". Người này muốn thuê cô lên Lào Cai bán hàng quần áo giúp em gái. Cứ tưởng thật, cô đi theo không ngờ bị vào nhà chứa ở tận Trung Quốc. Mỗi ngày cô phải tiếp đến 15 người khách, đủ mọi hạng người. Bị chảy máu, người đau ê ẩm, bị sốt mà vẫn không được tha. Có lần gặp phải người khách hung dữ, cô còn bị đánh bằng roi điện, máu me be bết rồi bị lấy hết tiền.
"Cơm ở đó họ nấu nhão như cháo, ăn rất đói. Thịt lợn để hàng tháng cứng như đá, bỏ vào nấu chung với các loại rau và đồ ăn hỗn độn, thập cẩm. Ai có ý định trốn thì bị đánh đập dã man. Có lần, tôi chứng kiến một chị bỏ trốn về Việt Nam bị đánh và chém chết bằng một con dào dài một mét", Như kể lại.
Sau đó, cô gái trẻ mắc phải căn bệnh khó chữa. Nhân cơ hội đó, cô xin bà chủ chứa cho về Việt Nam chữa bệnh, nói dối là có vài người bạn muốn sang làm gái. Cũng nhờ thế cô thoát khỏi địa ngục, rồi được đưa đến Ngôi nhà bình yên ở Hà Nội tạm lánh.
"Tôi từng cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, bóng tối vây quanh và nỗi sợ hãi luôn ám ảnh. Có những khi chạy mãi mà không tìm thấy lối thoát, chỉ thấy con đường mịt mù và xa tít tắp trước mắt. Đó là quãng thời gian tôi sống như địa ngục ở nơi đất khách quê người", Như tâm sự.
Cũng giống như cô bé Như, nhiều nạn nhân của bọn buôn người trở về gặp phải nhiều khó khăn về tâm lý. Nhiều người đêm ngủ thi thoảng vẫn giật mình tỉnh giấc vì mơ thấy mình bị tra tấn dã man, bị đuổi đánh. Có người có những biểu hiện không bình thường, nói những điều không có thật, tự tưởng tượng ra một người để gọi điện thoại..., bà Lê Thị Thủy, đồng Giám đốc dự án Ngôi nhà bình yên (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) chia sẻ tại buổi tổng kết dự án, diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.
Trong năm 2010, dự án đã hỗ trợ cho gần 100 chị em từ 32 tỉnh, thành bị buôn bán. Phần lớn họ do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình hoặc nhẹ dạ cả tin, không biết tự bảo vệ mình nên bị kẻ xấu lừa gạt, sa chân vào cạm bẫy của kẻ buôn bán người.
"Các nạn nhân trở về hầu hết đều có biểu hiện tâm lý phức tạp, thất thường, trầm cảm, bị ám ảnh bởi quá khứ, cảm giác tội lỗi và có cái nhìn bi quan về tương lai. Các em thiếu tự tin, mất hy vọng và cảm thấy cô độc, dễ nổi nóng, coi rẻ giá trị bản thân", bà Thủy nói.
Không những thế, một số em lại có trạng thái tâm lý không ổn định, sống khép kín, có trường hợp bất cần đời, không thích tuân thủ những chuẩn mực chung trong cuộc sống, trong mối quan hệ với người xung quanh. Bản thân các nạn nhân có thời gian sống trong các nhà chứa, quen với các trận đòn roi, dọa dẫm của chủ chứa nên các em có biểu hiện lạnh lùng, vô cảm hoặc thái độ lỳ lợm, thiếu sự hợp tác khi trở về.
Chính vì thế, việc tư tấn tâm lý để giúp các nạn nhân trở lại trạng thái ổn định là một thách thức rất lớn.
"Các chị em cũng được hỗ trợ nơi ăn ở, bảo vệ an toàn, chăm sóc y tế, hỗ trợ về pháp lý. Đồng thời, cũng được tư vấn học nghề, học văn hóa để giúp chị em tái hòa nhập cộng đồng", bà Thủy chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng nhân dịp này một triển lãm mang tên Chốn bình yên sẽ diễn ra tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Thụy Khuê, Hà Nội). Thông qua đó, những người làm dự án mong muốn đem đến cho người xem cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam. Đó là những câu chuyện chân thực, xót xa của các nạn nhân về những nỗi đau mà họ đã trải qua, khát vọng được trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời triển lãm mong muốn gửi thông điệp về sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng với các nạn nhân.
Nam Phương