THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 November 2010

'Không có chuyện Thủ tướng không dám kỷ luật ai'


Thứ tư, 24/11/2010, 04:00 GMT+7


Không chỉ truy trách nhiệm cá nhân, đại biểu Quốc hội còn nhắc lại câu nói một năm trước của Thủ tướng về chuyện chưa kỷ luật cán bộ nào như để làm rõ hơn nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của tập đoàn Vinashin. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, chính phủ giữ đúng tính kỷ cương và thượng tôn pháp luật.

Phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội sáng nay nóng ngay từ đầu khi các đại biểu liên tiếp yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan tới vụ "đắm tàu" Vinashin, cho dù nhiều lần Thủ tướng nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường đăng đàn vào các kỳ họp Quốc hội cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà

Vừa dứt phần đọc văn bản giải trình một số vấn đề kinh tế xã hội, Thủ tướng nhận ngay câu hỏi hóc búa của những đại biểu trực ngôn như Phạm Thị Loan, Nguyễn Minh Thuyết.

Là người điều hành một tập đoàn tư nhân phải tự bươn trải, vật lộn bằng những đồng vốn tự có để đạt được quy mô lớn như ngày nay, đại biểu Loan luôn trăn trở về hiệu quả sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty một thời được xem là con cưng của nhà nước. Băn khoăn nếu Chính phủ chủ trương khoanh nợ cho Vinashin, các ngân hàng có thể chịu thiệt 15.000 tỷ đồng mỗi năm, bà Loan còn lo lắng hơn khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - nơi nhận chuyển giao một phần tài sản của Vinashin, cũng có những biểu hiện đầu tư dàn trải và nguy cơ lâm vào tình trạng tương tự nếu Nhà nước không chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát.

"Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ khác Vinashin ở chỗ Vinashin phải đi vay để đầu tư, còn họ có sẵn tiền Nhà nước để lại để rộng tay đầu tư. Họ mở trường đại học, lập ngân hàng, thậm chí có cả taxi dầu khí và nay lại thêm nhiệm vụ đi đóng tàu. Đề nghị Quốc hội có nghị quyết đặc biệt về giám sát sử dụng vốn tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam", bà Loan cương quyết nói và không quên chất vấn tại sao Chính phủ quyết để lại cho Tập đoàn Dầu khí hơn 3.000 tỷ đồng cho dù hơn 50% đại biểu phản đối.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã gửi trước 2 câu hỏi tới Thủ tướng, nhưng cũng đứng lên chất vấn trực tiếp nhằm truy đến cùng trách nhiệm cá nhân liên quan tới sự sụp đổ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Điểm lại nỗ lực của Chính phủ và các thành viên đã nhiều lần báo cáo, giải trình và nhận trách nhiệm, tuy nhiên ông Thuyết nói thẳng mình không đồng tình với sự tự phê bình của Thủ tướng cũng như việc Thủ tướng chỉ nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Ông muốn làm rõ trách nhiệm của người được pháp luật giao thực hiện quyền chủ sở hữu ở các tập đoàn và Tổng công ty 91.

"Thủ tướng là người được pháp luật giao quyền đối với tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong quá trình thực hiện đó có nhiều sai phạm, vì vậy Thủ tướng nên dựa vào các quy định của pháp luật để xác định trách nhiệm cụ thể của mình. Trước Quốc hội, trước dân, chúng tôi mong đợi sự tự phê bình mạnh mẽ hơn của Chính phủ", ông Thuyết nói. Để dẫn chứng cho nhận định của mình, đại biểu Thuyết nhắc lại chuyện ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc Vinashin trong thời gian dài, vi phạm các quy định hiện hành. Ông Thuyết là đại biểu từng đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với Chính phủ về câu chuyện Vinashin hồi đầu kỳ họp, nhưng không được Quốc hội tán thành.

Sau chất vấn của 3 đại biểu đầu tiên, cả nghị trường lặng yên chờ đợi phản ứng của Thủ tướng. Mất vài giây ngập ngừng, Thủ tướng nhanh chóng đi vào từng câu hỏi của các đại biểu. Ông mong Quốc hội thông cảm vì mình không thể trả lời từng chi tiết trong đề án tái cơ cấu Vinashin, cũng như những vấn đề cụ thể mà đại biểu Loan nêu ra. Ông nhắc lại những việc Chính phủ đã làm nhằm nỗ lực tái cơ cấu Vinashin theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước, và tin tưởng đề án tái cơ cấu sẽ khả thi.

Song ông thừa nhận để các mục tiêu trở thành hiện thực và thành công không phải quá trình dễ dàng, đỏi hỏi quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các bộ ngành và đặc biệt là sự chia sẻ, ủng hộ, giám sát của đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước.

"Đại biểu Thuyết có hỏi nhận trách nhiệm thế nào, tôi muốn nói là chúng tôi đã trình bày nghiêm túc trước Quốc hội. Những người lãnh đạo tập đoàn cố ý làm trái, cơ quan chức năng xử đúng theo pháp luật. Còn Chính phủ, Thủ tướng có trách nhiệm quản lý nhà nước và chủ sở hữu, chúng tôi cũng đã nói rõ. Từ đó, là người đứng đầu tôi cũng xin nhận trách nhiệm", Thủ tướng nói.

Ông cho biết thêm, Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ có liên quan tới việc quản lý nhà nước và chủ sở hữu với Vinashin đang kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm. "Kết luận kiểm điểm trách nhiệm cụ thể thế nào chúng tôi sẽ công khai", Thủ tướng Dũng cam kết.

Giải trình rõ hơn về trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách được pháp luật giao một số quyền với Vinashin nói riêng và tập đoàn nhà nước nói chung, Thủ tướng cho biết đã ban hành các văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ cho các cơ quan, cá nhân liên quan. Về phần mình, Thủ tướng có nhiệm vụ ra quyết định thành lập tập đoàn, các tổng công ty theo đề nghị của các cơ quan chức năng, phê duyệt chiến lược, quy hạch phát triển và quyết định hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị.

Thừa nhận còn nhiều lúng túng trong việc triển khai thí điểm mô hình tập đoàn Nhà nước, tuy nhiên, ông giải thích việc kiêm nhiệm chức vụ tại Vinashin có nguồn gốc từ quá khứ, qua hai đời Thủ tướng tiền nhiệm là Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Về phần mình, Thủ tướng Dũng cho biết đã có văn bản nhắc nhở các cơ quan chức năng phải tìm tổng giám đốc cho Vinashin để thực hiện đúng luật, nhưng các đơn vị báo cáo chưa tìm được.

"Chúng tôi sẽ kiểm điểm, làm rõ việc này như thế nào", Thủ tướng hứa. Ông cũng tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ khi tái cơ cấu Vinashin và rút kinh nghiệm để ngăn không cho xảy ra những chuyện tương tự tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác.

Cho dù Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt phiên chất vấn rằng ông xin nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu Chính phủ, song các đại biểu dường như chưa thỏa mãn. Ngay sau giờ giải lao, đại biểu Vũ Hoàng Hà nhắc lại câu chuyện Vinashin ở một khía cạnh khác. Ông không đánh giá cao đề án tái cơ cấu tập đoàn bởi nó mang tính một chiều, lệ thuộc vào thị trường bên ngoài vì thế sẽ không khả thi nếu bên ngoài thay đổi, có khó khăn. Bản đề án này, theo ông, cũng không đưa ra được giải pháp đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Dẫn lại cam kết của Chính phủ về việc tập trung xử lý vụ việc Vinashin để báo cáo Hội nghị Trung ương Đảng sắp tới, đại biểu Vũ Hoàng Hà lo lắng tình trạng xử lý qua loa cho "kịp tiến độ" và thiếu nghiêm túc.

"Tôi e rằng việc kiểm điểm khó có thể nghiêm túc. Trước Quốc hội, Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm về mình, nhưng các thành viên khác của Chính phủ trong hai ngày chất vấn vừa qua không ai chịu nhận trách nhiệm, thậm chí còn khẳng định mình vô can. Tôi muốn biết thái độ của Thủ tướng với các thành viên này như thế nào, để còn về trả lời cho cử tri", ông Hà tranh thủ cơ hội bày tỏ trăn trở với Thủ tướng.

Tâm tư của ông được đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai chia sẻ. Cả ông Hà và bà Mai chưa hết bức xúc về câu trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Võ Hồng Phúc trước Quốc hội chiều qua, rằng Bộ trưởng vô can, vì đã làm tròn trách nhiệmvà chính các đại biểu Quốc hội cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi bấm nút thông qua các quy định liên quan đến quản lý doanh nghiệp nhà nước.

"Đề nghị Thủ tướng cho biết để xảy ra vụ việc Vinashin là vì các bộ chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình hay do lỗ hổng của pháp luật, do khiếm khuyết của Quốc hội khi làm luật", bà Mai căn vặn.

Nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng khi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái về chuyện 3 năm đương nhiệm Thủ tướng chưa kỷ luật một cán bộ nào, bà Mai không những không đồng tình mà còn chỉ ra sự buông lỏng quản lý với Vinashin cũng như thiếu kỷ cương hành chính. Khi vụ việc Vinashin vỡ lở, ngoài các nguyên nhân chủ quan, khách quan mà Chính phủ nêu ra, dư luận lo ngại có chuyện bao che khiến tập đoàn rơi vào tình cảnh gần phá sản mà không kịp trở tay.

"Thủ tướng không cho mua tàu cũ mà Vinashin vẫn mua, cho thấy sai phạm nghiêm trọng trong quản lý hành chính. Thời gian tới Chính phủ rút ra bài học gì và có giải pháp gì để lập lại kỷ cương?", bà nói.

Trước các chất vấn gai góc của hai đại biểu, Thủ tướng một lần nữa lại nhận trách nhiệm về mình, với tư cách người đứng đầu Chính phủ. Ông cũng thừa nhận tập đoàn nhà nước là mô hình thí điểm, nên cơ chế quản lý với mô hình này còn nhiều lúng túng, bất cập, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Về câu nói "3 năm làm Thủ tướng chưa kỷ luật một cán bộ nào" của mình năm ngoái, Thủ tướng cho rằng mình không định nói như vậy mà có thể do cách diễn đạt chưa tròn khiến người nghe hiểu sai. Theo ông, mỗi cán bộ lãnh đạo phải có phẩm chất, đạo đức, năng lực và phải nêu cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc chấp hành kỷ cương, không vi phạm pháp luật; có như vậy mới hạn chế thấp nhất số người bị xử lý.

"Tinh thần tôi nói là thế, có lẽ cách diễn đạt chưa đúng. Chứ không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai hay trong thực tế chưa kỷ luật ai. Mà muốn không kỷ luật không được, vì quy định của Đảng và Nhà nước yêu cầu Thủ tướng kiểm tra, giám sát và kỷ luật nếu có sai phạm. Khi xử lý, Thủ tướng cũng không thể theo ý riêng mà phải đúng pháp luật. Không thể cứ nghe một thông tin nào đó mà Thủ tướng ra ngay quyết định kỷ luật", Thủ tướng giãi bày.

9 đại biểu đã đứng lên chất vấn trực tiếp Thủ tướng trong phiên làm việc sáng nay, cho dù danh sách đăng ký có tới 19 người. Ngoài vấn đề Vinashin, các đại biểu còn quan tâm tới tình trạng thiếu điện, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, và đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm khi kinh tế xã hội còn bất cập, yếu kém. Thủ tướng đã cố gắng giải đáp không sót một câu hỏi nào.

Ngay cả khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị dừng phần chất vấn, Thủ tướng vẫn xin thêm mấy phút để trải lòng về những gì Chính phủ và các thành viên đã nỗ lực làm thời gian qua. Theo ông, bên cạnh những thành công, còn có những yếu kém cần khắc phục, nhưng hơn hết Chính phủ và các thành viên Chính phủ đều làm hết sức vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

"Rất mong các đại biểu, Quốc hội và nhân dân cả nước tiếp tục chia sẻ, ủng hộ, hợp tác để Chính phủ và Thủ tướng hoàn thành chức trách của mình với đất nước, với Đảng, với nhân dân", ông tha thiết nói trước khi rời bục, nơi ông đã đứng suốt 3 tiếng đồng hồ để trao đổi với các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng Chính phủ và các thành viên đã tỏ rõ tinh thần cầu thị khi tham gia đầy đủ các buổi thảo luận về kinh tế xã hội cũng như hai ngày chất vấn vừa qua. Tinh thần chất vấn, theo Chủ tịch Trọng, cũng rất cởi mở, cầu thị, thẳng thắn nhưng không đao to búa lớn, giúp đại biểu và các thành viên Chính phủ hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau và thương nhau hơn. Ông cũng không quên nhắc lại quyết định của Quốc hội về việc không thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm các thành viên Chính phủ về Vinashin, vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thủ tướng là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn Quốc hội kỳ này.Trong 228 chất vấn bằng văn bản mà các đại biểu Quốc hội gửi tới Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành kỳ này, có tới 28 chất vấn với 44 câu hỏi dành cho Thủ tướng, nhiều thứ hai sau Bộ trưởng Công Thương (38 chất vấn).

Hai ngày qua, 4 bộ trưởng Công ThươngY tếTài chính và Giao thông Vận tải đã thay nhau giải trình về những vấn đề nóng hổi như thiếu điện, nhập siêu, nợ công, lạm phát, quá tải bệnh viện, viện phí, ùn tắc, tai nạn giao thông... Ngoài danh sách đăng đàn chính thức, 3 vị bộ trưởng khác là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và đích thân 2 phó thủ tướng cũng tham gia giải đáp thắc mắc của các đại biểu.

Mỗi phiên chất vấn, hàng chục lượt đại biểu đăng ký đặt câu hỏi và tranh luận trực tiếp. Các bộ trưởng đều chuẩn bị kỹ càng và cố gắng trả lời cặn kẽ, tuy nhiên chừng đó chưa đủ để các đại biểu hài lòng, nhiều câu hỏi vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Tại kỳ họp trước, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng là thành viên cao cấp nhất của Chính phủ đăng đàn trước Quốc hội và nhận được nhiều chất vấn sắc sảo từ các đại biểu đặc biệt về siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam 56 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã không được Quốc hội phê duyệt chủ trương triển khai.

Song Lin
h