(Dân trí) - Lần này tôi quyết định trở lại Tà Hộc, vì vẫn cứ đau đáu trong đầu hình ảnh những đứa trẻ nội trú “đói ăn, thiếu mặc” năm xưa. Chuyến thăm Tà Hộc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” 2 năm về trước làm tôi cảm thấy như mình mắc nợ một cái gì đó...
Mất 7 tiếng từ Hà Nội để chúng tôi trở lại bản Tà Hộc (thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Quãng đường hơn 300 cây số có lẽ không xa lắm, nhưng vì đi trong đêm, thời tiết sương mù dày đặc suốt chặng đường nên chuyến đi xem ra khá vất vả. 3h sáng mới đến nơi, nhưng chúng tôi cũng khá cảm động khi biết thầy Lê Chính Tôn, hiệu trưởng của trường THCS Tà Hộc vẫn đợi để đón mọi người.
“Cứ mỗi lần có người dưới xuôi lên đây, chúng tôi vui lắm, cảm như thấy mình được động viên, chia sẻ rất nhiều. Nói thiệt với các anh, cắm bản giảng dạy 14 năm, vất vả mấy chúng tôi cũng không nề hà, chỉ thấy thương cho các em”, câu chuyện của thầy hiệu trưởng về ngôi trường của mình lại bắt đầu từ chính những em học sinh – những cô cậu học trò mà nhà trường lúc nào cũng lo ngay ngáy các em bỏ học vì… thiếu đói.
Các em học sinh nội trú ở Trường THCS Tà Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơ, tỉnh Sơn La
Trường của thầy Tôn có 227 em học sinh, chủ yếu người dân tộc Thái, Mường, Mông, Khơ Mú. Dân tộc Kinh cũng có, nhưng được xếp vào dạng “dân tộc thiểu số” vì chỉ có 3 em. Thật ra, với các em học sinh, các em dường như cũng chẳng để ý mình là dân tộc nào lắm, bởi chúng đứa nào trông cũng giông giống nhau: có chút gì xuề xòa, nhếch nhác. Nói đúng hơn là bẩn. Một khi cơm còn ăn chưa no, bụng thường xuyên sột soạt vì đói, thì làm sao người ta ở sạch được. Âu đó cũng là điều dễ hiểu.
“Chúng tôi cũng không thống kê là có bao nhiêu em học sinh thuộc hộ nghèo, bởi vì nó dường như là chuyện quá bình thường ở đây rồi. Họa chăng có ai tự dưng giàu có, nổi bật thì còn để ý, chứ chuyện nghèo là chuyện bình thường ở… huyện”, thầy Tôn kể. Trong 227 em học sinh của trường, hiện có 110 học sinh ở nội trú do nhà quá xa. Và cũng chính những em học sinh nội trú này mà chúng tôi trở lại, chỉ với hi vọng là có thể làm một điều gì đó có ích cho các em, dù là nhỏ thôi.
Tiếng trống tan trường buổi học sáng vừa vang lên, các cô cậu học sinh nội trú cũng bắt đầu vào bếp để lo cho cái dạ dày lúc nào cũng thấy đói của mình. Gian bếp lợp tạm bằng tre, kê những thanh sắt đủ để đặt các niêu cơm cho khoảng chục em học sinh cùng thổi lửa. Tôi đi 1 vòng, giờ từng nồi cơm của từng em, để rồi mắt cứ cay cay. Không khói, không lửa mà mắt cay xè vì bữa cơm đến là đáng thương của những em học sinh đang sức ăn, sức học.
Em Mùi Văn Kiên, học sinh lớp 8 sau buổi học thường vào rừng bắt chuột để bổ sung cho bữa ăn của mình có "chất thịt"
Với 2 con chuột sau khi được chế biến có thể giúp Kiên và thêm 1 bạn cùng phòng ăn được 3 bát cơm
Một bữa cơm ở dưới thành phố, chí ít cũng có 1 món mặn, 1 món canh. Còn ở đây, bữa cơm đơn giản chỉ là có… cơm. Không thịt, không cá, không canh rau. Để dễ ăn hơn, các em pha bột canh với nước, tạo ra thứ nước canh mằn mặn rồi chan với cơm để ăn. Một tuần 6 ngày, một ngày 2 bữa, bữa nào cũng y chang. Khi nào chán ăn cơm, có em chuyển sang ăn mì tôm. Khi nào thèm chất thịt, các em đi lao động “tăng gia bữa ăn”. Những con cá bé tẹo ở suối, những con chuột ở rừng được các em bẫy về, chế biến rất ngon lành.
Nhưng cái cách chế biến cá và chuột của các em khiến chúng tôi càng thêm xót xa. Cái món cá suối, chuột rừng đó được chế biến mà không một chút gia vị như dầu, nước mắm, tỏi, ớt, tiêu, các em chỉ đun chay lên để ăn. Món ăn này hẳn những đứa trẻ thành phố sẽ sợ chết khiếp vì mùi tanh, nhưng với các em vùng bản, chúng vẫn đánh chén ngon lành.
Các em học sinh Tà Hộc háo hức với khúc lòng lợn trông đến đáng sợ
Tôi lại được chứng kiến mấy cô cậu học trò xúm nhau vào một bà bán lòng dạo. Món lòng heo không biết người ta độn những thứ gì, chỉ thấy mùi nó thum thủm, dài thòng lòng được các em vồn vã mua, tranh nhau nài nỉ xin người bán hàng cắt dài hơn tý chút. Bỗng dưng tôi lại nghĩ trong đầu, trên đời xin đừng vất đi cái gì cả, bởi với nhiều người khác, nó lại là thứ quý giá vô cùng.
Hình ảnh bữa ăn thiếu chất của các em học sinh nội trú ở Tà Hộc:
Trong rương của cậu học sinh lớp 9 này là một ít gạo, một vài quả ngô và chuối mà em vừa mang từ nhà lên sau ngày nghỉ để ăn suốt một tuần
Rương của một bạn lớp 8 cùng phòng là một ít ngô và bột canh, thức ăn thường xuyên để đến trường
Sau mỗi buổi học, các em học sinh đều tự mình lo lấy bữa ăn cho mình. Dụng cụ và nguyên liệu rất đơn giản: một cái nồi, một ít nước, một ít gạo, một ít bột canh, vậy là xong một bữa ăn
Một nồi cơm này phải gánh đến 6, 7 miệng ăn
Nhưng rau thì rất ít và rất hiếm
Cô bé này vừa đi bắt cá ở suối về để tăng cường thêm chất thịt cho bữa ăn của mình
Món cá suối không dầu mỡ, không mắm muối, tỏi ớt
Đối với các em học sinh Tà Hộc, thịt tươi cá tốt là một cái gì đó quá xa xỉ
Thay vào đó là món mì tôm quen thuộc, ăn đến phát ngán tận cổ nhưng trong lúc đói thì vẫn ngon như thường
Ước mơ một bữa cơm có thịt, đậu phụ, có cá tươi, có nước mắm để chan, có rau ngon để chấm với cô cậu học trò vùng bản vẫn đang là một... giấc mơ
Bài và ảnh: Thế Nam