Tôi có anh bạn Hàn Quốc đến làm ăn ở TP.HCM được dăm năm, nhưng hễ ai hỏi thì anh ta nói “Tôi là người Sài Gòn” với vẻ tự hào không giấu giếm. Nhiều người đến lập nghiệp ở đây từ khắp mọi miền đất nước cũng không hề bối rối khi xưng mình là người Sài Gòn. Vậy là “người Sài Gòn” nghiễm nhiên trở thành một danh xưng có tính quốc gia và quốc tế.
Ba trong một
Đã có lúc các nhà học giả tranh luận với nhau rằng ai là người “Tràng An”, ai là người Sài Gòn chính gốc. Sinh thời, GS Trần Văn Giàu có lần nói người Sài Gòn cố cựu nào có được mấy ai, nhất là ở cái mảnh đất mới toàn là dân tứ xứ tụ lại. Vậy “người Sài Gòn” không hẳn là danh xưng để gọi ai đó sống thật lâu trên mảnh đất này, mà có lẽ để chỉ những tính cách mà người ta nhiễm phải sau một thời gian sống đủ lâu để thấm vào mình, rồi đeo đẳng họ cho đến khi lìa bỏ trần gian. Thật ra cái chất “người Sài Gòn” không phải là cái gì khác lạ mà chính là sự kết hợp của ba trong một. Đó là con người bản địa, con người Sài Gòn hoá và con người quốc tế hoá.
Thành phố này vốn nổi danh là nơi “đất lành chim đậu”, là vùng đất “tứ hải giai huynh đệ”, nơi hội tụ đủ mặt anh hào đất nước. Mọi người đến đây, mang theo trong hành trang của mình đặc sản văn hoá bản địa nơi mình sinh ra. Lịch sử mảnh đất này cho thấy từ thiết chế nhà nước, đến con người từ xưa đến nay chưa bao giờ tẩy chay ai, miễn họ có tấm lòng và thiện chí. So với các vùng miền khác thì đây là nơi đa dạng văn hoá, đa dạng dân tộc, tôn giáo nhất cả nước. Ai mang gì đến đây cũng được, muốn giữ điều gì cũng được miễn là điều đó không làm phương hại cộng đồng và bản thân không thấy “kỳ” là được. Nặng như tiếng Quảng, nhẹ như tiếng Hà Nội, trau chuốt như tiếng Huế, đồ ăn cay nồng như miền Trung, ngọt như miền Tây, mặn như miền Bắc đều được hoan nghênh ở đất này. Chỉ ở xứ này mới có thể tìm thấy những thứ mà ở nơi khác bị coi là kỳ dị, kỳ quặc, không giống ai…
Đất lành của mọi giấc mơ
Khí hậu thời tiết, truyền thống cư trú, và cơ chế chuyển động xã hội của mảnh đất này cũng góp phần tạo nên một phần khác trong con người ở đây. Mảnh đất này có cái lạ là chính bản thân đời sống và quan hệ xã hội của nó làm cho con người thay đổi tính cách một cách tự nhiên. Những ai cực đoan quá đến đây sẽ bớt thái quá, những ai bủn xỉn quá đến đây sẽ bớt keo kiệt, những ai ù lỳ, chậm chạp đến đây sẽ năng động, linh hoạt hơn và có một điều ai cũng thấy là nếu ai đó sống ở đây chỉ dăm năm thôi thì nhất định sẽ bị lây nhiễm một thứ “căn tính” được truyền từ đời này qua đời khác là mọi người đều tỏ ra cởi mở hơn, chân thật hơn, phóng khoáng hơn, bớt hẳn đi những thứ phô trương hình thức, màu mè mang từ nơi khác đến. GS.KTS Hoàng Đạo Kính có một nhận xét chí lý là “Chơi với người Sài Gòn có cái sướng là không cần mang mặt nạ, không phải đóng kịch”. Thật ra những sự thay đổi đó diễn ra trong mỗi “người Sài Gòn hai quê” một cách tự nhiên, như nhiên. Khi còn ở quê, có những ước mơ chỉ là ước mơ, những “cá tính” phải giấu đi thì khi sống ở mảnh đất này người ta có thể thực hiện được ước mơ đó, và có điều kiện “bùng nổ tính cách” trở thành những con người vượt trội.
Một Sài Gòn quốc tế hoá
Do hội tụ được tất cả các điều kiện thuận lợi mà Sài Gòn – TP.HCM luôn là nơi tiếp xúc, cọ xát với với thế giới văn minh phương Tây không chỉ sớm nhất cả nước mà còn liên tục chưa bao giờ bị đứt đoạn kể cả khi chiến tranh và bị cấm vận. Chính điều này đã hình thành trong con người Sài Gòn một phần không nhỏ của lối sống quốc tế hoá. Những đặc tính năng động, nhạy bén, sáng tạo, táo bạo không phải là sản phẩm của bao cấp mà chính là sản phẩm của nền kinh tế thị trường và nền công nghiệp tiên tiến.
Người Sài Gòn không bảo thủ, chấp nhận từ bỏ cái cũ cho dù còn tác dụng nhưng hiệu quả thấp, dám thử nghiệm cái mới cho dù mạo hiểm và có cả phiêu lưu. Những cái mới (bền vững hay có tính thời trang) cũng đều xuất phát từ thành phố này. Thật không quá khi nói rằng hầu hết những cái được gọi là đầu tiên sau năm 1975 đều bắt đầu từ thành phố này: khu chế xuất đầu tiên (Tân Thuận, 1991); siêu thị đầu tiên (Maximark, 1996); khu công nghệ cao đầu tiên (SHP, 2000), khu công viên phần mềm đầu tiên (Quang Trung, 2001); bệnh viện tư đầu tiên (Phụ sản quốc tế Sài Gòn, 1996); đại học dân lập đầu tiên (Mở bán công, 1993); hãng phim tư nhân đầu tiên (Phước Sang); sàn chứng khoán đầu tiên (trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, 2007); nhà hát tư nhân đầu tiên (5B Võ Văn Tần, Kịch Phú Nhuận, Idecaf); cao ốc hiện đại đầu tiên (toà nhà Imexco Building 1989); khách sạn 5 sao đầu tiên (New World, 1994)…
Hình như với người Sài Gòn thì không quy trình, sản phẩm nào được coi là hoàn hảo, vì khi đến tay người Sài Gòn rồi chúng cũng bị thêm thắt, cải tiến. Người Nhật kinh ngạc khi thấy những chiếc xe máy được coi là tuyệt hảo đến từng chi tiết, nhưng đến tay người Sài Gòn còn được gắn thêm hàng chục thứ khác nữa.
Đến giữa thế kỷ này, dân số Sài Gòn chắc sẽ lên đến 15 triệu người, người nhập cư, người nước ngoài sẽ nhiều hơn, khi ấy phần nào trong “người Sài Gòn” sẽ tăng lên, phần nào sẽ giảm đi: địa phương hoá, Sài Gòn hoá hay quốc tế hoá? Câu hỏi thật không dễ trả lời.
Theo SGTT