THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 April 2013

Trắng – Đen từ Vàng




Thông tin Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra NHNN đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng, được dư luận đón nhận bằng nhiều cảm xúc khác nhau.



Nhưng điểm chung của mọi người vẫn là mong muốn Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ “trắng đen” tác động của các chính sách quản lý thị trường vàng đối với chính thị trường này trong đó có lợi ích của người dân trong thời gian gần đây.
“An dân”
Nói thanh tra việc quản lý thị trường vàng sẽ lập tức có ý nghĩa an dân, không có gì là quá, mặc dù tại thời điểm hiện nay quyết định thanh tra chỉ mới bắt đầu được thực thi trong mấy ngày và cũng còn quá sớm, thậm chí là hồ đô vô căn cứ để nói có hay không việc thanh tra cho thấy đang có sai phạm trong quản lý của NHNN đối với thị trường vàng. Cần hiểu, thanh tra là một chuyện bình thường trong hoạt động của bộ máy nhà nước, bộ máy công quyền và ở bất kỳ bộ máy nào, quy mô nào. Hiểu theo nghĩa khác, thanh tra là một phạm trù lịch sử, nó gắn liền với nhà nước và là công cụ của cơ quan quản lý nhà nước, là phương thức đảm bảo pháp chế, tăng cường kỉ luật trong quản lý nhà nước. Hoạt động này nhằm hướng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật, giữ gìn kỉ cương, trật tự trong quản lý.
Năm 2012, Thanh tra Chính phủ VN đã thực hiện 52 cuộc thanh tra và đưa ra 25 kết luận. Trong số 27 cuộc còn lại, hiện có 11 cuộc đang hoàn thiện, 3 cuộc chờ báo cáo và 13 cuộc khác đang trong quá trình thanh tra (tính đến quý I/2013). Cũng trong quý I/2013, Thanh tra Chính phủ đã công khai kế hoạch thanh tra 20 tổ chức, đơn vị và dự kiến sẽ được thực hiện bắt đầu ngay trong quý. Trong đó, có việc thanh tra chấp hành pháp luật tại Ủy ban Chứng khoán và trách nhiệm của NHNN đối với việc quản lý thị trường vàng. Do đó, tại thời điểm hiện nay, khi Thanh tra Chính phủ đã bắt đầu vào cuộc làm việc với NHNN, thì điều đó thực tế không có nghĩa ngân hàng đã có sai phạm gì khiến phải có thanh tra như nhiều cảm nhận ban đầu của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, nếu có phát hiện ra sai phạm gì, “quét nhà có ra rác” hay không, lại là một chuyện khác.
Vì vậy, theo một chuyên gia, đánh đồng việc Thanh tra Chính phủ làm việc với NHNN, với việc NHNN đã và đang gặp nhiều phản ứng của dư luận về “độc quyền” vàng miếng, bất nhất mục tiêu bình ổn thị trường vàng và chống đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế, không hoàn toàn tuân thủ Nghị định 24NQ-CP, tổ chức hoạt động đấu thầu vàng… là chưa chính xác. “Cần lưu ý thêm, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định việc thanh tra sẽ tiến hành về một giai đoạn quản lý dài từ năm 2009 cho đến nay mà trong suốt quãng thời gian đó, người đứng đầu NHNN đã từng có hai lần thay đổi, thì việc Thanh tra sẽ không hẳn chỉ vì những vấn đề nổi cộm từ 2012.
Vì vậy, để thị trường vàng, trong đó các “người chơi” chính trên thị trường là các NHTM và DN vàng quy mô lớn có những bất ổn như hiện nay, trọng trách sẽ không chỉ thuộc về phạm vi quyền hạn và các quyết định quản lý, mệnh lệnh hành chính từ năm 2012 đến đầu 2013, mà nó là hệ quả của ít nhất 2-3 năm trở về trước. Xác định thời điểm để tiến hành thanh tra từng giai đoạn như vậy, cho thấy Thanh tra Chính phủ đã nắm được phần nào những vấn đề mấu chốt trên thị trường vàng”, vị này nói.
2 câu hỏi quan trọng
Nếu theo thông tin mà Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết tại cuộc họp báo công bố kế hoạch thanh tra năm 2013 thì Quyết định thanh tra quản lý thị trường vàng hiện nay, đã được Thanh tra Chính phủ đưa ra trên cơ sở làm việc, khảo sát tại tổ chức này. Như vậy, việc xác định các nội dung cụ thể để thanh tra được xây dựng trên cơ sở và cứ liệu khoa học năm 2009 – quý I/2013 là một “khung cứng” đủ để cơ quan này xác nhận lại những diễn biến sự việc từ trước đó.
Cũng thông tin từ Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh, “đây là đợt thanh tra toàn diện đầu tiên về việc chấp hành pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước tại các cơ quan này, từ việc xây dựng chính sách, phản ứng điều hành cụ thể lẫn trách nhiệm phản ứng khi DN không tuân thủ chính sách…”, Đối tượng thanh tra không chỉ là NHNN mà còn có cả các cơ quan, DN liên quan. Ông Khánh cho biết “có thể chúng tôi sẽ xem xét cả anh nấu vàng. Nhưng không phải kiểm tra sổ sách tài chính của anh ta thế nào, mà xem chính sách đã tác động đến đâu, việc điều hành giá thế nào, độc quyền vàng ra sao…”.

Trong khủng hoảng, các DN lớn thường cắt giảm ngân sách tiếp thị, đây là cơ hội “nghìn năm có một” cho DN nhỏ gia tăng thị phần.
Căn cứ trên những thông tin sơ bộ này, dư luận đang có quyền hi vọng vào việc Thanh tra Chính phủ sẽ minh định rõ ràng chuyện: Có hay không có việc NHNN dung túng cho các tổ chức, các DN, các NHTM như các đối tượng “sân sau” làm bừa, trục lợi từ thị trường vàng trong một giai đoạn dài các đối tượng này được phép sử dụng vàng của dân để chuyển đổi các đồng tiền và tài sản khác, cho các hoạt động đầu tư, dịch vụ khác không đúng quy định? Và đặc biệt có hay không từ câu chuyện “tiền sử” mới chỉ cách đây vài năm, mà hệ quả để lại khôn lường hôm nay đã dẫn đến các quyết định độc quyền vàng miếng, NHNN “thâu tóm” thị trường vàng, đấu giá vàng… khiến giá vàng thế giới và giá vàng trong nước vẫn hoàn toàn cách biệt, không hề có khái niệm liên thông hay bình ổn… như dư luận đã nêu?
Dù tất cả chỉ mới trong vòng sơ khởi, nhiều người bắt đầu dấy lên hi vọng thị trường vàng rồi đây sẽ lại được trả về một cơ chế vận hành không rối rắm phức tạp và không đi ngược lại lợi ích cũng như quyền sở hữu, mua bán vàng, đảm bảo tài sản hợp pháp của người dân. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói với DĐDN, riêng về thị trường vàng và cung cách quản lý của NHNN hiện nay, ông không muốn đưa bất cứ ý kiến bình luận nào. Tuy nhiên, nếu một khi Thanh tra Chính phủ nghiêm túc vào cuộc, theo ông, chỉ cần dựa trên hai câu hỏi và tìm ra câu trả lời, thì tất cả mọi vấn đề quản lý thị trường vàng của NHNN từ trước đến nay sẽ sáng tỏ: Thứ nhất, việc NHNN độc quyền vàng miếng và tổ chức đấu thầu vàng, nhập khẩu vàng để bán trong khi lại xác định người dân VN đang sở hữu 300-500 tấn vàng chưa khơi thông được, là phục vụ cho quyền lợi của ai? Thứ hai, điều đó có lợi cho nền kinh tế, đất nước, người dân hay không?
Ông Nguyễn Công Tường – Phó phòng kinh doanh Cty Vàng bạc đá quý SJC”
Trong những ngày gần đây, lượng vàng SJC bán ra không nhiều. Chúng tôi không thống kê chính xác nhưng giao dịch trung bình khoảng 3.000-4.000 lượng/ ngày. Nhiều người cũng đặt câu hỏi rằng tại sao NHNN liên tục đấu thầu vàng số lượng và đã bán ra một số lượng hàng trăm nghìn lượng vàng, mà sức cầu trên thị trường lại yếu; vậy lượng vàng đã được bán rơi vào đâu? Trong những giả định, có hay không yếu tố đầu cơ, găm giữ vàng, cũng rất khó nói. Trong tất cả những diễn biến như vậy thì việc Thanh tra Chính phủ thanh tra quản lý thị trường vàng, tuy là vấn đề vĩ mô nhưng cũng được rất nhiều quan tâm”.

Ông Huỳnh Bửu Sơn – Chuyên gia kinh tế:
Một thị trường vàng mà mức giá so với quốc tế quá sức chênh lệch thì không bao giờ gọi là bình ổn. Quan trọng hơn, khi giá vàng của thị trường đó quá cao, đó sẽ là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế. Theo thông tin được biết, một năm VN mất hàng chục tỉ USD để nhập khẩu vàng. Với một nền kinh tế còn yếu và nhỏ như nước ta, mà bỏ ra nguồn lực như vậy để phục vụ nhu cầu vàng là một phí phạm rất lớn. Muốn hạn chế vàng miếng, chống vàng hóa như mục tiêu ban đầu, thì đơn giản cứ ra quyết định bắt buộc các giao dịch lớn trị giá vài trăm triệu đồng như giao dịch mua nhà, nhất thiết phải qua ngân hàng. Khi đó vàng miếng sẽ hết vai trò thanh toán.
Ngoài ra, với một nền kinh tế theo tính toán đang trữ khoảng 500 tấn vàng, thì việc khơi thông lượng vàng đó để đầu tư phát triển kinh tế là quan trọng (thay vì cứ mua thêm và bán ra thêm). Nhưng khơi thông không có nghĩa nên mở sàn giao vàng như một số khuyến nghị, tránh đầu cơ, trục lợi, rối loạn thị trường. Khơi thông, là phải làm sao để người có vàng thấy nắm giữ vàng không có lợi. Mấu chốt vấn đề ở chỗ đó.
Theo CafeF