THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 April 2013

Lao động Nghệ An lại bị kỳ thị



“Tại sao (khi tuyển dụng) lao động xuất khẩu sang Nhật Bản, một số công ty lại không nhận Nghệ An?” – câu hỏi của lao động Trần Thị Hạnh tại cuộc đối thoại trực tuyến với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền sáng 5/4.

“Em có đi tham gia phỏng vấn hai nơi, nhưng đều không nhận Nghệ An, nếu thế trước khi thi tuyển phải thông báo cho lao động biết, đằng này bọn em vẫn tham gia thi tuyển, song họ bảo về chờ kết quả. Mấy ngày sau họ gọi bảo không nhận Nghệ An? Em không biết làm sao? Nếu như thế thì em không được đi ạ?”.

Đây là những câu hỏi mà bạn Trần Thị Hạnh và một số lao động tại Nghệ An đã đặt ra trong buổi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân sáng 5/4.

Không trả lời thẳng vào câu hỏi, Bộ trưởng chỉ nói “Theo chúng tôi được biết, đến thời điểm này các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam từ bất cứ vùng miền nào”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nói “trường hợp cá biệt” của bạn Hạnh và một số lao động xứ Nghệ “sẽ giao Cục Quản lý lao động ngoài nước nắm thêm”.

Cũng là ở Nghệ An, trước tình trạng nhiều trường hợp bị lừa xuất khẩu lao động đi Angola, mà “người đi được phải về nước sau 4 tháng với chằng chịt những vết sẹo do chủ lao động đánh đập, người chưa đi được thì mất trắng hàng chục triệu đồng tiền phí môi giới”, Bộ trưởng Hải Chuyền nói bà “chia sẻ với các bạn ở Nghệ An”. Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này Việt Namchưa có thỏa thuận lao động với Angola. Bà Hải Chuyền đưa ra lời khuyên rằng “Để hạn chế tình trạng bị lừa đảo thì phải tìm hiểu kỹ thị trường đã hợp tác hay chưa, tổ chức đưa người lao động đi có hợp pháp hay không”.

Theo bà, người lao động nên liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH)- kể cả về thị trường và phương thức đưa lao động. “Bởi nếu bạn ra nước ngoài lao động mà không qua tổ chức hợp pháp thì sẽ gặp khó khăn trong việc được bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại nước sở tại”. Riêng đối với những người lao động ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước thì có thể đến phòng LĐTBXH để hỏi thông tin và nơi này có trách nhiệm liên hệ với  Cục Quản lý lao động ngoài nước để tìm hiểu thông tin, trả lời cho người lao động.

Trong năm 2012, chỉ tiêu đưa LĐXK là 90.000 lao động, tuy nhiên con số cả năm chỉ đạt 80.000.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng thời gian qua, một số thị trường nhận lao động Việt Nam có cũng khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động hạn chế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài ra, một số thị trường không còn hấp dẫn về thu nhập, ví dụ như Malaysia- thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng…

Về chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2013, bà Chuyền đánh giá “cũng có những tín hiệu tích cực nhất định như triển vọng đưa lao động là y tá, hộ lý sang Nhật Bản, Đức hay một số thị trường Trung Đông”, với điều kiện “nếu tình hình ổn định trở lại”.

Theo Anh Đào
Lao động