Giá xăng thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng, giá xăng thế giới giảm thì giá xăng trong nước cũng… tăng. Chẳng có nước nào có cách điều hành giá xăng dầu kỳ quặc như ở Việt Nam.
“Nghe tăng giá xăng đến 1.430 đồng/lít mà như bị “đánh úp”. Mới vừa rồi nghe giá xăng thế giới giảm, doanh nghiệp xăng dầu còn lãi 1.000 đồng/lít, nhiều người thu nhập thấp như tôi khấp khởi mừng thầm, hy vọng xăng có thể giảm giá chút ít. Ai ngờ liên bộ Tài chính – Công thương lại cho tăng giá như thế này. Các vị được Nhà nước cấp xe hơi, cấp xăng nên chắc không hiểu nổi khổ của chúng tôi khi xăng tăng giá” – bạn đọc Trần Thân than thở. Đây cũng là tâm trạng của rất nhiều người dân trong bối cảnh thu nhập giảm mà các mặt hàng thiết yếu cái gì cũng tăng.
Tăng giá để… chống buôn lậu! Chống buôn lậu không thành thì bắt:Dân trả thêm tiền xăng vì quản lý thua buôn lậu?
Trước lý giải của Bộ Tài chính hiện giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp, đồng thời tăng giá là để ngân sách khỏi bù lỗ, nhiều bạn đọc chỉ biết thở dài. Khi tăng giá xăng thì Bộ Tài chính đều có lý do để biện hộ nhưng lấy lý do như trên thì thật không thuyết phục.
Bàn về việc tăng giá xăng dầu từ 20h ngày 28/3 của Liên Bộ Tài chính – Công thương, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu tỏ ra vô cùng ngạc nhiên: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao lại điều hành một cách ngược đời như vậy. Giá thế giới đã xuống thấp nhiều ngày nay. Trong khi Trung Quốc quyết định giảm giá xăng dầu hôm 27/3, ngày 28/3 chúng ta lại tăng giá xăng dầu” – vị chuyên gia này nói.Còn theo Ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, nhận định quyết định tăng giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới giảm là không tuân theo quy luật thị trường, thể hiện ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý. Không thể điều hành một cách tùy tiện như vậy vì Việt Nam hội nhập rồi. Hơn nữa, 70% sản lượng xăng dầu được tiêu thụ trong nước là phải nhập khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc tăng hay giảm giá xăng dầu thì cơ quan quản lý cũng cần có sự lý giải hết sức minh bạch. “Không thể đưa ra một trong những nguyên nhân buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước là để hạn chế buôn lậu. Lực lượng quản lý thị trường ở đâu? Lý do như vậy là không thuyết phục. Là người tiêu dùng, tôi không chấp nhận lý giải này và thấy rất bức xúc”- ông Phú nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh người tiêu dùng bị thiệt kép. Bởi trước khi tăng giá, Nhà nước cho xả quỹ, doanh nghiệp đã được lời, còn người tiêu dùng phải móc túi trả cho khoản lời đó của doanh nghiệp. Nay ngưng xả quỹ, người tiêu dùng tiếp tục chịu thiệt thòi khi phải trả thêm 1.430 đồng/lít xăng. Việc Bộ Tài chính cho khôi phục lợi nhuận định mức, nâng chi phí kinh doanh định mức lên để đẩy giá xăng tăng kỷ lục cho thấy bộ luôn bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Xả quỹ doanh nghiệp cũng được lợi. Tăng giá doanh nghiệp cũng vẫn lời!
Có buôn lậu là được tăng giá xăng?
Trong khi đó, Giám đốc một đơn vị thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) phân tích về nguyên nhân tăng giá xăng lần này trên báo chí: “Việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tăng giá xăng dầu sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng trong nước. Tuy nhiên, theo vị giám đốc này, nếu không tăng, sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới gia tăng và Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát”
Cùng ý kiến với vị Giám đốc trên, một lãnh đạo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đánh giá: “Thực sự, DN không thể chịu lỗ mãi được. Họ lấy đâu ra tiền để bù vì có phải ai cũng trường vốn đâu. Nếu cứ tiếp tục kinh doanh lỗ, làm sao doanh nghiệp chịu được trong khi buôn lậu xăng dầu đang gia tăng vì chênh lệch giá trong và ngoài nước”. Thế nên, theo vị lãnh đạo này, việc Bộ Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu là “không có sự lựa chọn nào khác”.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại những lần tăng giá xăng dầu trước đây, mà gần nhất là lần tăng giá xăng vào ngày 28/8/2012 có thể thấy, lý do mà Liên Bộ Tài chính – Công thương đưa ra là do giá xăng dầu thế giới tăng cao, nên Việt Nam cũng buộc phải tăng giá, nếu không DN sẽ lỗ.
Riêng đối với việc tăng giá lần này, vì giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh nên không thể đưa ra lý do là vì giá xăng dầu thế giới tăng. Bởi vậy nguyên nhân chính để giải thích cho việc tăng giá xăng lên 1.430 đồng/lít là vì đã hết Quỹ Bình ổn giá, và… để chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Phải chăng, người dân phải móc thêm tiền trả cho giá xăng là do Quản lý đã không kiểm soát được tình trạng buôn lậu?
Giải thích lý do tăng giá xăng thêm 1.450 đồng/lít, dầu DO 362 đồng/lít, dầu hỏa 480 đồng/lít và dầu FO 807 đồng/kg, Bộ Tài chính cho biết từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng, làm giá cơ sở tăng cao. Nhằm bình ổn giá bán xăng dầu trong nước để ổn định giá cả thị trường, Nhà nước đã điều hành để ổn định, không tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sử dụng quỹ bình ổn giá. Theo Bộ Tài chính, hiện giá xăng dầu thế giới tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong khi quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp đã hết, giá trong nước thấp hơn giá các nước có chung đường biên giới, dẫn đến nạn buôn lậu xăng dầu. Nguyên nhân khiến giá tăng tới 1.430 đồng/lít, theo Bộ Tài chính, là nhằm khôi phục lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp trong giá cơ sở, đồng thời cơ quan này đã cho doanh nghiệp nâng chi phí kinh doanh định mức. Cụ thể, chi phí kinh doanh định mức mới của mặt hàng xăng, dầu DO, dầu hỏa là 860 đồng/lít, gồm cả chi phí bán buôn, bán lẻ. Dầu FO là 500 đồng/kg. |
Theo TTXVA