Tết - "bình thường thôi"
Chiều cuối năm (29 tết), chị Trần Thị Lắm (40 tuổi, quê Thanh Hóa), CN Công ty giày da Hài Mỹ (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, Bình Dương) mới chạy ra chợ ở gần nhà trọ để mua ít đồ ăn trong những ngày tết cho gia đình.
Những đồ ăn mà chị Lắm mua là bó rau cải, hơn nửa ký thịt và một ít gia vị như hành, tỏi, muối, bột ngọt…
Khi PV Thanh Niên Online đề nghị được vào tận phòng trọ để tìm hiểu tình hình đời sống CN đón tết ở nhà trọ, chị Lắm đồng ý ngay.
Chị Lắm trang trí cây mai giấy chuẩn bị đón giao thừa tại nhà trọ - Ảnh Đỗ Trường |
Do vợ chồng đã ly dị nên chị Lắm cùng với hai người con gái vào Bình Dương làm CN cùng công ty. Căn phòng trọ nơi gia đình chị Lắm thuê ở rộng chừng chục mét vuông. Chị Lắm cho biết đã hai năm ăn tết ở đây.
“Mặc dù điều kiện có khó khăn, nhưng được hai cô con gái khéo tay nên tết đến các cháu cũng trang trí cành mai, bóng đèn nhấp nháy cho không khí căn phòng trọ thêm ấm cúng”, chị Lắm nói.
Khi được hỏi về mua sắm chuẩn bị đón tết, chị Lắm cười và nói: “Tết thì cũng nấu ăn bình thường như mọi ngày. Rau cải thì nấu canh, thịt thì kho. Chẳng có rượu bia gì. Trước tết thì chuẩn bị ít kẹo, bánh, nước ngọt cho bạn bè của các cháu đến chơi”.
Còn chuyện đi chơi tết thì cháu Vũ Thị Lý (con chị Lắm) cho biết: “Ba mẹ con đi làm bằng xe đạp cả, không có xe máy, bà con cô bác ở xa nên cũng khó đi đâu được. Chắc chỉ chạy đi chơi lòng vòng trong khu nhà trọ”.
"Nhịn" tết, gởi tiền về quê
Cũng vào chiều 29 tết, PV Thanh Niên Online có mặt tại khu nhà trọ thuộc phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), tại đây CN ở lại ăn tết khá đông.
Anh Hoàng Xuân Cẩm (31 tuổi, quê Hà Tĩnh), CN Công ty gỗ Phát Triển cho biết ngoài tiền lương, thưởng tết, công ty còn cho ứng khoảng 60% lương để mua sắm tết.
Tuy nhiên, đa số anh chị em CN ở lại đón tết đều mua sắm tết hết sức đơn giản, còn lại để dành tiền gửi về cho gia đình.
Anh Đặng Hùng Sơn (32 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết: “Tết đến thì gửi về biếu ông bà nội, ngoại mỗi bên dăm trăm (500.000 đồng - PV), còn lại, anh em làm thùng bia đón giao thừa”.
Còn chị Đỗ Thị Ninh (38 tuổi, quê Hà Nam), CN Công ty may Hoa Mai (TP.Thủ Dầu Một) cho biết đã 5 năm đón tết ở Bình Dương.
Năm nào cũng vậy, chị Ninh chỉ mua sắm đồ ăn cho gia đình, còn bánh kẹo, nước ngọt "có cũng nên, quên cũng thôi", vì ở nhà trọ chẳng có khách khứa nào cả.
Tại khu nhà trọ của Công ty gỗ Phát Triển, nhiều người CN ở lại đây ăn tết đã chuẩn bị đồ ăn, đồ uống, đàn hát để quây quần đón giao thừa. Tuy điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn nhưng mọi người đều vui vẻ, phấn khởi.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã dành trên 25 tỉ đồng để chăm lo tết cho người nghèo, tặng quà tết cho CN ở lại. Các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cũng tài trợ hàng chục ngàn vé xe để đưa đón CN về quê ăn tết, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ để CN không về quê có điều kiện tham gia vui đón tết.
Theo Liên đoàn Lao động Bình Dương, Tết Quý Tỵ 2013 toàn tỉnh có khoảng 110.000 công nhân ở lại ăn tết. Hầu hết CN không về quê đều ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn.
Chị Đỗ Thị Ninh “nâng niu” phần quà tết được công ty cho - Ảnh Đỗ Trường Không khí đón giao thừa của CN ở khu nhà trọ Công ty gỗ Phát Triển - Ảnh Đỗ Trường Nhiều CN ở lại mua sắm tết hết sức đơn giản. Trong ảnh là chị Lê Thị Hòa (32 tuổi, quê Thanh Hóa, ở trọ tại P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) đi mua sắm vào chiều 29 tết - Ảnh Đỗ Trường Gia đình anh Hoàng Xuân Cẩm chuẩn bị đón tết tại nhà trọ - Ảnh Đỗ Trường Nhiều CN ở lại mua sắm tết hết sức đơn giản - Ảnh Đỗ Trường (toàn bộ ảnh chụp chiều 29 tết) |
Đỗ Trường