THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 January 2013

Phát hiện nóng: Phát hiện giả mạo trong hình nhà thờ họ Nguyễn Tấn Dũng

Thùy Linh (Blog PCTNVN) - Trước khi đọc nội dung bài viết, xin mời độc giả xem qua các tấm ảnh: 
- Một tấm ảnh duy nhất được đăng kèm theo bài phản biện dù Nhà báo và Công luận kia "đã đi đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe, tay chụp hình ghi lại người thực, cảnh thực, việc thực" để giải oan cho Nguyễn Tấn Dũng về một ngôi "Nhà thờ bình dị"
- Các tấm ảnh khác về nhà thờ họ của gia đình Thủ tướng "như người ta đồn thổi", "như các trang mạng dấm dúi đã viết."
Không quá khó khăn gì để nhận ra ngay ngôi nhà thờ trong các tấm ảnh chỉ là một. Chính nhà báo của đảng mới đê hèn, "dấm dúi" kiếm được cái cổng phụ để chụp (vì không có chỗ nào "bình dị" hơn) nhưng vấn không che giấu được. Lũ cáo gian manh cố giấu đầu nhưng cái đuôi vẫn to đùng quá nên cứ lòi ra. 
Đúng là đê hèn và nhục nhã hết chỗ nói! 
Ảnh 1: Nhà thờ họ bình dị của gia đình Thủ tướng (Ảnh: Nhà báo & Công luận) 

Ảnh 2 (và 3): Ảnh Nhà thờ họ nguy nga của gia đình Thủ tướng trên các thông tin đã đăng 
(như trên Dân làm báo) 



download hình trên  xuống máy, bấm chuột phải, chọn property, và chọn details, quí vị se thấy thông tin dưới đây...Họ sử dụng photoshop CS5 để chỉnh sửa hình vào lúc 28/12/2012.


xem bản đồ nhà thờ họ Nguyễn Tấn trên Google Earth http://goo.gl/maps/k40wM
xem 17 tấm hình chụp rồi so sánh tiếp...


Ảnh 3 (và 2): Ảnh Nhà thờ họ nguy nga của gia đình Thủ tướng trên các thông tin đã đăng 
(như trên Dân làm báo) 

Ảnh 4: Ảnh cắt ghép các phần của các bức ảnh để dễ so sánh các điểm giống nhau (Thùy Linh) 
a- Hình dạng và kích thước của các ô trên tường rào, bao gồm cả phần hoa văn trong ô và các chông trên tường rào. 
b- Các đèn ốp tròn trang trí trên trụ. 
c- Hình dạng, màu sắc của mặt tiền tầng 2 khu nhà (hình 1, hình 3 và góc nhìn xiên hình 2). 
d- Các cây dừa cảnh. 
Nghĩ từ chuyện nhà thờ họ của Thủ tướng 
“Hoá ra là vậy”, câu nói ấy đã thành lời hay để trong lòng của tất cả những ai đã đọc bài “Sự thật về nhà thờ của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên Giang” vừa được đăng tải trên NB&CL, sau đó được nhiều tờ báo đăng lại trong mấy ngày vừa qua.

Nhà thờ họ bình dị của gia đình Thủ tướng (Ảnh: Nhà báo & Công luận) 
Té ra Chuyện về nhà thờ họ của gia đình Thủ tướng không như người ta đồn thổi, không như các trang mạng dấm dúi đã viết. Nhà báo kia đã đi đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe, tay chụp hình ghi lại người thực, cảnh thực, việc thực. Nhà thờ họ của gia đình ông Thủ tướng hoá ra cũng chỉ như hầu hết những nơi thờ tự bình dị của các gia đình Việt Nam, cốt quý ở sự thanh tao, tôn kính anh linh tiền nhân, chứ không hề to tát hay xa hoa như người ta đồn thổi. 
Lại nhớ một dạo cách đây chưa lâu, có ai đó đưa lên mạng hình ảnh một lâu đài nguy nga tráng lệ rồi chú thích đấy là biệt thự của gia đình ông Thủ tướng. Nhiều người không khỏi sững sờ, bán tín, bán nghi. Mãi đến khi có người chỉ ra rằng hình ảnh đó đích thị một nghìn phần nghìn là lâu đài của Thủ tướng Paskitan, Benazir Bhutto, thì mọi người mới vỡ lẽ “hoá ra là như vậy”, ông Thủ tướng đã bị người ta gán ghép trắng trợn. 
Còn nữa, vừa qua trong một hội nghị có một vị cao niên đã nói liều: Thủ tướng khi còn làm bí thư huyện uỷ Phú Quốc đã để xảy ra những vụ buôn lậu ở huyện, mà tỉnh không xử lý. Tôi tìm hiểu mới biết sự thật thì ông Thủ tướng không có làm bí thư Phú Quốc. Thời đó ông làm bí thư huyện uỷ Hà Tiên và trong huyện không xảy ra vụ buôn lậu nào. Vị cao niên này cũng nói vài việc nữa nhưng sự thật thì…chẳng có tí sự thật nào cả, hay đúng hơn đó là “sự thật” giống như lâu đài của bà Bhutto nói ở trên mà thôi. 
Tôi là một trong số nhiều người chưa hài lòng với những gì mà ông Thủ tướng đã làm được ở cương vị lãnh đạo Chính phủ. Đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, ổn định kinh tế chưa bền vững; nợ xấu chưa giải quyết được; hàng tồn kho còn nhiều, nhất là nhà đất; nạn tham nhũng vẫn còn gây nhức nhối lòng người... Những người ngay thẳng có thể và có quyền phê bình, góp ý ông, nhưng chẳng ai vì thế mà lại đi bịa đặt trắng trợn để bôi đen uy tín của ông. Những người đàng hoàng đã thẳng thắn chất vấn ông trước Quốc hội, trước thanh thiên bạch nhật để cả bàn dân, thiên hạ cùng quan tâm theo dõi. Còn ông thì đã chân thành nhận trách nhiệm, nhận hết yếu kém về mình và trình bày rõ ràng, thuyết phục về kế hoạch lãnh đạo Chính phủ đưa đất nước vượt qua thử thách khó khăn. Ông đã nói lên sự thật với tất cả lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân và rồi ông, từng bước làm như đã hứa, làm thật. Tôi rất tâm đắc điều mà Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc nói đại ý đó chính là điều ta trân trọng một nhân cách, tôn trọng ông. 
Trở lại với bài của nhà báo Ngọc Niên nói ở trên, đọc xong tôi bỗng không khỏi nhói lên cảm giác lo âu. Tôi không ngạc nhiên vì sao ông Thủ tướng có người chỉ trích. Thủ tướng ở quốc gia nào chả bị xăm soi, chả bị người ta xét nét về năng lực, về gia đình và tư cách. Chính khách thường phải đối diện với thực tế nghiệt ngã ấy. Nhưng tôi quá ngỡ ngàng là vì sao những chuyện bịa đặt trắng trợn về ông như vậy cứ lan truyền râm ran cho đến trước khi bài báo kia ra đời, chẳng ai chịu đi tìm sự thật. Hàng mấy trăm tờ báo chân chính, hàng ngàn Nhà báo chính danh của đất nước tốt đẹp này ở đâu, sao lại im lặng để cho nhân dân hoang mang, không biết đâu thực, đâu giả mà lần. Gơ ben, một trong những trùm phát xít đã ra ma từ lâu, nhưng cái thủ đoạn chiến tranh tâm lý: “Sự thật là điều dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần”, có vẻ như vẫn còn nguyên sự độc hại, như những loạt súng hoa cải chết người nấp trong bóng tối nã đạn tâm lý vào cuộc sống. 
Tôi bỗng ớn da gà, ông Thủ tướng mà còn bị người ta nửa tin nửa ngờ, thậm chí chẳng ai lên tiếng nói lên sự thật bảo vệ ông trước những điều bịa đặt như thế, thì cái thiệt của cá nhân ông thật sự chưa đáng lo bằng cái thiệt của chính thể khi nguy cơ văn hoá bôi nhọ, văn hoá “gắp lửa bỏ bàn tay người khác” sẽ trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nếu bạn bị vu oan, bôi đen, tâm hồn bạn và người thân của bạn sẽ thế nào? 
Có một nhà văn nước ngoài nào đó đã cảnh báo chúng ta rằng: Loài người hãy cảnh giác đối với thói vô cảm, thờ ơ trước cái xấu, cái ác. Gieo rắc những thông tin mù mờ, sai sự thật để thoả mãn những mục đích thấp hèn chính là cái xấu, cái ác, không thể nhân nhượng. Cái ác hôm nay đánh vào được một người, nó sẽ đánh vào được một tập thể, nếu không được ngăn chặn kịp thời, ngày mai nó sẽ làm cho cả xã hội hoang mang, mất lòng tin, rồi trở nên bấn loạn, rối ren. Và sự đổ vỡ bắt đầu từ đó. 
Việt Hưng
*
Thảm hại, nhục nhã quá X ơi! 
Sao ăn chi cho lắm để đến bây giờ phải thuê mướn, chỉ đạo, đùn đẩy lũ tay sai đi bao biện, che giấu khổ sở vậy mà vẫn không xong. Lại can thêm tội tày trời với lịch sử là đẩy cả xã hội này vào gian manh và dối trá. So với cái tội này thì tội lừa đảo vài trăm triệu, vài tỷ đồng của dân đen làm ăn bên ngoài có đáng là gì đâu. 
Bịt tai, câm họng đi để cố mà "thực hiện trách nhiệm của Đảng giao", đừng cố đấm ăn xôi, cài bao biện, thanh minh lại càng gây thối cho Dân lắm. 
Hèn hạ quá Dân trí ơi! 
Cam chi cái chức vị, đồng lương mà phải bán rẻ mình đến thế?!? 
Ảnh "Nhà báo và công luận" chụp mà không có bài viết (không có trích nguồn), lại do Dân trí viết bài. Trần trụi thế sao giấu được ai, lừa được ai?!?
*
Sau đây là bài viết của phóng viên lề đảng:
Sự thật về Nhà thờ của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên Giang
Ngọc Niên (TBT Báo Nhà báo và Công luận) - Sứ mệnh cao cả của nhà báo là kiếm tìm sự thật. Sự thật ấy phải được phản ánh đạt tính chân thật, tức là “đúng hiện thực khách quan”. Và sự thật ấy phải được soi dọi bằng lương tâm chức nghiệp. Tôi nhớ người Nga có một câu ngạn ngữ vô cùng chí lí: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối!”. 
Công luận loan truyền 
Xung quanh thông tin đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xây dựng ngôi “Nhà thờ Họ” nguy nga ở Kiên Giang, suốt lâu nay đã được loan truyền râm ran và trở thành một đề tài nóng thu hút sự quan tâm của công luận. Nguồn tin khởi đầu được tung ra bởi một số mạng thông tin không chính thống. Rồi tiếp tục xuất hiện cả một số đơn thư được lan truyền đã len lỏi tới đông đảo công chúng; càng khiến dư luận không ngớt xì xầm, bàn tán. 
Theo các thông tin được mô tả thì: Ngôi nhà thờ này là một lâu đài đồ sộ, sang trọng gấp nhiều lần Nhà Thờ họ Hồ ở Nghệ An; nguy nga hơn cả Đền thờ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; được tọa lạc trên khuôn viên rộng tới hơn 4.000m2 với quy mô rất hoành tráng, số tiền đầu tư xây dựng trị giá tới hơn 40 tỉ đồng. Đặc biệt, khuôn viên hơn 4.000m2 này là đất thu hồi của người dân địa phương. 
“Nhà thờ Họ” này đã và đang trở thành “Bia miệng” trong dân chúng Việt Nam… Sức nóng của dư luận đã khiến không ít cán bộ lão thành cách mạng phẫn nộ, dân chúng hoài nghi và có người đã phải thốt lên rằng: “Ai đời đương kim Thủ Tướng mà lại làm cái việc xa hoa đến thế!”. Nhà báo vốn có đặc tính là luôn “săm soi” các nguồn tin nên tôi đã được chứng kiến không ít cuộc luận bàn xung quanh câu chuyện “Nhà thờ Họ” của đương kim Thủ tướng. 
Bản thân tôi đã có lúc thấy rất hoài nghi và thiếu tin cậy về những thông tin loan truyền ấy. Có một số người cũng nói với tôi rằng đó chỉ là sự đồn thổi, bịa đặt: “Làm gì có lâu đài, biệt điện nào! Chẳng qua chỉ là chuyện thêu dệt nhằm bôi đen lãnh đạo, gây mâu thuẫn trong nội bộ Đảng và kích động lòng dân…” 
Nhưng sự hoài nghi trong tôi lại lập tức bị tan biến bởi có không ít lời khẳng định như đinh đóng cột với tôi rằng họ đã trực tiếp mắt thấy tai nghe: “Không tin ông cứ đến TP. Rạch Giá, gặp bất cứ ai, từ anh xe ôm cũng đều đàm tiếu vanh vách!” 
Là người cầm bút, trước một sự việc tuy đang rất “bán tín bán nghi” - nhưng quả thực nó tác động mạnh đến dư luận xã hội, đến tâm trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân là điều có thật - đã thực sự làm tôi trăn trở. Và chính vì điều đó đã thôi thúc khiến tôi quyết định phải thực hiện một cuộc hành trình để kiếm tìm sự thật!? 
Vào đầu tháng 12 năm 2012, nhân có chuyến vào TP.HCM công tác tôi đã quyết định “phi” xuống Kiên Giang để đích thân “mục sở thị” xem hư thực ra sao!? 
...Sự thật ra sao? 
Cách đây hơn 20 năm tôi đã có dịp về Kiên Giang công tác - lúc đó tôi đang là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. (Khi ấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang là Chủ tịch Tỉnh. Đồng chí Thiếu tá Quỳnh - Trợ lý Tuyên huấn Tỉnh đội - đã bố trí cho tôi phỏng vấn Chủ tịch Tỉnh về công tác quân sự địa phương và việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Và cũng suốt từ ấy đến nay tôi không có một cuộc tiếp kiến nào khác với ông). 
Hơn 20 năm sau trở lại Kiên Giang, tôi thấy nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Rạch Giá thời đó còn là thị xã, ngày nay đã trở thành thành phố. Ngày ấy Rạch Giá chỉ có bến xe ôtô, bến tàu biển; bây giờ đã có cả sân bay. Từ bến xe đi về các ngả, lúc đó phương tiện chủ yếu là xe lôi và Honda ôm. 
Bây giờ ở bến nào cũng thấy taxi nườm nượp. Bất giác tôi bỗng thấy nao nao nhớ về ký ức xe lôi thời ấy. Ngắm nhìn đường phố sạch đẹp và thoáng đãng, tôi cảm nhận rõ một quang cảnh thật thanh bình. 
Cùng đi với tôi là anh bạn thân ở Sài Gòn nhưng rất thông thạo Rạch Giá - Kiên Giang. Chúng tôi tìm đến số nhà 1108 đường Nguyễn Trung Trực một cách chẳng khó khăn gì. Đường Nguyễn Trung Trực trước đây chỉ là một con đường nhỏ nằm trong lòng Rạch Giá; bây giờ trở thành con phố đường đôi huyết mạch rộng rãi, phong quang. 
Đứng trước cổng số nhà 1108, quan sát toàn cảnh khuôn viên tôi thấy lòng đầy nghi hoặc. Có phải cái “lâu đài” đang lan truyền gây xôn xao dư luận ấy chính là đây? Không lẽ tôi đã có một sự lầm lẫn nào khác?... 
Nhưng hoàn toàn không phải như sự ngờ vực của tôi. Số nhà 1108 này chính là địa chỉ ngôi nhà của người em trai út và thân mẫu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện đang sinh sống ở Kiên Giang - miền quê nơi ông sinh trưởng. Bước chân vào khuôn viên, đảo hết một vòng, mang thông tin loan truyền ra đối chiếu, tôi bỗng thấy sửng sốt… 

Cổng chính của ngôi nhà số 1108 . 
Toàn bộ khuôn viên này theo con mắt ước tính của tôi chỉ cỡ năm sáu trăm mét vuông là “kịch đường tàu”, chứ không phải tọa lạc trên diện tích tới hơn 4.000 m2 như đồn thổi! 
Qua xác minh tôi được biết, vào khoảng những năm 1980, nơi đây vốn là một xưởng sản xuất nước mắm của tư nhân rất ô nhiễm. Con lộ khang trang nơi mặt tiền bây giờ, ngày ấy chỉ là một con đường xấu xí và nhỏ hẹp. 
Lúc bấy giờ, Thủ tướng ngày nay đang là Bí thư ở huyện Hà Tiên. Mẹ và em trai của Thủ tướng là Tư Thắng đã mua mảnh đất này với thời giá lúc đó “rẻ như bèo” và được cấp đầy đủ quyền sử dụng. Như thế là thông tin mảnh đất này là đất thu hồi từ đất ruộng của dân rồi qui hoạch… thật sự chỉ là sự thêu dệt! 
Tiếp tục quan sát từ ngoài vào trong tôi thấy: Chiều dài mặt tiền của khuôn viên ước tính chỉ khoảng ba, bốn chục mét. Một bờ tường bao nơi mặt tiền cao trên dưới 3 mét, ốp vật liệu bình thường chứ không hề thấy một loại vật liệu quý nào. 
Phía ngoài tường bao là một rặng cau cao vút. Toàn bộ khuôn viên được chia dọc làm hai phần, từ đường nhìn vào thì bên tay trái là nhà ở, và bên phải là nhà thờ. Lối chính vào nhà là một cái cổng quá đơn sơ, lợp ngói thô. Một mảnh sân nho nhỏ ước chừng vài chục mét vuông không thấy có kiến trúc gì tạo dựng hay trang trí cảnh quan mang tính mĩ thuật. 
Căn nhà ở của gia đình được xây một trệt, một lầu, hết sức bình dị như trăm ngàn ngôi nhà khác trên khắp phố phường Việt Nam. Hoàn toàn không có một chút kiến trúc hay vật liệu gì quí giá theo hình mẫu, phong cách và dáng dấp của các loại biệt thự đương thời. 
Bước chân vào phòng khách tại tầng trệt, đi qua phòng của mẫu thân Thủ tướng rồi xuống nhà bếp của gia đình tôi thấy thật sự ngỡ ngàng. Phòng khách chỉ rộng chừng ba chục mét vuông, chỉ có một bộ sa-lông gỗ rất mộc mạc. 
Tôi đã từng đến nhiều phòng khách đẹp lộng lẫy của không ít anh em bè bạn. Trước khi bước vào phòng khách này tôi cũng mường tượng như vậy. Nhưng quả là nhầm to! Phòng khách đơn sơ tới mức vượt xa trí tưởng tượng của tôi. 
Thân mẫu của Thủ tướng năm nay đã 87 tuổi hiện đang sống trong căn nhà này. Tôi không thể ngờ rằng căn phòng đang sinh sống của thân mẫu Thủ tướng lại đơn sơ, mộc mạc và bình dị đến mức thật khó tin! 
Kề bên căn nhà ở là nhà Thờ của gia đình nằm chung trong một khuôn viên, có cổng riêng. Quan sát toàn cảnh nhà thờ tôi thấy: Đó là một ngôi nhà gồm 3 gian, 3 tầng mái truyền thống, tọa lạc cuối khuôn viên, được xây dựng trên cốt nền cao, gồm 9 bậc thềm, đá lát là loại đá xanh bình thường. 
Tôi sải bước đo chiều dài áng chừng chỉ 10m, chiều ngang sâu khoảng 5m. Nhẩm tính tổng diện tích ngôi nhà thờ chỉ vào khoảng 50m2. 3 gian trong nhà thờ, mỗi gian được đặt một ban thờ. Ban chính giữa là ban thờ gia tiên, trên cùng là thờ ảnh Bác, tiếp phía dưới là di ảnh phụ thân rồi đến di ảnh người chị của Thủ tướng. 
Thân phụ của Thủ tướng là ông Nguyễn Tấn Thử (tức Mười Minh), chính trị viên Tỉnh đội Kiên Giang, hi sinh trong một trận Mỹ ném bom B52 vào ngày 16/4/1969. 
Ban thờ phía bên phải là Ban thờ Má chiến sĩ - tức Má Tư cùng 3 chiến sĩ cũng hi sinh trong trận bom ngày 16/4/1969 với ông Nguyễn Tấn Thử. Ban thờ phía bên trái là Ban thờ ông Phan Thái Quí (tức Chín Quí), Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Kiên Giang - đồng đội của thân phụ Thủ tướng - cũng hi sinh trong trận bom ngày 16/4/1969. 
Quan sát kĩ thêm tôi thấy: Ban chính phía trên nóc có một chùm đèn và dưới là một chiếc sập gỗ cũng quá đơn sơ mộc mạc. Hai bên phía hồi nhà thờ ngay lối cửa ra vào là 2 lọ lục bình lớn nom y hệt bằng đồng nhưng kỳ thực chỉ là 2 bình đất nung, sản vật của Vĩnh Long. 
Toàn bộ hệ thống cửa chính hoàn toàn là gỗ mộc, đã hư hỏng, xuống cấp. Quan sát hết lượt từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài tôi chẳng thấy có một vật dụng gì được cho là quí giá! Còn ở ngoài khuôn viên phía trước nhà thờ chỉ thấy toàn là cây cau, xoài, mít và vài cây đại nhỏ, không hề có một cây cảnh đắt tiền hay quí hiếm nào cả. Qua kiểm chứng, ngôi nhà thờ này được anh em trong gia đình Thủ tướng xây dựng vào khoảng năm 2000. 
Như vậy là đích thân tôi đã “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” và hoàn toàn không hề thấy có “lâu đài xa hoa” nào như dư luận loan truyền, đồn thổi! Đến đây thì bạn đọc đã hiểu đầy đủ rằng câu chuyện về “Nhà thờ Họ của Thủ tướng” tất cả chỉ là sự thêu dệt mà thôi! Và từ sự thêu dệt ấy đã được thổi phồng thành sự thật! 
Sau khi đã tìm hiểu rõ ngọn ngành, tôi thầm nghĩ, sự thật hiển nhiên đến như thế mà được tạo dựng thành chuyện “như có thật” thì có lẽ những thông tin thị phi khác về Thủ tướng và gia đình bấy lâu loan truyền trong công luận chỉ là xuyên tạc! 
Trong khoảng thời gian ở Kiên Giang tôi cũng đã đến thăm và thắp hương ở Đình thờ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đến đây tôi mới sáng tỏ rằng việc đồn thổi "Nhà Thờ họ" của Thủ Tướng "nguy nga gấp nhiều lần Đình Thờ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực" sự thật chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và hư cấu!. Tôi được biết, mới rồi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã vào tận đây và cũng đã phải thốt lên rằng “Hóa ra tất cả chỉ là sự thêu dệt!” 
Sự thật nói lên điều gì? 
Sau khi đã thực hiện xong cuộc thị sát tường tận, tôi rời Rạch Giá về Sài Gòn trên một chuyến xe khách tốc hành. Định bụng lên xe là “đánh” một giấc nhưng tiếc thay vớ phải chiếc vé nằm tầng 2, lại ở phía cuối xe nên cứ bị lay lắc như đánh võng. Suốt 6 tiếng đồng hồ trong cuộc hành trình không hề chợp mắt, tâm trí tôi cứ miên man suy nghĩ… 
Trước khi thực hiện cuộc hành trình tìm kiếm sự thật, một anh bạn rất thân đã gay gắt phê phán tôi rằng: “Bao nhiêu việc lớn sao không quan tâm vào cuộc, hà cớ gì mà phải mất thời giờ cho một việc nhỏ nhoi như thế!” 
Nhưng lương tâm chức nghiệp đã mách bảo tôi rằng: “Việc tuy nhỏ nhưng nếu không minh bạch ắt đủ khiến lòng người ly tán! Họa lớn âu cũng khởi nguồn từ những đốm lửa nhỏ! Bởi vậy, sự việc dẫu nhỏ hay lớn cũng đều cần tới sự quang minh!” Nói tới chuyện nhà thờ - Thờ Tự - tức là nói tới việc tâm linh. 
Phàm đã là việc tâm linh thì không thể nói không thành có hoặc nói có thành không được. Câu chuyện về “Nhà thờ Họ” của Thủ tướng đang được công luận loan truyền đã thực sự gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận, vì thế rất cần được kiểm chứng, phân minh. 
Tôi đã được trực tiếp chứng kiến sự thật! Và sự thật ấy đã khiến tôi phải ngỡ ngàng bởi nó hoàn toàn trái ngược với những thông tin được loan truyền trong đời sống dư luận suốt bấy lâu nay. Sự thật ấy đã nói lên điều gì và đã tác động ra sao trong đời sống xã hội? Không còn nghi ngờ gì nữa, xuất phát từ những thông tin xấu độc được bịa đặt, từ đồn đại đã được thêu dệt và thổi phồng tạo thành một “sự thật giả dối”! 
Trong mỗi chúng ta ai cũng đều nhận diện được chân lý nhưng không phải tất cả đều tỉnh táo. Cái “sự thật giả dối” ấy đã thực sự gây xúc động trong tâm lý xã hội, tạo sự hoài nghi trong công chúng, gieo giắc sự bất an trong đời sống… 
Hơn thế nữa, cái “sự thật giả dối” ấy đã bóp méo hình ảnh của người đứng đầu Chính phủ, gây nghi kỵ, phân hóa, chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và khiến lòng tin của nhân dân bị hao tổn. Nguy hiểm hơn nữa đó là, từ sự giảm sút niềm tin vào người lãnh đạo đất nước tới việc đánh mất niềm tin vào chế độ, ranh giới chỉ là “trong gang tấc”. 
Và càng trở nên nguy hiểm bởi trong khi đất nước đang cần trên dưới một lòng thì lại “mắc ngay vào bẫy” của các thế lực thù địch một cách vô cùng ấu trĩ… 
Tôi vừa đọc một bài báo mới đây của nhà báo lão thành Hữu Thọ. Ông viết rằng: “Chiến đấu cho thông tin sự thật và nhanh chóng công bố thông tin là cuộc chiến đấu sinh tử trong cuộc cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt hiện nay. Thông tin sai là thua mà thông tin chậm, cũng là thua!”. Và “…Không chỉ nói sự thật mà phải tới sự “chân thật” - tức là sự thật phải được phản ánh “đúng hiện thực khách quan” – chân thật tức là bản chất của sự thật! 
Ông kết luận: “Thông tin sai sự thật có nhiều loại, có số ít do bịa đặt, thêm bớt là sai phạm nặng nề nhất về mặt đạo đức của người làm báo… Có trường hợp thông tin “sai sự thật” do suy diễn chủ quan dẫn đến sự thật bị thổi phồng, bóp méo cũng không còn là sự thật như nó vốn có, gây hiểu lầm tai hại trong xã hội” (theo Tạp chí Tuyên Giáo số tháng 12/2012)… 
Trước lúc trở về TP.HCM tôi đã đến thắp nhang ở Nghĩa trang liệt sĩ Kiên Giang. Mộ các liệt sĩ hàng hàng, lớp lớp quần tụ uy nghi. Người quản trang đã đưa tôi đến thắp hương trên mộ phần của thân phụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 
Mộ của thân phụ Thủ tướng nằm đây, hết sức khiêm nhường hòa lẫn cùng hàng cùng lối với các liệt sĩ đang an giấc ngàn thu. 
Người quản trang kể với tôi rằng: Đã không ít lần lãnh đạo các khóa của tỉnh Kiên Giang có nguyện vọng muốn di dời mộ phần của Thân phụ Thủ tướng vào khu an táng các quan chức lãnh đạo được qui hoạch ở một khu riêng gần đó, trước hết là để tỏ lòng thành kính; sau nữa là được khang trang hơn. Song cứ mỗi lần nhắc đến, Thủ tướng đều nhất quyết một mực rằng: “Bố tôi sống, chiến đấu cùng đồng đội, nay hãy cứ để yên cho ông được an nghỉ bên đồng đội của ông!” 
Giây phút đứng đây - tại Nghĩa trang liệt sĩ này - tôi chợt nhớ tới lời hứa của Thủ tướng trên diễn đàn Quốc hội mới rồi: “… Chính phủ, Thủ tướng và từng thành viên sẽ nghiêm túc với mình, đoàn kết, hết lòng làm việc… tất cả vì Tổ quốc, Nhân dân, vì Đảng, chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước…”. 
Điều đó đã gieo vào tôi một niềm tin vững chãi, cũng như sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân rằng: Sứ mệnh của Thủ tướng không có gì cao cả hơn ngoài việc một lòng một dạ phụng sự dân tộc và dốc lòng dốc sức tận tụy vì sự bình an của xã tắc sơn hà - tức chế độ này!
Ngọc Niên 
TBT Báo Nhà báo và Công luận