(Người nổi tiếng)
- Ông rưng rưng nước mắt: “Các cậu ấy không được thấy ngày độc lập,
không được sống những ngày không có tiếng bom đạn. Nhiều người vẫn đã
ngã xuống vẫn nằm lại giữa núi rừng lạnh lẽo, chưa tìm thấy mộ phần.
Chưa tìm được các anh, tôi sao yên lòng mà nhắm mắt được”.
Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, từ biệt quê hương Tân Dương (Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), ông khoác ba lô lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại mặt trận 44 Quảng – Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay).
Hơn 15 năm cầm súng chinh chiến dọc một
dãi chiến trường miền trung, ông đã lập nên những kỳ tích huyền thoại
khi hạ một mình hơn 8 chiếc máy bay UH – 1 và hàng chục xe tăng, thiết
giáp của Mỹ ngụy.
Đất nước giải phóng, dù bận rộn với cuộc
sống mưu sinh nhọc nhằn, nhưng người cựu binh năm nào vẫn còn đau đáu
một nỗi lòng với những người đồng đội đang nằm lại nơi rừng xanh, núi
cao chưa tìm thấy hài cốt.
Từ năm 1990 đến nay, ông đã thực hiện
hàng trăm chuyến băng rừng, vượt suối về lại chiến trường xưa để tìm
kiếm, cất bốc mộ đồng đội.
Người cựu binh nặng lòng với quá vãng ấy
là ông Bùi Minh Kiểm (SN 1942, trú tại đường số 5, phường Hòa Hiệp Nam,
quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), một “địa chỉ đỏ” trong hành trình đi tìm
mộ liệt sĩ của thân nhân những người lính ngã xuống trên chiến trường
Quảng – Đà.
Huyền thoại tay không “quật ngã” trực thăng UH – 1 của Mỹ - ngụy
Ông Kiểm đang kể cho con cháu nghe về những trận đánh năm xưa. |
Sau nhiều lần tìm đến nhà, cuối cùng,
chúng tôi cũng gặp được ông vừa trở về sau chuyến đi tìm kiếm hài cốt
liệt sĩ ở khu vực rừng núi Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Căn nhà nhỏ nằm khuất sau con hẻm bỗng
trở nên vui nhộn hơn thường ngày bởi tiếng cười nói của những người
khách, cán bộ phường đến thăm.
Nhìn người đàn ông tuổi ngoài lục tuần,
thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, khỏe mạnh, ít ai biết được rằng ông
đã từng dùng đôi bàn tay ấy để ghì chặt một chiếc máy bay UH – 1 của Mỹ
xuống mặt đất.
Dẫn chúng tôi lên căn phòng chất đầy
những kỷ vật một thời lửa đạn như: bi đông nước, ba lô con cóc, dép cao
su…, ông kể: “Gia đình tôi có 4 anh em trai thì hết 3 người xung vào
quân đội, 4 chị em gái cũng lần lượt vào thanh niên xung phong làm nhiệm
vụ tiếp tế cho chiến trường lớn miền Nam.
Riêng tôi con út nên được ở nhà, miễn
nghĩa vụ quân sự. Nhưng đất nước đang chiến tranh, giặc giã, bạn bè cùng
trang lứa đã xếp bút nghiêng lên đường, mình ở nhà sao được?”.
Mặc cho gia đình can ngăn, ông vẫn viết
đơn nhập ngũ và xin vào chiến đấu ở mặt trận Quảng – Đà, một trong những
mặt trận ác liệt nhất lúc bấy giờ.
Sau gần nửa năm huấn luyện trong gian
khổ, ông được biên chế vào đơn vị 91 Đặc công (thuộc Quân khu V), thực
hiện các nhiệm vụ đánh “thọc” sâu bên trong lòng địch, bảo vệ các cứ
điểm quan trọng.
Với một người lính trẻ vừa kết thúc mấy
tháng quân trường, đó bước thử thách khắc nghiệt, khó khăn. Trải qua
những trận đánh ác liệt, có những lúc đối diện với cái chết trong gang
tấc đã hun đúc tinh thần người lính trẻ.
Sự ác liệt của chiến tranh, sự hy sinh mất mát của nhiều đồng đội, cũng không thể khiến ông khuất phục.
Trong đời binh nghiệp của mình, ông nhớ
nhất là trận đánh “không ngang sức” với kẻ thù, buộc ông phải gieo mình
xuống sông để tránh bị rơi vào tay kẻ thù. Nhắc lại chuyện xưa, trong
đôi mắt của người lính già ngấn lệ, hồi tưởng về một thời máu lửa đã
qua.
Ông kể, đó là vào khoảng 9 giờ một ngày
tháng 4/1968, khi đơn vị của ông gồm 4 người (thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn
140 – Bộ Quốc phòng) đang đào hầm trên bãi cát gần bờ sông Vu Gia
(thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam – PV) để bảo vệ một điểm trung
chuyển đạn dược phục vụ mặt trận Quảng – Đà.
Trong lúc 4 người đang đào công sự thì
địch sử dụng máy bay do thám phát hiện. Chỉ khoảng một giờ sau, hàng
chục chiếc trực thăng của địch bất ngờ đổ bộ xuống vị trí cách đơn vị
ông chưa đến 20 mét.
Trước khi đưa lính tới càn, bọn chúng đã
cho pháo tập kích, dập tả tơi quanh khu vực bán kinh 1km trở lại. Trận
pháo kích dữ dội đã làm 2 chiến sĩ của đơn vị trúng đạn, hy sinh.
Biết địch chắc chắn sẽ cho quân càn tới
để tiêu dịch cứ điểm quan trọng này nên ông và đồng đội Nguyễn Phú Thao
(ngụ TP.Hải Phòng) quyết một phen sống mãi với quân thù.
Ngoài hai khẩu AK, ba quả lựu đạn và một
số ít cơ số đạn còn lại, hai người phải chống chọi với một tiểu đoàn
trực thăng biệt động 37 của ngụy cùng hơn 150 lính biệt kích, có sự yểm
trợ của pháo binh địch.
“Lúc này, hai anh em chúng tôi chỉ liếc
mắt nhìn nhau rồi lặng lẽ tiến vào công sự, đạn đã lên nòng và lựu đạn
cũng sẵn sàng rút chốt. Không ai nói một lời, nín thở chờ tụi biệt kích
tiến vào tầm ngắn. Tụi nó sục sạo khắp nơi và khi đến gần phía bờ sông
thì chúng tôi nhả đạn” - ông Kiểm nhớ lại.
Gặp chốt chống cự, địch nhanh chóng tản
ra tạo thành thế gọng kìm để bao vây hai người vào giữa. Nhưng những
loạt đạn AK tạo ra vành đai lửa khiến địch không thể tiến lên.
Sau ba giờ cầm chân địch, ông bị thương ở
tay và đầu, máu chảy ra nhiều nhưng vẫn kiên trì cầm súng bắn ngăn địch
tiếp cận công sự. Giữa lúc cuộc giằng co đang diễn ra ác liệt thì địch
huy động trực thăng bắn róc két, pháo kích lần hai.
Người lính già Bùi Minh Kiểm (đứng bế cháu, thứ 3 từ phải sang trái) cùng thân nhân những người đi tìm hài cốt liệt sĩ. |
Quân Mỹ - ngụy tưởng rằng, chúng đang
đụng độ với một đơn vị bộ đội của ta nên tiếp tục cho quân đổ bộ và tăng
cường hỏa lực trấn áp.
“Quân địch sợ bị rơi vào điểm phục kích
nên không dám tiến lên mà chỉ dùng hỏa lực tấn công từ xa. Nhưng nguy
hiểm nhất là các trực thăng liên tục quần thảo trên đầu, súng máy và AK
không thể xuyên thủng lớp thép phía dưới bụng máy bay” ông Kiếm kể.
Giữa lúc “dầu sôi, lửa bỏng” ấy, đồng
đội của ông Kiểm, tức ông cùng Nguyễn Phú Thao đã đưa ra một cách đánh
táo bạo. Khi chiếc UH – 1 rà tới chuẩn bị hạ thấp để bắn róc két thì ông
Kiểm lao người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống.
Đôi bàn tay thép như chiếc nam châm hút
chiếc UH – 1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ, chưa kịp gạt
cần súng máy thì đã bị anh Thao từ bên dưới bắn thốc lên, thẳng vào
buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao xuống, nổ tan
xác.
Tiếng nổ của chiếc UH – 1 đầu tiên đã
khiến phía địch hoảng loạn, gọi cầu viện. Đến trưa cùng ngày, ông Kiểm
và đồng đội vẫn giữ vững cứ điểm, không để địch tiến về phía bờ sông.
Đợt pháo kích thứ ba của địch vừa dứt
thì ba chiếc trực thăng UH – 1 hạ cánh xuống khu vực chiếc trực thăng bị
rơi để tìm kiếm xác. Lợi dụng cơ hội này, hai người trườn tới vị trí
thuận lợi để bắn hạ ba con “chim sắt”.
Ông Kiểm hồi ức như mới vừa xảy ra đây
“Trong khi anh Thao lên đạn súng máy thì tôi chạy thắng tới đuôi chiếc
máy bay rút chốt lựu đạn quăng vào buồng lái.
Chiếc thứ nhất nổ tan tành khiến hai
chiếc kia hoảng sợ cất cánh bỏ chạy, nhưng đã bị lưới đạn của anh Thao
nhả xuống, hai chiếc còn lại cũng bị hạ nốt”.
Đến cuối giờ chiều, hai khẩu súng đã gần
hết đạn, không thể tiếp tục chống cự thêm. “Lúc đó hai tai tôi đã lãng
đi vì tiếng nổ, đầu nhức, mắt mờ. Anh Thao cũng bị thương chảy máu khá
nhiều. Hai chúng tôi hi vọng sẽ cầm cự đến được chiều tối, bọn địch sẽ
phải rút lui, hoặc phía quân ta sẽ bổ sung lực lượng cứu viện” - ông
Kiểm kể.
Khi phát hiện hỏa lực phía ta bị suy
giảm, địch bắt đầu cho quân tiến lên, quyết tâm bắt sống ổ kháng cự. Hai
người vừa chiến đấu vừa tìm cách bò ra mép sông để tìm cơ hội thoát
khỏi sự truy kích và đánh lạc hướng quân địch.
Nhưng cả hai chưa bò ra đến nơi thì ông
Thao trúng mảnh pháo xuyên qua đầu, hy sinh. Lúc đó, ông Kiểm nghĩ mình
cũng sẽ chết vì chỉ còn lại ba viên đạn trong băng. Ông cố lôi xác đồng
đội ra sông để cả hai cùng thả trôi theo dòng nước, không phải chết
trong tay quân Mỹ - ngụy.
Lê chút sức tàn ra tới sông, ông Kiểm
thả mình xuống dòng nước bất tỉnh. Trôi theo dòng nước gần 6 km, sóng
đánh ông tấp vào bờ. Tưởng chừng như đã nắm chắc cái chết, nhưng ông
Kiểm được người dân trong vùng vớt lên, cứu sống.
Kể đến đây, ông Kiểm quay sang nhìn tấm di ảnh của ông Thao treo trang trọng trong nhà và ông xúc động:
“Đến bây giờ, tôi cũng không nghĩ là
mình may mắn còn sống. Cả đơn vị tôi hôm ấy đã hy sinh gần hết, chỉ còn
lại tôi. Bà con đã nuôi dấu tôi hơn 2 tuần cho hồi phục rồi tìm đường
trở lại đơn vị chiến đấu”.
Sau trận ấy, ông được đơn vị tặng thưởng
Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đó xem như là phần thưởng cho lòng
dũng cảm, kiên trung của người lính trẻ năm nào. Trở về đơn vị, ông và
đồng đội lại bước vào những trận chiến gian khổ và khốc liệt hơn.
Năm 1970, ông chuyển về công tác, chiến
đấu và giữ chức vụ Chính trị viên Đại đội 11, Đoàn pháo binh 575. Cuối
năm 1971, ông được đơn vị giao nhiệm vụ trinh sát, đặt đài quan sát trên
đỉnh Bà Nà - Núi Chúa để theo dõi tình hình hoạt động của địch ở sân
bay Đà Nẵng.
Nhớ lại trận đánh mà ông tham gia cùng
các đơn vị ở Đoàn pháo binh 575 vào tháng 8/1972, ông không khỏi tự hào
rằng mình là một trong những người được góp một phần nhỏ công lao vào
chiến thắng giòn giã ấy.
Trước đó, công tác chuẩn bị cho trận
đánh “lịch sử” đã được lãnh đạo thống nhất phương án. Táo bạo và bất
ngờ, các trận địa pháo của Đoàn 575 đặt tại trận địa Hòa Bình (Hòa Vang,
TP.Đà Nẵng) và Điện Sơn (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) phát hỏa lúc 5 giờ
35 ngày 2/8, ngay trước mũi hành quân tìm diệt của địch (cách trận địa
Hòa Bình chỉ vài trăm mét).
80 viên hỏa tiễn “tìm” đúng mục tiêu,
phá hủy 57 máy bay, diệt 147 tên Mỹ hầu hết là sĩ quan, giặc lái, kho
xăng trong sân bay bốc cháy dữ dội 5 giờ liền, nhiều phương tiện chiến
tranh của địch bị phá hủy. Trận đánh để đời của Đoàn 575 đã làm giặc Mỹ
ngớ ra không kịp đối phó...
Lật giở tấm bản ghi thành tích chiến đấu
của đơn vị năm nào, ông cười tự hào, “Gần 10 năm (1966-1975), Đoàn pháo
binh 575 đã đánh hơn 500 trận, tiêu diệt 6.000 tên địch với hàng ngàn
sĩ quan, phá hủy 780 máy bay, 1.000 xe quân sự, 200 khẩu pháo các loại,
thiêu cháy 50 triệu lít xăng dầu và rất nhiều phương tiện chiến tranh
hiện đại của Mỹ.
Đơn vị được tặng 10 Huân chương Quân
công, hàng trăm Huân chương Chiến công, được tuyên dương đơn vị Anh hùng
lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 31/3/1973...”.
Trong thời gian 1964-1975, với những
thành tích xuất sắc đã đạt được, ông Kiểm được tặng thưởng 2 Huân chương
Chiến công, 4 danh hiệu Dũng sĩ (diệt Mỹ, diệt ngụy, diệt máy bay, diệt
xe cơ giới), 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 1 Huân chương Kháng
chiến và 31 bằng khen, giấy khen các loại...
Cuộc trò chuyện bỗng trầm xuống khi chúng tôi nhắc đến những chiến thắng, ông rưng rưng nước mắt:
“Các cậu ấy không được thấy ngày độc
lập, không được sống những ngày không có tiếng bom đạn. Nhiều người vẫn
đã ngã xuống vẫn nằm lại giữa núi rừng lạnh lẽo, chưa tìm thấy mộ phần.
Chưa tìm được các anh, tôi sao yên lòng mà nhắm mắt được”.