UBND Hà Nội cho biết, 3 đoàn kiểm tra có đại diện của Bộ Nội vụ đã xuống một số quận huyện và đến ngày 4/1 chưa phát hiện thấy việc dùng tiền để "chạy" vào công chức, viên chức.
> Nghi 'chạy' công chức, trưởng phòng giáo dục bị giáng cấp/ Bộ Nội vụ lập tổ công tác truy 'chạy' công chức 100 triệu
Sau gần một tháng kể từ khi có chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chỉ thị của Bộ Nội vụ, ngày 11/1, UBND Hà Nội đã báo cáo về việc chạy biên chế 100 triệu đồng. Theo UBND thành phố, Sở Nội vụ đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác tuyển dụng, có đại diện Bộ Nội vụ tham gia, kiểm tra tại quận Hà Đông và hai huyện Thanh Trì, Ứng Hòa.
Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào chạy biên chế bằng tiền. |
Kết quả, đoàn kiểm tra tại UBND quận Hà Đông cho biết các thí sinh đều được tạo điều kiện theo quy định và không thấy có hiện tượng tiêu cực. Đoàn kiểm tra tại UBND huyện Thanh Trì đã phát hiện một trường hợp sai sót trong tổng hợp điểm xét tuyển của thí sinh dự thi khối mầm non.
Đoàn kiểm tra tại huyện Ứng Hòa ghi nhận việc chủ động tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời các cán bộ vi phạm trong quá trình tuyển dụng của huyện (ngày 3/10/2012 đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra - trước khi có ý kiến phát biểu của Trưởng ban Kiểm tra thành ủy Trần Trọng Dực tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội).
"Trên cơ sở báo cáo kết quả tự kiểm tra của các quận, huyện, thị xã và kết quả do đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ tiến hành tại 3 quận, huyện cho thấy công tác tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã năm 2012 đã bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Tính đến ngày 4/1, chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để chạy vào công chức, viên chức, kể cả các trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa", báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành giảng bài (thi vấn đáp). Có cán bộ thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ (như tại huyện Ứng Hòa). Vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng bằng THPT giả để đi học chuyên nghiệp hoặc dùng bằng chuyên nghiệp giả để tham gia tuyển dụng (như tại Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây...).
Đoàn kiểm tra phát hiện bà Nguyễn Thị Thu Hằng (xã Dương Hà, huyện Gia Lâm mạo danh cán bộ của ngành nội vụ Hà Nội) lừa đảo hứa "chạy" vào làm giáo viên tại các trường phổ thông ở Hà Nội và chiếm đoạt 280 triệu đồng của 3 thí sinh. Công an Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử.
Về việc xử lý cán bộ vi phạm, lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định sẽ thực hiện nghiêm minh theo quy định của pháp luật, theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ và việc xử lý cán bộ đều có Hội đồng kỷ luật.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND Hà Nội vào đầu tháng 12/2012, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực đã "mách với lãnh đạo quận huyện" rằng, Trưởng phòng Nội vụ quận huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền "chạy" của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng.
Nguyễn Hưng