THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 January 2013

Giao dịch vàng không đúng điểm cấp phép sẽ bị phạt nặng



(Dân trí) - Từ 10/1, 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ chính thức “phủ sóng” gần 2.500 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước. Và cũng từ thời gian này, giao dịch vàng miếng không đúng điểm cấp phép sẽ bị phạt.

Giao dịch vàng đúng nơi được cấp phép lợi cả đôi đường.
Giao dịch vàng đúng nơi được cấp phép "lợi cả đôi đường".

Sẵn sàng cho giờ “G”
Chiều 9/1, dạo qua một số cửa hàng vàng nhỏ lẻ tại Hà Nội, đa số các chủ cửa hàng này đều cho biết, họ đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng dừng kinh doanh vàng miếng.
Nhân viên cửa hàng Vàng Hoàng Tín trên phố Nguyễn Thái Học cho biết: Thời gian gần, khách hàng đến mua vàng tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ không nhiều, nhất là khi thông tin vàng nhái, vàng giả xuất hiện. Thế nên, chưa đến ngày 10/1 theo như quy định, chúng tôi vẫn cố gắng bán hết số vàng SJC đã thu mua trước đây.
Tại cửa hàng vàng Phú Sinh (Cầu Giấy- Hà Nội), dù báo giá vàng miếng SJC vẫn xuất hiện trên bảng điện tử nhưng chủ cửa hàng này cho biết, hơn 3 tháng nay, số lượng giao dịch vàng miếng tại cửa hàng gần như không có. Hiện, cửa hàng vàng chủ yếu kinh doanh nhẫn tròn kiêm thêm một số việc phụ như cầm đồ, gia công trang sức…
Chủ một cửa hàng vàng trên phố Giảng Võ (xin giấu tên) chia sẻ: “Không phải chờ đến ngày 10/1, thời gian qua chúng tôi đã tìm hướng để chuyển đổi kinh doanh. Đó là mua bán vàng nhẫn thương hiệu SJC, vàng trang sức phục vụ nhu cầu cưới xin và cất trữ của người dân. Chúng tôi sẽ đánh vào tâm lý cất trữ tài sản của người dân để kinh doanh. Bởi hiện tại, nhiều khách hàng quen biết của cửa hàng thường xuyên đến mua 1 vài chỉ vàng với lý do để dành”.
Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện đã có 38 đơn vị đủ điều kiện (22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp) được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng, nâng tổng số điểm giao dịch mua bán vàng miếng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lên 2.497 điểm. Và để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân khi mua bán vàng miếng, các địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trường Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết: Với sự nỗ lực của NHNN và các đơn vị, mà trực tiếp là hai ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi tỉnh đã có ít nhất 2 điểm kinh doanh vàng miếng được cấp phép, tập trung ở thành phố, thị xã, còn huyện thì chưa thể có. Sau này, khi có nhu cầu thực tế phát sinh, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo để mở rộng mạng lưới.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, mua - bán vàng tại 38 đơn vị được NHNN cấp phép sẽ an toàn cho người mua. Bởi từ ngày 10/1, mua - bán vàng miếng được xem như mua - bán ngoại tệ. Giao dịch vàng miếng tại những cửa hàng vàng không được cấp phép, nếu cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử phạt cả tiệm vàng lẫn người mua, bán với mức phạt rất cao.
Hiện NHNN đã cung cấp danh sách các điểm được phép mua bán vàng miếng để đoàn kiểm tra liên ngành (NHNN, công an, quản lý thị trường) kiểm tra.
Kinh doanh vàng: Ngân hàng chưa xác định lỗ - lãi
Như vậy, có thể thấy rằng, nhằm thực hiện lộ trình chấm dứt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, NHNN đã chuẩn bị khá kín kẽ về mạng lưới kinh doanh vàng miếng, giúp người dân tiếp cận đúng địa chỉ mua - bán hợp pháp.
Bà Nguyễn Hương Loan, Tổng Giám đốc Ngân hàng Định chế Tài chính Maritime Bank, ngân hàng sẽ triển khai mua bán và giữ hộ vàng tại 116 điểm giao dịch trên toàn quốc. “Chúng tôi đã trang bị máy móc kiểm định, đo lường, có cán bộ kiểm định vàng, chỉ thực hiện giao dịch spot, không giao dịch phái sinh vàng…”, bà Loan nói.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TienPhong Bank cho biết, kinh doanh vàng là một trong bốn hướng phát triển mũi nhọn nằm trong chiến lược tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng của TienPhong Bank. Tuy nhiên, kinh doanh vàng không dễ, giá vàng không tuân theo quy luật cung cầu thông thường mà chịu tác động của nhiều yếu tố như giá cả quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô, tâm lý người dân, tỷ giá của nhiều đồng tiền, tình hình khai thác, chi phí sản xuất vàng…
“Nhưng tận dụng lợi thế là kinh nghiệm kinh doanh vàng lâu năm của cổ đông lớn DOJI, TienPhong Bank kỳ vọng kinh doanh vàng sẽ đạt tỷ trọng từ 5% - 10% lợi nhuận trong năm 2013. Dự kiến, hoạt động này sẽ mang lại lợi nhuận cao trong tương lai vì không mất nhiều chi phí.
Đến thời điểm này, đã có 22 ngân hàng được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng, nhưng khá nhiều ngân hàng khi được phóng viên hỏi lại có vẻ rụt rè, “ngại” trò chuyện vấn đề này. Tổng giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội “xin khất để sau hãy nói”.
Còn đại diện một ngân hàng vừa được cấp phép (xin được giấu tên) cho hay: “Chúng tôi kinh doanh vàng chỉ để ủng hộ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, chứ không xác định lấy việc này làm lỗ - lãi”.
Vị này chia sẻ thêm: “Ngoại trừ những ngân hàng trước đây đã kinh doanh vàng, thời điểm này rất khó để huy động ngân hàng quốc doanh tham gia. Bởi các ngân hàng quốc doanh có quá nhiều khách hàng, quá nhiều mục tiêu, kinh doanh vàng chưa phải là đích họ hướng tới trong thời gian này”.
Đóng vai một người đi mua vàng, nhân viên phòng giao dịch một ngân hàng được cấp phép cho hay: “Chúng em chưa thấy chủ trương từ trên chỉ đạo xuống”.
Nhận định về thị trường sau ngày 10/1, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trường Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho rằng, thị trường vàng mấy tháng trở lại đây giao dịch khá trầm lắng, nên cũng khó nói sau ngày 10/1 sẽ có giao dịch đột biến. Ông cho rằng, về phía người dân, khi bỏ ra một số tiền lớn để mua vàng miếng, họ cũng sẽ không đến các điểm không được cấp phép để mua bán nên việc lách, hay vi phạm của người dân và doanh nghiệp cũng sẽ ít xảy ra.
Nguyễn Hiền