THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 December 2012

Trung Cộng “diệt gọn” những rừng cây mua ở Điện Biên?

Anh láng giềng to con xấu tính Trung Cộng vốn lưu manh, lươn lẹo trong khi người dân Việt và các sắc tộc thiểu số ở các vùng biên giới hẻo lánh thì quá sức thực thà và cả tin.
 
 Trước đây khi bắt đầu xây dựng hãng chế tạo xe máy cày Yuangyang ở Vân Nam, tài phiệt Trung Cộng đã cho mối lái lần mò xuống các tỉnh biên giới Viêt Nam gạ mua chân trâu mang về …làm thuốc. Mỗi chân trâu đo từ móng lên cao 1 tấc, con buôn Ba Tàu chịu mua với giá tương đương với giá nửa con; 4 chân cộng lại giá bằng 2 con trâu, dại gì mà không bán! 

Đó là giai đoạn “tận thế” của trâu cày. 

Bao nhiêu trâu bị giết sạch, cưa chân bán cho Tàu, còn thịt thì xẻ ra bán rẻ cho xóm giềng. Trâu địa phương không đủ cung cấp, con buôn lùng xuống vùng châu thổ, vào tận miền Trung mua về. Người Việt rộn rịp ăn mừng, vừa có tiền rủng rỉnh vừa có thịt ăn thừa thãi sau bao nhiêu năm thiếu thốn. Hạnh phúc đến thế là cùng. 

Nhưng, phúc bất trùng lai! Mùa xuân hai năm sau, khi hàng chục ngàn chiếc máy cày Yuangyang đầu tiên ra đời, con buôn Ba Tàu chợt biến mất trong khi con buôn người Việt hãy còn ôm trong tay hàng ngàn cái chân trâu bỏ vốn mua về chưa kịp bán ra. Và mùa vỡ đất đã tới. Cả miền Bắc hầu như không còn một trâu nào, trong khi trâu mua từ miền Nam chở ra giá đã lên quá cao và hầu hết là trâu non, chưa được tập kéo cày.

Thế là, nông gia ở các tỉnh biên giới phía Bắc phải bóp bụng, vay nợ hay ngay cả bán bớt đất, bán nhà lấy tiền mua máy cày Trung quốc về cày thay trâu, với giá mua đắt gần bằng máy Kubota, Yamaha, Johndeer nhập cảng vì số cầu quá lớn, máy Nhật và Âu Mỹ không mang về kịp để bán mà máy Tàu thì sẵn ngay đó, giá lại rẻ hơn một chút!

Bài học chân trâu lại tái diễn, lần này Ba Tàu bỏ tiền ra mua rễ cây. Chủ điểm là vùng núi gần tam biên Việt-Miên-Lào nay thuộc tỉnh Điện Biên.

Trong thời gian ba tháng gần đây, hàng ngàn người dân ở Tuần Giáo, Bản Som, Minh Thắng, Coòng Khà, Tà Kho Khử,.. đã đổ xô lên rừng đào rễ cây mua, tiếng Thái là cò té.

Trung bình mỗi ngày họ đào được khoảng 100 tới 120 tấn rễ tươi bán cho lái buôn chở đi, nói là mang sang Trung Quốc “làm thuốc”. Trên quốc lộ 6, dọc hai bên đường, rễ cây phơi dày đặc. 

Đây là một chi tiết rất lạ. Cây mua có nhiều loại, có dược tính, nhưng dược tính ở lá, không ở rể.

Mua bà (hay mua mái, dã mẫu đơn) melastoma candidum D. Don thuộc họ Melasstomaceae, hoa tím, lá mặt trên có lông cứng, mặt dưới lông mềm, vị chua ngọt chát, trung tính dùng sinh nhiệt, giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết, tán ứ, giảm đau, cầm máu, chống viêm ruột, viêm gan, chữa tắc mạch máu, chống ung thư.

Mua núi (mua thấp, mua lùn, mua nước) Melastoma dodencandrum Lour, cây nhỏ mọc bò, thân xanh hay đỏ tím, hoa màu hồng ở ngọn thân, lá nhẵn 2 mặt, chữa mụn nhọt, ứ huyết, tê thấp, gãy xương, sai khớp, ung thư tử cung, thực quản, dạ dày.

Mua ông (mua đỏ, cẩm cang) Melastoma sanguineum Sims, cây cao 2m trở lên, cành có lông đỏ, lá có lông dày, mặt dưới màu đỏ máu, hoa to mọc thành chùm 3-5 hoa, màu hồng thắm. Lá dùng cầm máu, sưng tấy, tê thấp, sưng đau cơ, khớp.

Mua leo (mua giây) Medinilla spirei Guill, giây leo 10m trở lên, cụm hoa hình chùy thõng xuống, hoa màu hồng đỏ hoặc nâu đỏ, lá chữa sưng tấy tụ máu, đau cột sống.

Tất cả dược tính đều ở lá, dùng tươi hay khô, nhai ra mà đắp hay nấu theo đơn, làm thành hoàn, thành cao. Sách Đông y cả Tàu lẫn Việt đều ghi rõ như thế. Chỉ dùng lá. 

Điều hiển nhiên và quan trọng hơn cả, tất cả các loại mua kể trên đều mọc thành rừng, dày đặc ở tỉnh Vân Nam bên Tàu!

Việc đào xới liên tục và đại qui mô như vậy hiển nhiên gây thiệt hại trực tiếp cho môi trường sinh thái. Cây mua tuy nhỏ nhưng mọc dày đặc có khả năng làm nước mưa chảy chậm lại và thấm bớt vào lòng đất thay vì tập trung tất cả biến thành lũ lụt.

Trong thời chiến, do ảnh hưởng của thuốc khai quang, rừng mua ở Điện Biên đã xơ xác trong nhiều thập niên, không đủ khả năng chống lũ. Trận lũ kinh hoàng năm 1990 sau đó đã xoá sạch 30% làng mạc trong vùng.

Với sự phá hoại của con người, giống mua ở Điện Biên có nguy cơ bị tiêu diệt từ 90 tới 95%; khi gặp một trận mưa kéo dài chừng 15 ngày, toàn bộ vùng trũng của cả tỉnh sẽ chìm trong biển nước.

Đó là về môi sinh, còn về mặt quân sự, thế núi và rừng mua ở hai bên quốc lộ số 6 là một tuyến phục kích lý tưởng có thể dùng để chặn đánh cả 1 sư đoàn binh lính di chuyển ngang qua đó bằng xe.

Tỉnh Điện Biên rộng 955 cây số vuông, tây giáp tỉnh Phongsali (Lào) và Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Cộng). Trong lịch sử, khi tấn công Việt Nam, giặc Hán, Mông và Mãn đã 16 lần tiến quân qua đường này, tập trung tại Chung chải – A pa chải rồi theo đường A pa chải tiến về uy hiếp mặt Tây của vùng châu thổ sông Hồng. 

Ở Điện Biên, Trung Cộng có yếu tố “nhân hoà”. Khoảng 40% dân Điện Biên là người Thái, 30% là người H’mong, 10% các các sắc dân Dao, Giáy, Tày, Hà Nhì, Lào, Cống, Si La, chỉ có 20% là người Việt.

Điện Biên từng là khu tự trị từ 1955 tới 1962. Những người già cả ở đó còn ôm mộng và dạy bảo con cháu phải giành lại cho được quyền tự trị. Trung Cộng hiểu rõ hoài bão của dân địa phương nên trước khi tiến quân, họ đã cho cán bộ tuyên truyền rằng Hồng quân Trung quốc tiến xuống là để giúp dân chúng Điện Biên lấy lại quyền tự trị. Đó là lý do tại sao năm 1979 trong các mũi tấn công Việt Nam, Trung Cộng không tiến vào Điện Biên mà thản nhiên dựa lưng vào Điện Biên để hướng về Hà Nội.

Sau trận chiến biên giới phía Bắc, Hà Nội đã kịp ý thức được điều đó, một mặt tổ chức ve vuốt về chính trị, một mặt huy động một sư đoàn chính qui đóng rải rác bao vòng từ quốc lộ số 6, 279, 32 tới 37, đồng thời huấn luyện dân quân Điện Biên cách phục kích xe, tập trận từ đồi núi cao đánh xuống.

Phải chăng đó một trong những lý do khiến Trung Cộng phải dùng tiền rừng bạc bể, khai thác hoàn cảnh nghèo khổ, túng thiếu của dân địa phương, phối hợp cùng lòng tham và sự ngu xuẩn của con buôn đầu nậu để “diệt gọn” những rừng mua ở Điện Biên?

(nhn)