Những ngày cuối năm, VnExpress.net liên tục nhận được phản ánh của người lao động về tình trạng nợ lương kéo dài. Có nơi còn nợ cả tiền bảo hiểm xã hội nên nhân viên xin nghỉ cũng không thể giải quyết.
Nhân viên Công ty TNHH Sửa chữa Tàu biển Vinalines
(Vinalines Shipyard, Vũng Tàu) cho biết bị công ty nợ lương suốt từ
tháng 4/2011 đến nay. Đây là một công ty con của Tổng công ty Hàng hải
Việt Nam - Vinalines.
Theo một nhân viên, Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng công ty vẫn chưa
có bất cứ một kế hoạch nào thanh toán số tiền trên. Trong khi đó, một số
lao động muốn chuyển công tác nhưng không giải quyết được. Lý do là
suốt 20 tháng qua, Vinalines Shipyard vẫn nợ tiền bảo hiểm xã hội nên
không thể chốt số.
Ông Vũ Quốc Long – Phó tổng giám đốc Vinalines Shipyard thừa nhận hiện
công ty không có nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án cũng như
chi trả cho người lao động. “Do đó, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi quyết
định từ phía tổng công ty. Trong khi đó, việc huy động vốn để tiếp tục
thực hiện dự án dường như là không thể”, ông Long chia sẻ.
Là lãnh đạo doanh nghiệp, biết người lao động đang gặp khó nhưng ông
Long thừa nhận lực bất tòng tâm. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đối
với tổng công ty, các lãnh đạo cũng cho biết vẫn phải chờ quyết định của
Hội đồng thành viên và các phòng ban”, lãnh đạo Vinalines Shipyard cho
hay. Bên cạnh đó, nhân sự cao cấp trong công ty cũng liên tục thay đổi
khiến việc điều hành doanh nghiệp không trôi chảy.
Theo ông Long, lao động đang làm việc tại công ty còn 35 người nhưng hầu
như không có việc. Bên cạnh đó, nhiều lao động đã xin nghỉ cũng vẫn
chưa được thanh toán hết lương và bảo hiểm.
Một nhân viên từng làm việc 3 năm tại Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ
Gỗ Trường Thành vừa xin nghỉ chia sẻ, từ tháng 9 đến nay, công ty chỉ
tạm ứng chứ không thanh toán toàn bộ lương cho anh em nhân viên. Trong
đó, những người thuộc cấp nhân viên bị giữ lại 20% lương, đội ngũ quản
lý bị giữ tới 40% lương.
Nhiều người không chịu đựng nổi đã tự động nghỉ việc. Nhân viên này cũng
bức xúc dù đã kiến nghị nhiều lần, song lãnh đạo vẫn không giải quyết
dứt điểm chuyện nợ lương cũng như giữ sổ bảo hiểm để nhân viên khó có
thể nghỉ việc.
Cũng trong tâm trạng như trên, một nhân viên khác từng làm việc cho Gỗ
Trường Thành 5 năm cũng khẳng định tình trạng bị công ty giữ lương. Bên
cạnh đó, anh này cho hay từ dầu năm công ty không đóng bảo hiểm cho nhân
viên, nhưng vẫn trích 8,5% lương.
“Cách đây một tháng, tôi đã xin nghỉ việc, tuy nhiên sổ
bảo hiểm công ty lại khất đến tháng 4/2013 do nợ tiền bảo hiểm xã hội”,
nhân viên này cho hay.
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Gỗ Trường Thành lại cho
biết, cán bộ lãnh đạo đã tình nguyện cho công ty mượn 40% lương, nhân
viên văn phòng là 20% hằ̀ng tháng, còn lực lượng công nhân vẫn được nhận
đủ lương. Số tiền này, công ty sẽ thanh toán vào cuối năm.
Tuy nhiên, nhân viên Gỗ Trường Thành cho hay: "Lãnh đạo có nói là thỏa
thuận nhưng lương của chúng tôi bị giữ lại từ trước khi tiền đổ vào tài
khoản, chúng tôi đâu có quyền từ chối”.
Chị Lý, nhân viên phòng kế hoạch của một công ty xây dựng nhà nước có
trụ sở chính tại Hà Nội cho biết, từ tháng 5 tới nay, công ty chỉ thanh
toán 80% lương cho cán bộ nhân viên với lý do chờ quyết toán công trình
cuối năm. Tuy nhiên, khi đề cập đến chuyện phản ánh với lãnh đạo, chị Lý
chỉ cười và bày tỏ niềm thông cảm.
“Chúng tôi cũng có kiến nghị với sếp nhưng chưa được
giải quyết. Hơn nữa nhìn sang các đơn vị khác thấy có nơi còn chưa được
như mình”, chị Lý nói.
Theo báo cáo ngày 25/12 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội,
hiện còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nợ lương lao động từ 3 đến 6
tháng. Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động Tiền lương, Sở Lao động
Thương binh Xã hội cho biết tình trạng nợ lương của doanh nghiệp hiện
rất khó thống kê.
"Chỉ khi người lao động có phản ánh, chúng tôi mới
biết. Doanh nghiệp hầu như không báo cáo. Tuy nhiên, tình hình nợ lương
năm nay gia tăng hơn so với những năm trước", ông Thanh cho hay.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, tính đến cuối
quý III có 500 đến 600 doanh nghiệp trong tình trạng chủ bỏ trốn, nợ
lương, nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của người lao động.
Hồi tháng 10, Bảo hiểm xã hội TP HCM
cho biết đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện 200 doanh nghiệp còn nợ bảo
hiểm 120 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này có thời gian nợ ít nhất 6 tháng,
với số tiền từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.
Theo quy định hiện hành, mức xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là 30 triệu đồng. Đối với
hành vi chậm đóng thì chỉ bị phạt tiền bằng 0,05% mức đóng theo quy
định cho mỗi ngày chậm đóng, nhưng tối đa không quá 30 ngày. Tuy nhiên,
một lãnh đạo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, mức xử phạt này còn
nhẹ, trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng cao hơn nên nhiều doanh
nghiệp lợi dụng tiền bảo hiểm để làm vốn.
Liên quan đến xử phạt hành chính trong
việc nợ lương, Điều 59, Bộ Luật Lao động quy định, trường hợp doanh
nghiệp trả lương chậm thì không được chậm quá một tháng và phải đền bù
cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết
kiệm tại thời điểm trả lương. Ngoài ra, Nghị định 47/2010/NĐ-CP quy định
hành vi không trả lương đầy đủ, đúng thời hạn; trả chậm lương nhưng
không đền bù chỉ bị phạt tiền từ 2 đến 10 triệu đồng.
|
Ngọc Tuyên - Tường Vi