Sau những đợt sửa chữa tốn tiền tỷ, mặt cầu Thăng
Long vẫn tiếp tục “lở loét” khắp nơi. Vì vậy, Tổng Cục Đường bộ Việt
Nam lại vừa quyết định chi tiếp 5 tỷ đồng để “trang điểm” sửa chữa lại
mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) nhằm cứu vãn “nhan sắc” cây cầu, cũng như
thanh danh của các cơ quan liên quan đến việc này với dư luận.
Theo đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2, kinh phí tạm tính 5 tỷ
đồng, nguồn vốn sửa chữa đường bộ, chọn nhà thầu theo quy định hiện
hành, thời gian thực hiện trong năm 2013.
Đây không phải lần đầu tiên cầu Thăng Long được phê duyệt các dự án
sửa chữa, “sửa sai” cho các nhà quản lí. Hồi tháng 10/2009, Bộ Giao
thông vận tải đã từng đầu tư hơn 90 tỷ đồng để tu sửa ( thay toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ, làm mới lớp phủ mặt cầu rộng 16,5 m, dài gần 1,7km).
Tuy nhiên, ngay sau khi sửa xong mặt cầu vẫn tiếp tục lún, nứt khiến cho các bộ ban ngành liên quan đang kiểm điểm
lẫn nhau, cuối cùng vẫn chỉ có một kết luận quen thuộc: “chưa tìm ra
giải pháp sửa chữa hữu hiệu”. Thậm chí thiếu sót đó còn được quy chụp
thành “bài học sâu sắc” cho bộ GTVT (do không lường trước được rủi ro
khi áp dụng công nghệ mới).
Trong khi đó, Bộ Tài Chính lại đưa ra đề xuất tăng phí
150% tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài khiến dư luận phản đối mạnh
mẽ. Có vẻ việc tăng phí chỗ nọ để bù lại chỗ kia đang được các Bộ ban
ngành tận dụng triệt để, giải pháp này cũng đang được EVN tận dụng khi
tăng giá điện vào cuối năm.
Khi Bộ GTVT vẫn chỉ suy nghĩ với tư duy sửa chữa đắp điếm cho “mặt
tiền” đẹp đẽ, còn nguyên nhân sâu xa thì không muốn khắc phục hoặc không
thể khắc phục thì hãy dũng cảm nói ra để dư luận biết mà cảm thông
không soi xét nữa, chứ cứ bắt “con rồng” oằn mình thay hết “lớp da này
đến lớp da kia” mà “bệnh lở loét” bên trong không chữa trị dứt thì chỉ
phí tiền đóng thuế của dân.