Hòa Ái, phóng viên RFA
2012-11-15
VN vừa ban hành Nghị định 71-CP, cho biết sẽ xử phạt đối với người sử dụng phương tiện giao thông không đúng tên trong giấy tờ đăng ký xe kể từ ngày 10/11/12, nghị định này có khả thi và người dân có đồng thuận?
Dân chúng bất bình
Nghị định 71 Chính phủ được ban hành vào giữa tháng 10/2012 nhưng đến ngày đầu tiên áp dụng vào hôm 10/11/2012 thì người dân mới được biết qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Cả xe gắn máy và ô tô đều bị chế tài theo nghị định này. Nghi định 71 quy định chủ phương tiện phải là người trực tiếp lái xe và không được sử dụng xe do người khác đứng tên kể cả người thân trong gia đình như vợ chồng, con cái. Mức phạt đối với xe gắn máy là một triệu đồng và đối với ô tô tối đa là 10 triệu đồng.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho báo chí biết mục đích của quy định mới nhằm thúc đẩy việc khai báo chủ quyền xe để công tác quản lý được hiệu quả hơn và tránh thất thu thuế cho nhà nước cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông. Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng cho biết thêm rằng trong trường hợp mượn xe thì cần phải có những giấy tờ chứng minh như giấy ủy quyền của chủ phương tiện, sổ hộ khẩu, giấy CMND hoặc giấy khai sinh…
Chẳng hạn như trong gia đình có 1 chiếc xe mà hai ba người đi chung mà mỗi lần ra đường phải xách nhiều giấy tờ để làm bằng chứng này nọ thì rất phiền phức.Một người dân
Tuy nhiên, có thể nói Nghị định 71 vừa được thông báo đã tạo nên một làn sóng bất bình trong dân chúng. Cả trên các mặt báo lề phải cùng những trang mạng xã hội là những thắc mắc, lo lắng, hoang mang vì chỉ đơn giản dắt chiếc xe gắn máy ra khõi nhà là có thể bị phạt bất cứ lúc nào và mức phạt 1 triệu đồng là một mức phạt quá cao đối với mức sống của người dân hiện nay. Đại đa số người dân cho rằng việc thực thi Nghị định 71 xử phạt ngưởi sử dụng xe không chính chủ là vô lý cả về luật pháp và thực tiễn. Một người dân ở Cần Thơ bức xúc phản ảnh với đài RFA ngay sau khi biết thông tin về Nghị định 71 vào tối hôm 9/11:
“Nói chung tôi thấy nghị định này tôi thấy vẫn chưa hợp lý, phù hợp lắm với điều kiện ở Việt Nam. Bởi vì hiện nay, xe máy là phương tiện phổ biến và người dân sử dụng thường xuyên giống như xe đạp, người này mượn người kia hay trong gia đình chỉ có 1hoặc 2 chiếc xe… Chuyện bắt đúng tên chủ quyền chiếc xe thì rất là khó. Chẳng hạn như trong gia đình có 1 chiếc xe mà hai ba người đi chung mà mỗi lần ra đường phải xách nhiều giấy tờ để làm bằng chứng này nọ thì rất phiền phức. Vì vậy mà không hợp lý. Đi ra đường bị phạt thì gây ra cho người dân rất khó khăn. Nói chung là gây thêm phiền hà cho người dân.”
Không chỉ người dân phản ảnh quy định vừa ban hành là không nghiên cứu thực tế, không có tầm nhìn sâu mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề nghị cơ quan ban hành chính sách phải có sự điều chỉnh. Điển hình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo đề xuất Chính phủ lùi thi hành Nghị định 71 từ 6 tháng đến 1 năm để những người sử dụng xe gắn máy và ô tô có thời gian chuyển đổi giấy tờ sở hữu. Ông Đinh Xuân Thảo đồng thời cũng cảnh báo quy định này có thể làm gia tăng đột biến số lượng phương tiện giao thông trong khi tình trạng ùn tắc, kẹt xe đang là vấn nạn.
Không khả thi?
Người dân cho biết trước đây không muốn làm thủ tục đăng ký sở hữu xe là vì lệ phí quá cao và thủ tục rườm ra, nhiêu khê. Với những quy định mới thì liệu rằng người dân sẽ tích cực tham gia khi tâm lý ai cũng muốn làm chủ sở hữu chiếc xe một cách hợp pháp? Một người dân ở TP. HCM cho biết:
“Nhưng mà giá trị xe như trường hợp xe cũ rồi, ngoài thị trường chiếc xe mua có mấy triệu nhưng trong khung giá quy định thì vẫn ở khung giá cao. Nếu tính 1% theo giá khung quy định thì có lẽ người dân sẽ không đồng ý cách tính giá trị xe đâu.”
Đây là một bài học kinh nghiệm khi ban hành văn bản đụng đến dân sinh thì nên lấy ý kiến để tránh những trường hợp như thế này.LS Nguyễn Văn Hậu
Khi một chiếc xe gắn máy là phương tiện đi lại phổ thông của gần 88 triệu dân phải gánh chịu 9 loại thuế, thì nay với quy định mới, dường như người dân vẫn không sẵn sàng hợp tác với Chính phủ. Những người dân mà đài RFA tiếp xúc cho rằng khi có thêm một quy định trong luật giao thông thì vô tình tạo thêm cơ hội cho những cảnh sát giao thông gây phiền toái cho dân chúng, tạo thêm điều kiện để họ vòi vĩnh tiền. Và thậm chí có người dân còn cho rằng việc đưa ra thi hành Nghị định 71 lúc này sẽ được hiểu là lấy tiền của dân để lấp đi một phần sự thất thoát do tham nhũng và lãng phí.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho đài RFA biết nguyên nhân sâu xa vì sao người dân không đón nhận và không có niềm tin vào Nghị định 71vừa ban hành:
“Có lẽ trong lúc trình nghị định này thì trong ngành giao thông và các bộ không thể lường hết được. Cho nên đây là một bài học kinh nghiệm khi ban hành văn bản đụng đến dân sinh thì nên lấy ý kiến để tránh những trường hợp như thế này. Theo tôi để tránh những tình trạng như thế này thì trước khi ban một văn bản quy phạm pháp luật như nghị định này thì tốt nhất nên lấy ý kiến của phản biện của các ngành như những tổ chức dân sự, xã hội xem như thế nào rồi sau đó khi ban hành nghị định phải kèm theo thông tư hướng dẫn nếu không thì sẽ rất bất cập”.
Người dân trông đợi một Nghị định 71 hay bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật về quy định chính sách nào được ban hành đều có lợi cho quốc gia thì phải phù hợp với đời sống thực tiễn của người dân cũng như phải thấu hiểu nỗi lòng của họ.