Tập đoàn điện lực Việt Nam đang còn khoản nợ quá hạn 10.149 tỉ đồng - Ảnh: Ngọc Thắng |
|
Tại kỳ họp này, một số ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Tài chính về số nợ của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT). Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Tài chính cho biết tính đến 31.12.2011, tổng số nợ phải trả của các TĐ, TCT nhà nước là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, có đến 30 TĐ, TCT tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, có 8 doanh nghiệp (DN) có tỷ lệ trên 10 lần, 10 DN từ 5 - 10 lần, 12 TĐ, TCT từ 3 - 5 lần. Về tổng tài sản trên tổng nợ phải trả, theo báo cáo hợp nhất bình quân năm 2011 là 1,62 lần.
Thông tin cụ thể về các khoản nợ của từng TĐ, TCT, Bộ trưởng Tài chính cho biết TĐ điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỉ đồng (Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện khoanh nợ khoản tiền mua điện của Petro VietNam); TĐ dầu khí đang nợ quá hạn 1.731 tỉ đồng (nợ của Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất - nhận bàn giao từ Vinashin); TCT thuốc lá Việt Nam nợ quá hạn 467 tỉ đồng, TCT xây dựng công trình giao thông 6 nợ quá hạn 128 tỉ đồng, TCT rau quả nông sản nợ quá hạn 30 tỉ đồng.
Đáng chú ý, công ty mẹ - EVN nợ nước ngoài lên tới 99.260 tỉ đồng (do vay đầu tư nhà máy điện). Có đến 18 công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 5 công ty mẹ tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trên 10 lần.
Theo Bộ trưởng, các TĐ, TCT đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.
Ứng tiền trả nợ thay một số TCT
Trước câu hỏi của ĐB đoàn TP.HCM về “Tình hình nợ trong, ngoài nước của các TĐ, TCT? Nhà nước có phải dùng ngân sách hằng năm để trả nợ thay cho các TĐ, TCT, nếu có là bao nhiêu?”, Bộ trưởng Huệ viện dẫn quy định của luật Quản lý nợ công (trong trường hợp DN khó khăn, Bộ Tài chính sẽ ứng tiền từ quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay, không lấy từ ngân sách hằng năm. Các DN phải nhận nợ bắt buộc và có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền được ứng cho quỹ) và cho hay: Đến nay, quỹ tích lũy trả nợ đang ứng trả thay cho TCT giấy Việt Nam, TCT xây dựng công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, TCT công nghiệp xi măng. Các DN này đều là các DN nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ với tổng số tiền là 109,7 triệu USD.
Theo Bộ trưởng, các DN nói trên đang thực hiện tái cơ cấu và cam kết sẽ hoàn trả hết số tiền nhận tạm ứng trong 5 năm tới.
Các TĐ, TCT có quyền quá lớn
Theo ông Thụ, việc phân bổ ngân sách nhà nước thì như năm 2013, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có 175.000 tỉ mà chia cho tất cả các cơ quan T.Ư, các bộ ngành và 63 tỉnh thành, bất cứ thay đổi nào về tổng chi cũng đều phải trình ra QH. Trong khi đó, có nhiều TĐ, TCT đầu tư một năm hàng chục nghìn tỉ đồng (trên cơ sở chiến lược phát triển TĐ, TCT được Thủ tướng quy định). “Điều đó là quá thông thoáng, cần phải rà soát lại. Cần phải có cơ chế thích ứng để khắc phục bất cập này, tránh tình trạng lợi dụng tiền của nhà nước đầu tư cho các TĐ, TCT để làm thất thoát trong quá trình quản lý, sử dụng”, ông Thụ nêu quan điểm.
* Khắc phục bất cập trên bằng cơ chế cụ thể thế nào, thưa ông?
Trước hết là phải rà lại luật DN để có quy định chung về cơ chế quản lý đối với DN nhà nước cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật này; đồng thời, rà lại các quy định liên quan khác về đầu tư công, mua sắm công để xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm của lãnh đạo các TĐ, TCT, quyền càng lớn, trách nhiệm phải càng cao mới đảm bảo sử dụng vốn nhà nước hiệu quả.
* Vừa rồi trong văn bản trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính cho hay một số TĐ, TCT nợ quá hạn lên tới hàng nghìn tỉ đồng, ông nhìn nhận thực trạng này thế nào?
Trong hoạt động kinh doanh, bất cứ DN nào cũng phải có nợ vay và nợ phải trả, đó là bình thường, nhưng phải căn cứ vào quy mô tài sản, căn cứ vào hiệu quả và khả năng quản lý vốn, quy mô bảo toàn vốn để mà xem xét giới hạn vay thế nào cho nó hợp lý, đảm bảo an toàn, khắc phục tình trạng để một DN vay quá lớn, đến khi nó phá sản để lại di chứng, hậu quả nặng về với xã hội.
Vừa qua một số TĐ, TCT có nợ xấu, Chính phủ chưa báo cáo chi tiết với QH cơ cấu nợ xấu, lĩnh vực nợ xấu thế nào cũng như phương án xử lý cụ thể đối với nợ xấu các TĐ, TCT. Vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ phải báo cáo QH một cách rõ ràng cơ cấu nợ xấu, lĩnh vực nợ xấu nhiều nhất, DN chiếm nhiều nợ xấu nhất, đặc biệt là các khoản nợ xấu của các TĐ, TCT kèm theo các phương án giải quyết cụ thể, hướng xử lý, vì đây là vốn, là tài sản của nhà nước.
Bảo Cầm (thực hiện)
|
Bảo Cầm