Việt Hà, phóng viên RFA
2012-11-13
Trong diễn văn đọc tại Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh đến vấn đề tham nhũng nghiêm trọng trong đảng và kêu gọi nỗ lực chống tham nhũng trong toàn đảng.
Trong khi đó, một số phân tích gia quốc tế nhận định, có thể sẽ có một số thay đổi về chính trị cơ bản sau đại hội này, được cho là có tính quyết định hơn là vấn đề chống tham nhũng. Liệu điều này có thể trở thành sự thực và kết quả của đại hội này sẽ có ảnh hưởng thế nào tới Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn là đảng anh em với đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Chống tham nhũng
Chống tham nhũng, phát triển nghiên cứu khoa học và tìm cách thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo, trong khi kiên định con đường của đảng Cộng sản là những gì người ta có thể thấy trong bài phát biểu dài 100 phút của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại lễ khai mạc đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 8 tháng 11 vừa qua. Những điều được ông Hồ Cẩm Đào nói đến không làm nhiều người ngạc nhiên nhưng chắc hẳn cũng làm nhiều người vốn kỳ vọng vào một thay đổi lớn sau đại hội này phải thất vọng.
Nhận xét về những gì đang diễn ra tại đại hội 18 Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhà báo Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên Tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cho biết:
Theo tôi nhận định thì Trung Quốc còn mất thêm 10 năm nữa. Bởi vì họ cũng muốn cải cách, đổi mới nhưng có 2 trở ngại. Một là vụ của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh nó tỏ ra giới lãnh đạo của Trung Quốc dính vào tham nhũng rất nặng nề. Trước đây họ cũng giải quyết tham nhũng đến mức tử hình Bí thư thành ủy của Thượng Hải hay tù nặng, đến bây giờ thì thấy rõ là chống tham nhũng không kết quả.
Vừa rồi ngoài vụ Bạc Hy Lai thì con ông Thủ Tướng hiện nay là ông Ôn Gia Bảo thì cả gia đình tham nhũng lên đến 2 tỷ bảy trăm triệu đô la tức là một con số người Trung Quốc giật mình, không ngờ một ông nổi tiếng thanh liêm, trong sạch là thuộc về phe đổi mới mạnh mẽ theo hướng dân chủ hóa mà thực ra là tham nhũng đến cỡ quán quân như vậy. Dư luận Trung Quốc đang trỗi dậy, lãnh đạo của Trung Quốc ở đại hội 18 thì giật mình, họ sợ nếu bây giờ bước tới một bước cải cách nữa thì bất mãn quần chúng thì sẽ dẫn đến sụp đổ. Do đó mà họ tỏ ra thận trọng.
Trước đây họ cũng giải quyết tham nhũng đến mức tử hình Bí thư thành ủy của Thượng Hải hay tù nặng, đến bây giờ thì thấy rõ là chống tham nhũng không kết quả.
Nhà báo Bùi Tín
Trong bài diễn văn của mình, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói nạn tham nhũng nghiêm trọng đến nỗi nếu không được giải quyết một cách mạnh mẽ thì sẽ là mối tồn nguy cho Đảng, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì vậy ông kêu gọi các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đẩy mạnh việc giám sát gia đình và nhân viên của mình để chống tham nhũng.
Những gì mà ông Hồ Cẩm Đào nói về tham nhũng tại Trung Quốc làm người ta liên tưởng đến những gì mà Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã đề cập trong hội nghị trung ương 4 vào cuối năm ngoái. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói tham nhũng là vấn đề cấp bách của Đảng Cộng Sản Việt Nam và vì vậy ông kêu gọi chống tham nhũng, thực hiện chiến dịch phê bình và tự phê bình để chỉnh đốn đảng và lấy lại lòng tin trong dân. Tuy nhiên theo luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, những biện pháp chống tham nhũng mà hai đảng Cộng sản đưa ra hoàn toàn không giải quyết được vấn đề:
Cơ bản là phải thay đổi thể chế chính trị thế nào, ở đó thực hiện các quyền dân chủ của người dân để người dân giám sát thì mới có thể chống tham nhũng được. Phải thực hiện tam quyền phân lập thì lúc đó mới có tòa án độc lập, còn bây giờ đảng là một siêu quyền lực, cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam, đứng trên luật pháp thì không thể nào chống tham nhũng. Điển hình là hội nghị TƯ 6 thế nào, mặc dù ông Tổng Bí Thư và ông Chủ Tịch quyết tâm chống tham nhũng mà đâu có chống được vì các vị quan chức nói đến cùng đều không dính chõ này chỗ kia đều tham nhũng hoặc các nhóm lợi ích chi phối. Vì vậy mà không có kỷ luật đồng chí ủy viên bộ chính trị, đến nỗi đồng chí ủy viên bộ chính trị ai cũng biết tên, những sai lầm nhưng không dám nói ra thì đâu là tinh thần nói thẳng nói thật.
Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng, chống tham nhũng chỉ là cái ngọn, thay đổi thể chế mới có thể giải quyết triệt để vấn đề.
Đổi mới chính trị?
Tôi nghĩ đây là một thay đổi mini, thay đổi chiến thuật thôi, vì trong báo cáo nhấn rất mạnh đến xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc TQ, do đó tôi thấy họ vẫn bám vào cnxh theo kiểu lý luận của cncs thì theo tôi đó chưa phải thay đổi nền tảng tư tưởng. …Do đó tôi nghĩ là họ chỉ thay đổi nhỏ nhặt, thay đổi chiến thuật để xoa dịu cái bực mình, bất mãn trong đảng, trong quần chúng, với thế giới nhìn vào, chưa có gì là thay đổi theo hướng mạnh mẽ, thay đổi hệ thống thì chưa, đây vẫn là trong hệ thống cũ, chưa sang hệ thống mới.
Ngay trong diễn văn khai mạc đại hội Đảng, ông Hồ Cẩm Đào cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không bao giờ copy hệ thống chính trị kiểu phương Tây. Phân tích gia về chính trị Trung Quốc, Christopher Johnson nhận định trong một bài viết trên trang web của Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Hoa Kỳ) rằng rất khó có thể xảy ra những thay đổi có tính cơ bản trong hệ tư tưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau đại hội lần này.
Việt Nam và Trung Quốc như hình và bóng, hình thay đổi thì bóng cũng thay đổi. Nhưng tôi không nghĩ như vậy...Tôi cho rằng sẽ không có gì thay đổi, thậm chí còn còn tệ hơn.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Cũng có ý kiến cho rằng sau vụ tham nhũng đình đám của cựu Bí Thư Trùng Khánh, Bạc Hy Lai, có thể Trung Quốc sẽ phải tập trung hơn vào vấn đề nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên chuyên gia Christopher Johnson cho rằng với những gì được đưa ra trong bài phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào về sự giám sát của Đảng đối với nạn tham nhũng, thật khó có thể tin là Trung Quốc sẽ đi theo hướng nhà nước pháp quyền.
Luật gia Lê Hiếu Đằng cho rằng, ông cũng không tin sẽ có những đổi mới về cơ bản tại Trung Quốc, thậm chí theo ông, tình hình còn có thể xấu hơn:
Việt Nam và Trung Quốc như hình và bóng, hình thay đổi thì bóng cũng thay đổi. Nhưng tôi không nghĩ như vậy, đối với những nước toàn trị như Việt Nam và Trung Quốc, họ nói cải tổ thế này thế kia nhưng thực chất là không thay đổi. Bằng chứng là cuối cùng họ vẫn khẳng định là tư tưởng Mao và chủ nghĩa Mác lê nin. Tôi cho rằng sẽ không có gì thay đổi, thậm chí còn còn tệ hơn.