RFA-06-11-2012
“Kiểm soát quyền lực” là một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất trong buổi thảo luận tại các tổ về sửa đổi Hiến pháp sáng nay.
Theo Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Vũ Trọng Kim, quyền lực nhà nước nếu phát huy tốt sẽ ảnh hưởng tốt cho quốc gia, dân tộc, còn nếu không, sẽ để lại hậu quả; đồng thời, quyền lực cũng dễ bị tha hóa và nếu lạm dụng sẽ là nguồn gốc cho tham nhũng, lãng phí, vì những vấn đề này hiện đang được xem là một vấn nạn nguy hiểm của quốc gia và dân tộc.
Cũng trong buổi thảo luận sáng nay, một số đại biểu khác cho rằng dự thảo Hiến pháp chưa thể hiện rõ nội dung cụ thể của việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan; hay mặc dù thể chế chính trị ở VN không phải tam quyền phân lập, nhưng cũng phải làm sao phân công quyền lực rõ ràng để việc thực thi có hiệu quả, tránh việc nhận lỗi tập thể, không quy được đến trách nhiệm cá nhân nào.
Ngoài ra, nội dung về vai trò kinh tế của Nhà nước cũng được các đại biểu thảo luận trong phiên họp tổ sáng nay. Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phá triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Thế nhưng, ngoài những quan điểm đồng tình cho rằng kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, một số đại biểu cho rằng trong những năm qua kinh tế nhà nước dù nhận được nhiều ưu đãi, nhưng hoạt động kém hiệu quả và một số đại biểu nghi ngờ kinh tế nhà nước sẽ không thể giữ được vai trò chủ đạo.
Cụ thể, đại biểu Đặng Thành Tâm (TPHCM) cho rằng dù có mong muốn thế nào thì kinh tế Nhà nước cũng không thể giữ được vai trò chủ đạo vì đây là quy luật phát triển và là thực tế. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng Hiến pháp có giá trị lâu dài nên cần quy định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng.