Danlambao - Kể từ hôm nay, 10/11/2012, cảnh sát giao thông Hà Nội chính thức xử phạt người dân đi xe máy hoặc ô tô không do mình đứng tên. Mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng theo nghị định 71/CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành ngày 19/09/2012.
Ngay khi nghị định trên có hiệu lực vào sáng nay, đông đảo người dân trên các mạng xã hội và các báo điện tử đã đồng loạt phản đối quy định bị cho là ‘quái thai’ này. Một lần nữa, tên của ông Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng lại được nhắc đến nhiều lần, với một làn sóng giận dữ gay gắt từ phía nhân dân thể hiện thái độ không đồng tình.
Theo nghị định 71/CP, những người tham gia giao thông phải chứng minh là chủ sở hữu của chiếc xe đang sử dụng, nếu là xe mua bán thì phải sang tên đổi chủ. Đối với trường hợp mượn xe thì phải chứng minh mối quan hệ với người chủ đứng tên chiếc xe. Mức phạt cho mỗi lần bị kiểm tra là 1 triệu đồng cho xe gắn máy, và 10 triệu đồng đối với xe ô tô.
Từ mạng xã hội cho đến vỉa hè, người dân khắp nơi đều bày tỏ thái độ không đồng tình trước quy định trên. Nhiều người thằng thắn gọi đây là hành vi ‘cướp cạn’ của chính quyền.
Hình ảnh loan tải trên các mạng xã hội châm biếm nghị định 71/CP của chính phủ yêu cầu phạt nặng xe không chính chủ
Đối với những người thu nhập thấp, việc mua đi bán lại xe máy cũ là điều khá phổ biến. Nhiều chiếc xe thậm chí có nhiều đời chủ, hoặc người chủ đứng tên đi làm ăn xa, đã qua đời… Đó là chưa nói đến thủ tục sang tên đổi chủ rất khó khăn, chi phí cao, đi lại rườm rà.
Bên cạnh đó, nhiều thành viên trong một gia đình thường dùng chung một chiếc xe. Với quy định này sẽ xảy ra tình trạng con không dám mượn xe của bố, vợ không dám đi xe của chồng…
Một số người tỏ ra nơm nớp lo sợ khi tham gia giao thông vì sợ sẽ bị bất ngờ kiểm tra. Nếu mỗi lần bị phạt, người tham gia giao thông có thể phải mất 1 đến 10 triệu đồng. Chỉ cần bị phạt vài lần như vậy sẽ tương đương với số tiền mua xe mới.
Đáng chú ý là quy định như trên được ông Nguyễn Tấn Dũng ký vào ngày 19/09/2012. Chưa đến 3 tuần sau đã được mang ra áp dụng khiến nhiều người dân bất ngờ, trở tay không kịp.
Chính phủ Việt Nam từng dự tính đưa ra quy định tăng mức phí tham gia giao thông nhằm mục đích hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Tuy nhiên, với những quy định quái đản như nghị định 71/CP sẽ càng khiến số lượng phương tiện giao thông tăng vọt vì mỗi người sẽ cần phải mua một chiếc xe do chính mình đứng tên.
Qua nghị định 71/CP, có thể thấy tư duy và não trạng của quan chức - lãnh đạo Đảng CS trong việc điều hành đất nước. Các chính sách đưa ra chỉ biết chăm chăm vào việc bòn rút, móc túi dân nghèo. Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, với mức phạt như trên sẽ khiến công việc mưu sinh của nhân dân ngày càng vất vả.