Tại một quán cà phê internet ở Hà Nội
Lệnh của Thủ tướng Việt Nam cấm cán bộ truy cập báo mạng bị xem là « phản động, bôi đen lãnh đạo, kích động chống Đảng » đã gây tác dụng ngược. Các báo « lề trái » không lo sợ bị công an truy bắt mà còn « cám ơn » Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng « quảng cáo không công » cho họ. Ngay báo do chế độ kiểm soát, khi loan tải lệnh cấm , không hiểu vô tình hay cố ý, đã giúp cho độc giả biết thêm những thông tin mà chính phủ muốn…cấm dân tìm hiểu.
Ngày 12/09/2012 vừa qua, báo chí Nhà nước đồng loạt công bố toàn văn lệnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng « chỉ đạo điều tra xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước ». Ba trang blog điện tử « Dân làm báo », « Quan làm báo », « Biển Đông » (kèm theo ba chấm) bị kết tội là những tờ báo « phản động, đăng tải thông tin bịa đặt, bôi đen bộ máy lãnh đạo Nhà nước … » là « thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch ». Thủ tướng chỉ thị truy bắt trừng trị những kẻ có liên can và cấm cán bộ truy cập.
Lệnh này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhân vật thân cận với bộ máy quyền lực, kẻ chạy trốn, kẻ bị bắt về tội tham ô, lũng đoạn tài chính như Nguyễn Đức Kiên, Lê Xuân Hải, Dương Chí Dũng…
Tuy nhiên, chỉ đạo ngăn cấm thông tin đa chiều đã gây phản ứng bất lợi, « gậy ông đập lưng ông ».
Nhờ báo chí Nhà nước công bố chỉ thị mà người dân biết thêm ban biên tập blog « Quan làm báo » gồm những người trong và ngoài Đảng Cộng sản và do vậy, họ có thông tin để lý giải loạt bắt bớ hiện nay xuất phát từ cuộc « đấu đá » giữa « phe nọ phái kia ».
Theo hãng AP, chính quyền cấm, nhưng blogger không sợ. Hành động cấm đoán này chỉ gây phản tác dụng. Số người truy cập tăng kỷ lục và các blogger khẳng định cuộc tranh đấu cho tự ngôn luận sẽ tiếp tục.
Hãng AP phân tích sự kiện ông Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh cho công an truy bắt ban biên tập các trang blog độc lập này đã phản ảnh tâm lý bất an trong nội bộ đảng Cộng sản. Chính họ mới là những người đang lo sợ bị phong trào thông tin độc lập, đa chiều và mang nội dung bất đồng chính kiến sẽ làm họ mất chính quyền. Theo nhận định của các blog này thì việc bắt giam Nguyễn Đức Kiên, kẻ được xem là thân cận với con gái của ông Nguyễn Tấn Dũng là hậu quả của mối căng thẳng giữa Thủ tướng và Chủ tịch nước.
Lời cáo buộc « âm mưu thâm độc của thế lực thù địch » càng gợi óc tò mò của dân chúng Việt Nam và do vậy mà lượng truy cập vào các blog « lề trái » gia tăng đột biến. Chỉ trong ngày thứ năm 13/09/2012, lượng người vào xem « Dân làm báo » đã lên hơn 500.000. Trong khi « Quan làm báo » cho biết, tuy bị « truy phá liên tục »? nhưng số độc giả lên hàng triệu.
« Dân làm báo » nói rằng, những công dân bình thường, phóng viên Nhà nước, cho đến cán bộ đảng viên, những người muốn đánh phá phe khác trong nội bộ, là những nguồn thông tin bên cạnh báo chí chính thức.
Chỉ thị « trừng phạt » những thủ phạm « bóp méo thông tin và bịa đặt thông tin » cũng bị nhiều phản ứng biếm nhẽ. Blogger Trương Duy Nhất ví phản ứng của Thủ tướng với thái độ của cụ Bá trong chuyện Chí Phèo. Blogger Nguyễn Tường Thụy gợi ý là chính phủ nên trừng trị những cơ quan thông tin Nhà nước từ đài truyền hình Nhà nước cho đến báo công an « xuyên tạc người biểu tình chống Trung Quốc ». Một ý kiến khác là « Nhà nước cần phải thông tin nhanh chóng và chính xác về tình hình biển đảo, nạn tham ô và suy thoái kinh tế » những vấn đề mà dân chúng quan tâm.
Không rõ chính phủ Việt Nam với lệnh của Thủ tướng ngày 12/09/2012 có dẹp được những thông tin « xuyên tạc của thế lực thù địch » hay không ? Có điều ngay thông tin bắt Dương Chí Dũng và hình ảnh kẻ đào tẩu bịcông an xứ Chùa Tháp còng tay mà báo « lề phải » đưa lên xong rồi kéo xuống là ảnh ngụy tạo.
Người dân ham chuộng sự thật liệu phải tìm thông tin ở đâu ?
REUTERS
Tú Anh