Thứ Hai, 20/08/2012 22:03
Tokyo kêu gọi Bắc Kinh áp dụng “tất cả những biện pháp có thể” để bảo vệ các công dân và công ty của Nhật Bản đang hoạt động ở Trung Quốc
Chính phủ Nhật Bản hôm 20-8 thúc giục Bắc Kinh bảo vệ công dân nước mình sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống Tokyo ở nhiều thành phố tại Trung Quốc vào cuối tuần rồi.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura cho biết: “Cả hai nước đều không muốn vấn đề Senkaku ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương nói chung… Về những cuộc biểu tình mới diễn ra ở Trung Quốc, chúng tôi yêu cầu Bắc Kinh bảo đảm an toàn cho công dân Nhật Bản ở nước này”.
Nhật Bản bác bỏ “phản đối” của Trung Quốc
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi hàng ngàn người xuống đường tại nhiều thành phố ở Trung Quốc để lên án việc Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Điều đáng lo là một số cuộc biểu tình bài Nhật đã nhuốm màu bạo lực. Chẳng hạn tại Thâm Quyến, các đám đông quá khích đã đập phá một số nhà hàng Nhật và xe cộ do nước này sản xuất. Theo hãng tinKyodo, đám đông còn hô vang những khẩu hiệu kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và đốt quốc kỳ của nước này.
Ngay lập tức, Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa đã bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về những hành động đập phá nói trên. Trong cuộc điện đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, đại sứ Niwa đã yêu cầu Bắc Kinh áp dụng “tất cả những biện pháp có thể” để bảo vệ các công dân và công ty của Nhật Bản đang hoạt động ở Trung Quốc.
Xe hơi Nhật Bản bị lật trong một cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Thâm Quyến hôm 19-8. Ảnh: AP
Mặt khác, ông Niwa đã bác bỏ “phản đối mạnh mẽ” của Trung Quốc đối với việc 10 người Nhật Bản lên đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku vào rạng sáng 19-8. Đại sứ Nhật Bản cũng yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn các vụ việc giống như việc đổ bộ lên quần đảo Senkaku của 14 nhà hoạt động Trung Quốc hồi tuần trước.
Đây được xem là làn sóng biểu tình chống Nhật lớn nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2005. Đài BBC nhận định rằng nhà chức trách Trung Quốc chắc chắn đã bật đèn xanh cho các cuộc biểu tình, do lực lượng an ninh không làm gì để ngăn các cuộc biểu tình cho dù đã có bạo lực xảy ra. Trong quá khứ, Bắc Kinh từng lợi dụng tâm lý chống Nhật để chuyển hướng sự chỉ trích của người dân đối với chính phủ.
Lại lên giọng hiếu chiến
Căng thẳng gia tăng giữa lúc cả Chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đang đối mặt với sức ép trong nước về việc có lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề quần đảo tranh chấp. Thời báo Hoàn Cầu, phụ bản của Nhân dân Nhật báo, tiếp tục giọng điệu hiếu chiến của mình bằng bài xã luận hôm 20-8, trong đó đe dọa Nhật Bản rằng việc Trung Quốc không muốn dùng biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp “không có nghĩa là nước này sợ chiến tranh”.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Yohishiko Noda đang bị các đảng đối lập chỉ trích vì xử lý nhẹ tay vụ 14 nhà hoạt động Trung Quốc nói trên. Ngay cả một số thành viên trong nội bộ Đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền cũng kêu gọi những biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ chủ quyền quần đảo Senkaku.
Ông Akihisa Nagashima, một cố vấn đặc biệt của ông Noda về các vấn đề đối ngoại và an ninh, hôm 19-8, kêu gọi sử dụng nhiều lực lượng khác nhau, kể cả Lực lượng Phòng vệ, để bảo vệ chủ quyền Senkaku và áp dụng những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người thâm nhập lãnh thổ Nhật Bản bất hợp pháp. Ông Jeffrey Kingston, Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận định: “Cả 2 bên sẽ mất nhiều thứ nếu để căng thẳng leo thang”.
Đông Á rầm rộ tập trận
Giữa lúc căng thẳng dâng cao, Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) và lính thủy đánh bộ Mỹ bắt đầu tập trận chung tại đảo Okinawa, đảo Guam và đảo Tinian thuộc quần đảo Bắc Mariana từ ngày 21-8 đến 26-9.
Tờ Sankei (Nhật Bản) cho biết cuộc diễn tập do Washington đề xuất trước khi 14 nhà hoạt động Hồng Kông (Trung Quốc) bị bắt giữ vì đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 15-8. Tuy nhiên, Sankei cũng dẫn một nguồn tin từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF, tương đương Bộ Quốc phòng) tiết lộ một trong các tình huống giả định của cuộc tập trận là quân đội Trung Quốc xâm nhập Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo của Nhật dẫn nguồn tin của giới sĩ quan JGSDF khẳng định cuộc tập trận không nhắm vào bên nào. Trước đó một ngày, ngày 20-8, khoảng 600 binh sĩ thuộc SDF và thủy quân lục chiến Mỹ tập huấn về vận chuyển hậu cần, hỗ trợ y tế và phản ứng khẩn cấp tại Ooitaken, Tây Nam Nhật Bản. Ngoài ra còn một cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội 2 nước sẽ diễn ra cuối tuần này, theo Kyodo.
Song song với các cuộc tập trận cùng Nhật, từ ngày 20 đến 31-8, Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung hằng năm mang tên “Người Bảo vệ tự do Ulchi (UFG)” với Hàn Quốc nhằm “kiểm nghiệm khả năng tự vệ trước Triều Tiên”. Với sự hỗ trợ của máy tính, UFG huy động hơn 56.000 binh lính Hàn Quốc và 30.000 binh lính Mỹ cùng các quan sát viên đến từ 7 nước thuộc Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc (gồm: Úc, Anh, Canada, New Zealand, Đan Mạch, Na Uy và Pháp).
Cùng ngày diễn ra UFG, một cuộc diễn tập 4 ngày để luyện tập các kế hoạch dự phòng trong trường hợp khẩn cấp cũng diễn ra với sự tham gia của khoảng 410.000 quan chức nhà nước Hàn Quốc. Các cuộc tập trận trên vấp phải sự phản đối từ Triều Tiên.
Hãng thông tấn KCNA tuyên bố: “Cuộc tập trận là hành động khiêu khích quân sự không thể tha thứ và là khởi đầu cho cuộc chiến tranh chống lại Triều Tiên. Cuộc diễn tập là nguồn gốc ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh ở bán đảo Triều Tiên, đồng thời là nguồn gốc kích động chiến tranh”.
|
HOÀNG PHƯƠNG