Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-08-13
Trong vòng 1 tuần lễ, gần 1.700 ha đất nông nghiệp ở Tây Ninh và Long An được trao trả lại cho nông dân.
Phải chăng đây là một tín hiệu tích cực, về việc chấm dứt hàng ngàn dự án treo trên cả nước trong khi nông dân mất đất canh tác.
Trả lại đất cho dân...
Nông dân Việt nam đã mất 370.000 ha đất trồng lúa trong thời gian từ năm 2.000 tới 2010. Khi đất đai ngày càng có giá thì đất nông nghiệp bị tịch thu, qui hoạch chuyển đổi công năng đã gia tăng với tốc độ chóng mặt. Riêng từ 2005 đến 2010 diện tích đất trồng lúa bị xén tới 300.000ha để qui hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân golf, khu đô thị mới, khu du lịch. Rất nhiều dự án được qui hoạch đã 10 năm nhưng đến nay vẫn là dự án treo, trong khi người dân thiếu đất canh tác ổn định.
Trả lời Nam Nguyên tối 13/8, TS Đặng Kim Sơn viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định về sự kiện Long An và Tây Ninh can đảm sửa sai trả nhiều ruộng đất lại cho nông dân. Ông nói:
“Trong thời gian vừa qua một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chạy theo tín hiệu về tăng trưởng cho nên đã chuyển rất nhiều đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và đất chuyên nghiệp thậm chí làm sân golf ào ạt. Rất đáng tiếc là các công trình ấy không mang lại hiệu quả mong muốn. Rất nhiều khu công nghiệp bỏ trống, các sân golf cũng đem lại tác động tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian vừa qua những sự sai lầm như thế góp phần làm suy giảm nền kinh tế Việt Nam theo hướng kém hiệu quả.
Vừa qua Việt Nam đưa ra chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, để đưa ra chủ trương này là không dễ dàng và việc thực hiện còn khó khăn hơn nữa. Cho nên, chúng tôi thấy tín hiệu của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cụ thể là Long An trả lại đất sản xuất nông nghiệp mà trước đây bị chuyển sang phi nông nghiệp không hiệu quả, là một tín hiệu rất đáng mừng. Nó cho thấy sự quyết tâm của chính quyền địa phương cũng như mong muốn của bà con nông dân tại địa phương đã đạt được kết quả ban đầu. Tức là chuyển lại sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long theo đúng lợi thế so sánh của vùng này là sản xuất nông nghiệp.”
Theo thông tin ghi nhận ngày 11/8/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh loan báo xóa 10 cụm công nghiệp được qui hoạch trong thời gian 10 năm qua. Tổng diện tích đất trả lại cho nông dân Tây Ninh trong đợt này là 1.150ha. Các giới chức địa phương cho báo chí biết: sẽ tiếp tục rà soát để thu hồi thêm các dự án “treo” tiếp tục trả đất lại cho dân.
Trước đó hôm 6/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cũng loan báo thu hồi hủy bỏ ba dự án với tổng diện tích 500 ha để trả lại cho nông dân. Đây là đất thuộc các dự án sân golf và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
...do quy hoạch không hiệu quả
Nhận định về tình hình đất nông nghiệp bị chuyển đổi công năng trên toàn quốc, trong khi nhà nước chủ trương phải giữ cho bằng được 3,8 triệu ha đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, TS Đặng Kim Sơn từ Hà Nội phát biểu:
“Rất nhiều qui hoạch treo trên qui mô toàn quốc, rất nhiều vùng chuyển sang các khu công nghiệp nhưng có tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Thậm chí những nơi đã có doanh nghiệp vào hoạt động bên trong, thì những doanh nghiệp này cũng không kết nối với nhau một cách hiệu quả, giá trị gia tăng của nó không cao.
Đặc biệt hơn nữa là quan hệ giữa khu công nghiệp ấy với vùng nông thôn xung quanh là không gắn bó. Không tạo ra được nhiều việc làm, không sử dụng các vật tư, các nguyên liệu của nông nghiệp và cơ sở hạ tầng ở các khu này cũng không thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở chung quanh phát triển. Có thể nói mức độ liên kết giữa bên trong và bên ngoài các khu công nghiệp là rất kém.
Ngoài các khu công nghiệp còn có các khu đô thị mới mà hiện nay cho thấy là không bán được. Chưa kể ở những vùng ven biển có cảnh quan tốt còn có những sân golf, khu resort, khu du lịch mà hiện nay mức độ khai thác không cao, rất nhiều nơi bỏ trống và chỉ có có một số tỉnh hoạt động được. Qua bài học kinh nghiệm ở Long An và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi hy vọng trong tương lai gần sẽ trở thành một phong trào để các địa phương nhìn lại chính mình điều chỉnh lại qui hoạch, để đem đất đai quay trở lại sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập thiết thực cho bà con nông dân.”
Tín hiệu đáng mừng
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung đón nhận một cách tích cực tin chính quyền chịu sửa sai, trả bớt đất tịch thu của dân đặc biệt là với các dự án treo kéo dài cả chục năm. Một người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Họ lấy đất qui hoạch bây giờ trả lại thì nông dân rất mừng, cái đó cũng như mưa trên trời mưa xuống…tái sinh… Qui hoạch mở mấy khu công nghiệp, khu dân cư thường là thất bại. Như chỗ ba tỉnh giáp ranh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ nằm ở chỗ Lộ Tẻ đường đi Rạch Giá qui hoạch từ nhiều năm nay nhưng chỉ có ít công ty vào còn là bỏ trống không làm được gì…Khu Chợ Gạo miền tây cũng chưa làm được gì hết. Cái đó giống như phong trào không có kinh phí, không có nhà đầu tư, cuối cùng dự án bị treo.”
Chúng tôi thấy tín hiệu của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cụ thể là Long An trả lại đất sản xuất nông nghiệp mà trước đây bị chuyển sang phi nông nghiệp không hiệu quả, là một tín hiệu rất đáng mừng.
TS Đặng Kim Sơn
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Đặng Kim Sơn nói rằng, chính phủ đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại qui họach sử dụng đất trong thời gian vừa qua, các dự án được cấp phép mà lâu không đưa vào hoạt động hoặc họat động kém hiệu quả thì phải thu hồi, hoặc chuyển sang mục đích khác hoặc quay trở lại sản xuất nông nghiệp. Như vậy chính sách đã có nhưng muốn thực hiện được các chính sách ấy đòi hỏi phải có sự quyết tâm của chính các địa phương và sự sâu sát của các cơ quan ở cấp trung ương thì mới có thể thực hiện được.
TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh: việc rà soát để thu hồi những dự án treo hoặc không hiệu quả, không chỉ đặt ra cho riêng các khu công nghiệp, khu đô thị mới, resort, sân golf, khu du lịch, mà cần mở rộng sang các lĩnh vực khác. Trong đó phải tính tới cả những dự án thủy điện nhỏ, dự án khai thác khoáng sản, khai thác đất đá ở các địa phương, để có thể lập lại trật tự trong công tác qui hoạch và thực sự tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sản xuất hiệu quả và vững bền.