Thêm một tài liệu do Trung Quốc biên soạn vào đời Thanh tìm thấy trong tủ sách của gia đình họ Trần do Thượng thư Trần Đình Bá (1867 - 1933) để lại, đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, đó là tập Địa dư đồ khảo.
Ngày 9.8, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn - chủ sở hữu tủ sách của gia đình họ Trần dành cho chúng tôi cuộc trao đổi về tài liệu nói trên trước khi chính thức công bố.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn với tập sách Địa dư đồ khảo tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Giao Hưởng
|
Thưa ông, vui lòng cho biết xuất xứ của cuốn sách bản đồ này?
Tập này nguyên nằm trong tủ sách Phước Trang của ông cố tôi là cụ phó bảng Trần Đình Bá. Do cụ có giữ chức Thượng thư bộ Hình triều vua Khải Định nên trong tủ sách có một số sách về luật lệ từ đầu thời Nguyễn đến giai đoạn Pháp sang. Theo chúng tôi nghĩ, sau cách mạng Tân Hợi năm 1911, chế độ Trung Hoa dân quốc thành lập đã có những thay đổi về bang giao quốc tế, đặc biệt là đường biên giới đối với các nước láng giềng khu vực, trong đó có Việt Nam được thể hiện trên một số bản đồ khác với thời quân chủ. Chế độ quân chủ ở Trung Quốc chấm dứt từ 1912, nhưng ở nước ta mãi đến năm 1945 triều Nguyễn mới cáo chung. Vì thế cụ Trần Đình Bá do giữ trách nhiệm về luật lệ thời ấy ở triều đình chắc chắn phải quan tâm đến vấn đề biên giới và hải phận của đất nước, nên cụ cùng các quan cộng sự của mình tham khảo sách Địa dư đồ khảo của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền Việt Nam để chép tay lưu giữ làm bằng chứng về sau.
Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong Địa dư đồ khảo cho thấy đảo Hải Nam là vùng đất cuối cùng ở phía nam của Trung Quốc - Ảnh: Giao Hưởng
|
Đúng theo nghĩa của nhan đề Địa dư đồ khảo, đây là cuốn sách “khảo cứu về địa dư kèm theo bản đồ” gồm những mục chính như thế nào?
Gồm 24 mục. Từ mục 1 đến mục 7 khảo cứu bảy tỉnh của Trung Quốc: Xiểm Tây (quen đọc là Thiểm Tây - PV), Cam Túc, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Xuyên. Từ mục 8 đến mục 15 khảo cứu về các nước xung quanh có chung biên giới với Trung Quốc: Mãn Châu toàn đồ, Mông Cổ toàn đồ, Thanh Hải Tây Tạng đẳng hợp đồ, Triều Tiên toàn đồ, Tân Cương thống đồ, Việt Nam - Tiêm La - Miến Điện hợp đồ, Phụ đính An Nam Đông Kinh toàn đồ, Nhật Bản toàn đồ. Khảo về Các khu vực lớn gần Trung Quốc gồm: Á Châu Nga thuộc đồ, Tây vực Hồi bộ đẳng thống đồ, Ấn Độ toàn đồ, Ba Tư A Lạc Bá hợp đồ, Đông Thổ Nhĩ Kỳ đồ, Tây Lý Á đồ. Hình vẽ các bản đồ cho thấy rõ ràng biên giới của các nước khác trong khu vực như Miến Điện, Tiêm La (Thái Lan), Triều Tiên... Đây là cơ sở để nghiên cứu vùng cương giới của các nước láng giềng của Trung Quốc đã được triều Thanh xác nhận, trong đó có Việt Nam với bản đồ thể hiện vùng cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi!
Vậy riêng với Việt Nam, sách Địa dư đồ khảo có những nội dung cũng như bản đồ liên quan đến chủ quyền nước ta ở Hoàng Sa - Trường Sa cụ thể hơn ra sao?
Địa dư đồ khảo có phần bản đồ chi tiết về các tỉnh phía nam Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Vân Nam - Quảng Tây - Quảng Đông có chung đường biên giới với Việt Nam. Đảo Hải Nam thuộc tỉnh Quảng Đông được thể hiện trên bản đồ là vùng đất cực nam, địa điểm cuối cùng ở phía nam của Trung Quốc. Còn đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì sách Địa dư đồ khảo hoàn toàn không thể hiện một chi tiết nào cả. Điều đó có nghĩa là triều đình nhà Thanh đầu thời Quang Tự đã không kể đến các quần đảo trên thuộc về lãnh thổ của mình. Trong lúc đó việc quản lý của triều đình nhà Nguyễn hồi ấy đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi lại rõ ràng qua sử liệu. Cần nói rõ, sách Địa dư đồ khảo được triều đình nhà Thanh biên soạn vào đời vua Quang Tự - ở ngôi từ năm 1875 đến 1908. Đọc trong sách thấy ghi các sự kiện từ năm Quang Tự thứ hai trở về trước, nên tập sách có thể đã ra đời trước năm 1876. Lâu nay chúng ta đã công bố được rất nhiều bản đồ do các giáo sĩ phương Tây, các nhà hàng hải vẽ, có ghi chú quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của đất nước Việt Nam. Sử sách Việt Nam trải qua các thời kỳ đều có ghi chép việc quản lý, khai thác Hoàng Sa - Trường Sa rồi. Đến nay, người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thêm bản đồ, tư liệu để chứng minh chủ quyền của nước ta ở đấy. Đó chính là động lực để gia đình chúng tôi đem tập Địa dư đồ khảo trong tủ sách gia bảo ra công bố và theo nhận định của chúng tôi, tập Địa dư đồ khảo là nền tảng ban đầu để vẽ ra các bản đồ từ đầu thế kỷ 20 về sau. Những phân tích chi tiết và cụ thể hơn sẽ được chúng tôi trình bày tại buổi họp mặt để công bố chính thức tài liệu này trong những ngày sắp tới...
Cụ Trần Đình Bá sinh năm Đinh Mão 1867 tại làng Hiền Lương, H.Phong Điền, Thừa Thiên - đỗ phó bảng năm Mậu Tuất 1898, giữ chức Án sát tỉnh Thanh Hóa (1910), được cử vào Hội đồng Bác vật (1915), làm Tổng đốc An Tĩnh tức Nghệ An và Hà Tĩnh (1919), Thượng thư bộ Hình (1923). Cụ phản đối việc chính phủ Pháp để viên Khâm sứ Pháp chủ tọa Hội đồng cơ mật của triều đình Huế nên quyết định từ chức, về ẩn cư tại căn nhà cổ ở kinh thành Huế (nay là nhà số 114 Mai Thúc Loan) trong 8 năm từ 1925-1933 cho đến ngày qua đời. Cụ Trần Đình Bá được nhắc đến trân trọng qua nhiều công trình nghiên cứu và sách báo ở hai miền Nam - Bắc như:Thành ngữ điển tích - Danh nhân từ điển (GS Trịnh Vân Thanh, Sài Gòn 1967), Việt Nam danh nhân từ điển (Nguyễn Huyền Anh - NXB Khai Trí, Sài Gòn 1970), Hiền Lương chí lược (Huỳnh Hữu Hiến - Huế 1962), Đặng Thai Mai hồi ký (NXB Tác phẩm mới, Hà Nội 1965), Các nhà khoa bảng Việt Nam (Ngô Đức Thọ - NXB Văn Học Hà Nội, 1993)...
|
Giao Hưởng