THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 August 2012

Căng thẳng Biển Đông 'sẽ dai dẳng' !



Việc Bộ ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về các bước đi của Trung Quốc đánh dấu mối lo ngại công khai của Washington trước nguy cơ khó kiểm soát các ngòi nổ đang ẩn nấp ở Biển Đông.
Trung Quốc sôi sục, nói Mỹ 'gây rối'
5 ngòi nổ trên Biển Đông

Trong báo cáo tháng trước của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG), các học giả đã cảnh báo rằng nếu các bên không kiềm chế, xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông. Tạp chí uy tín Foreign Policy cũng chỉ ra 5 điểm có thể gây bùng phát những xung đột quy mô nhỏ trên vùng biển giàu tài nguyên và là tuyến giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.
Vậy nguy cơ tranh chấp biến thành xung đột ở Biển Đông đến đâu?
Tàu hải giám, lực lượng đắc lực của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Xinhua
Nghiên cứu viên Michael Auslin của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cảnh báo quyết định thiết lập cơ sở đồn trú của cái gọi là thành phố Tam Sa là một động thái nhằm nhấn mạnh sức mạnh quân sự, và vì thế gây lo ngại.
Theo học giả này, bằng việc thiết lập cơ sở quân sự đồn trú trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, Trung Quốc đã "gây căng thẳng" và khiến cho triển vọng giải quyết thông qua đàm phán về tranh chấp lãnh thổ thêm mờ mịt. Một hệ quả nữa là các nước láng giềng của Trung Quốc - vốn yếu hơn hẳn cường quốc này về mặt quân sự - sẽ chấp nhận ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột.
Minh chứng cho quan điểm này là phát biểu của nhiều học giả Trung Quốc theo phái "diều hâu". Lý Hồng Mai, ký giả thường xuyên của mục Ý kiến bình luận của Hoàn Cầu thời báo, cho rằng kể từ sau hải chiến 1988 trên Biển Đông, Trung Quốc chưa từng tham gia xung đột lớn nào trên biển, nhưng "điều đó không có nghĩa là quân đội Trung Quốc không đủ sức tiến hành chiến tranh", và còn khoe rằng nước này có đủ các vũ khí khí tài hiện đại.
Xu Zhirong, một thuyền phó của tàu hải giám Trung Quốc, viết trên China Eye, ấn bản tại Hong Kong của Ủy ban quỹ năng lượng Trung Quốc, rằng "Trung Quốc đang bị bao vây bởi các nước láng giềng và Mỹ".
Cui Liru, chủ tịch Viện quan hệ quốc tế đương đại, một cơ quan nghiên cứu của Bắc Kinh có quan hệ mật thiết với giới tình báo, và thiếu tướng Luo Yuan, thiếu tướng quân đội từng công tác ở viện nghiên cứu quốc phòng đã nghỉ hưu, đều nổi tiếng với các lời lẽ rắn. Ông Sun Yun, chuyên gia chính sách an ninh về Trung Quốc làm việc tại Washington, cựu phân tích gia của ICG tại Bắc Kinh, nhận xét: "Tình hình ở Hoa Nam hiển nhiên khiến giới sĩ quan quân đội Trung Quốc tức giận. Bởi nếu PLA không bảo đảm được (cái họ tự cho là) chủ quyền ở ngay sát lãnh thổ, thì làm sao có chính danh để lượn lờ khắp thế giới?"

Va chạm hay chiến tranh?

Tuy nhiên theo Carlyle Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Australia và là học giả uy tín về Biển Đông, quân đội giải phóng Trung Quốc (PLA) dù muốn khẳng định thêm vai trò của mình trong nền chính trị nước này, cũng không muốn kịch bản xung đột hay chiến tranh xảy ra ở Biển Đông.
"Lợi ích của Trung Quốc không nằm ở việc kích động một cuộc tranh chấp quân sự", ông nói. Một cuộc xung đột sẽ phá tan hình ảnh mà Bắc Kinh dày công xây dựng bấy lâu về một Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình.
Đồng quan điểm này, Lora Saalman, nghiên cứu viên của Trung tâm Carnegie -Thanh Hoa về chính sách toàn cầu, nói: "Tôi không cho là sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn trong khu vực với sự tham gia của tất cả các bên. Nhưng tôi tin rằng nguy cơ xảy ra các va chạm hoặc xung đột quy mô nhỏ là rất có thể xảy ra".
Trung Quốc đang mong muốn mở rộng sức mạnh quân sự để tương xứng với sức mạnh kinh tế đang vươn ra tầm toàn cầu của họ. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng với mức hai con số trong nhiều năm liền.
"Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển (lực lượng quân sự) nhanh, để ít nhất có thể không bị đẩy vào tình huống bất ngờ. Trung Quốc sẽ không muốn bị ở trong một cuộc khủng hoảng bất ngờ bởi họ chưa có được năng lực đối phó khủng hoảng tốt như Mỹ", Saalman nói.
Nhà phân tích Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc dự án Trung Quốc và Đông Á của ICG, bình luận rằng tình hình ở Biển Đông hiện nay "có quá nhiều nguy cơ gây xung đột".
"Bắc Kinh ngày càng quyết tâm hơn bao giờ hết nhằm đảm bảo rằng các đối thủ ở Đông Nam Á không thể làm lay chuyển quyết tâm áp đặt tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc
"Nguy cơ cao cộng với sự leo thang căng thẳng dẫn đến hệ quả là chỉ một bước đi sai lầm từ Trung Quốc hay các bên tham gia tranh chấp cũng sẽ dễ dàng đẩy tranh chấp lên những nấc thang mới không thể kiểm soát được".
Trước những nguy cơ đó, tuyên bố ngày 3/8 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy "Mỹ ít nhất đã đưa ra một lời cảnh báo đến tất cả các bên không nên làm tình hình xấu thêm", Alexander Huang, giáo sư về chiến lược tại Tamkang University ở Đài Loan, nhận xét. "Mỹ như muốn nói 'Đừng làm gì ngu ngốc'".
"Tất nhiên Trung Quốc sẽ không làm gì ngu ngốc", Huang nói thêm. "Tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ chọn một cuộc chiến trong vòng 12 tháng tới".

Kịch bản 'cân bằng bấp bênh'

Theo Michal Meidan, nhà phân tích chuyên về Trung Quốc của Eurasia Group, tình trạng hiện nay sẽ kéo dài.
"Căng thẳng sẽ dai dẳng", Meidan dự đoán. Động lực của các diễn biến trên thực địa xuất phát từ bối cảnh chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc cũng như cuộc đua chính trị giành ghế tổng thống ở Mỹ, và cả từ dư luận bên trong Việt Nam, Philippines và các nước liên quan. Những động lực này sẽ giữ cho Biển Đông dậy sóng bởi "không một chính phủ nào muốn bị dư luận xem là yếu thế" trong cuộc tranh chấp này.
Ngoài vấn đề về chủ quyền, thì kinh tế là một trong những điều khiến Bắc Kinh đặc biệt quan tâm khi tiếp cận tranh chấp Biển Đông. Các công ty Trung Quốc muốn khai thác tiềm năng dầu và khí đốt dồi dào. Giới ngư nghiệp muốn thâu tóm các ngư trường xa bờ mới bởi các vùng nước ven bờ đang cạn kiệt. Hải quân Trung Quốc muốn sử dụng căng thẳng chủ quyền biển đảo để có được phần lớn hơn trong miếng bánh ngân sách. Các chiến lược gia "diều hâu" muốn khẳng định rõ ràng với các nước láng giềng, và cả công chúng trong nước, rằng quyền lợi của Trung Quốc không phải là thứ được đem ra bàn cãi.
Vì thế nguy cơ va chạm hoặc đụng độ đang ở mức cao, theo Meidan.
Tuy nhiên có nhiều lý do để tin rằng các đụng độ nếu có cũng sẽ được kiểm soát để không biến thành xung đột.
Thứ nhất là những cái đầu mát hơn dường như đang lấy lại trọng lượng. Các tướng lĩnh Trung Quốc sẽ ngần ngại nếu tình hình leo thang bởi điều đó sẽ đẩy các nước Đông Nam Á vào vòng tay của Mỹ. Các nước Đông Nam Á cũng hiểu rằng dù cần phải tỏ ra cứng rắn, nhưng đối đầu với Trung Quốc là điều quá nguy hiểm.
Thứ hai, những cái đầu nóng ở Trung Quốc nhận thức rõ rằng cái giá của một cuộc xung đột là quá cao, bởi nó ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại và chính là "lời mời" Mỹ hiện diện quân sự mạnh hơn trong khu vực. Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc, hãng có nhiều lợi ích ở Biển Đông, cũng đang đa dạng hóa địa bàn làm ăn khi mua Nexen của Canada mới đây.
"Khu vực xáo động này nếu duy trì được sự cân bằng bấp bênh thì đã là kịch bản tốt nhất cho tất cả các bên liên quan", Meidan viết.
Sự bấp bênh thể hiện ở "một vòng xoáy hành động-phản đối trả miếng lặp đi lặp lại", Rory Medcalf thuộc Viện chính sách Lowy, Australia, nhận xét. Theo báo cáo của Lowy, sự gia tăng quân sự hóa tranh chấp không chỉ làm cho việc giải quyết các va chạm trở nên khó khăn hơn, mà còn tăng nguy cơ xung đột vũ trang.
"Nguy cơ xung đột sẽ tăng lên nếu các tàu của lực lượng hành pháp và bán dân sự được trao thêm quyền hành trong các tranh chấp lãnh thổ, trong một môi trường thiếu các hành lang pháp lý".
Thanh Mai