THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 July 2012

Con cờ của Trung Quốc



Lần đầu tiên trong 45 năm của Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNÁ-ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra ở Phnom Penh không công bố được một thông cáo chung. Lý do? Dư luận cáo giác Campuchia là “con ngựa mồi” của Trung Quốc, để sau cùng, chính Campuchia cũng trở thành nạn nhân của Phương Bắc.
AFP
Binh sĩ Khmer Đỏ vào Phnom Penh năm 1975

Một mình lội ngược giòng

Ngay sau khi Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNÁ không thể đưa ra bản tuyên bố chung tại Hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 45 tại Phnom Penh, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cáo giác thẳng người chủ trì hội nghị là Ngoại trưởng Cambodia Hor Nam Hong đã “kiên định bảo vệ quyền lợi TQ”, Ngoại trưởng VN Phạm Bình Minh bày tỏ “rất là thất vọng” vì đã “hết sức nỗ lực”, Ngoại trưởng Singapore Shanmugam cho đó là “một sự sứt mẻ uy tín nghiêm trọng  của khối ASEAN”. 
hu-hunxen-250
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và chủ tịch Cambodia Hun Xen tại Phnom Penh, tháng 4-2012- RFA photo
Nhưng nước chủ nhà Campuchia – Chủ tịch ASEAN năm 2012 – khẳng định không hề có chuyện Phnom Penh bảo vệ quyền lợi Bắc Kinh, và “hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không phải là toà án giải quyết tranh chấp lãnh hải”, rồi thì “Campuchia không thể để tuyên bố chung trở thành con tin của cuộc tranh chấp giữa một số thành viên ASEAN với một nước khác trong khu vực”.

Một bàn cờ an toàn: ASEAN chia rẽ

Lên tiếng tại một buổi hội thảo ở đại học Thammasat của Thái Lan, TS Prapat Thepchatree, Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN tại đại học Thammasat nhận định:
TS THEPCHATREE: Đây là bước lùi của ASEAN trong tư cách một tổ chức quốc tế, ảnh hưởng đáng kể đến thể diện của ASEAN trước đó được coi như một khối đoàn kết mà từng quốc gia thành viên cùng cố gắng đạt tới.Rất tiếc việc không có được bản thông cáo chung lần này đã chứng tỏ ASEAN đang bị phân hóa, không có và không thể gióng lên tiếng nói chung . Sự chia rẽ là điều ASEAN sẽ đối mặt khi cần giải quyết những vấn đề của mình trong những ngày tới.
Ngay sau hành động vừa rồi của Phnom Penh, Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì đã nhanh chóng bày tỏ lời tri ân với Thủ tướng Hun Sen về sự ủng hộ kiên định này đối với “quyền lợi cốt lõi” của Trung Nam Hải, cho rằng hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã “mang lại nhiều thành quả”, chứng tỏ “những nước tham dự hội nghị đã thông hiểu và hậu thuẫn các vấn đề thuộc nhiều lãnh vực của TQ”, trong khi Tân Hoa Xã cho rằng hội nghị Phnom Penh đã ca ngợi nỗ lực cùng công lao của Hoa Lục trong việc xúc tiến hợp tác TQ-ASEAN”.
Theo các phân tích gia thì vì lợi ích của mình mà Campuchia đành tâm đi ngược lại lợi ích chung của ASEAN, trong khi GS Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc nhận định rằng hành động vừa rồi của Phnom Penh đã tác hại nghiêm trọng đến uy tín của Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNÁ.
asean-arf
Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN, tháng 7, 2012 tại Phnom Penh- RFA screen capture
Qua bài với tựa đề tạm hiểu “Có phải sự thất bại hội nghị Phnom Penh là khởi điểm của sự cáo chung khối ASEAN ?”, cựu đại sứ Indonesia tại Úc Sabam Siagian lưu ý rằng TQ đang khai thác ASEAN như là bàn cờ an toàn kể từ khi Campuchia, với tư cách nước Chủ tịch ASEAN, trở thành con cờ thuận tiện cho Trung Nam Hải.

Một con cờ đắc dụng

Trong khi cựu Bí thư Julio A. Jeldres của Vua Norodom Sihanouk cảnh báo về hành động của ông Hun Sen lấy lòng Bắc Kinh và một lần nữa mở cửa đón nhận ảnh hưởng của Thiên Triều Phương Bắc sau Khmer Đỏ, thì học giả Donald Emmerson thuộc Đại học Stanford ở Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng qua việc không cho đưa vấn đề Bãi cạn Scaborough vào bản tuyên bố chung của ASEAN, Thủ tướng Hun Sen đã hành động phù hợp với lập trường của TQ trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Học giả Donald Emerson cũng nhận định rằng khi ngăn chận bản tuyên bố chung ấy, Campuchia xem chừng như đã hoàn thành điều mà Bắc Kinh mong muốn, khiến giới quan sát có thể kết luận rằng Hoa Lục chứng tỏ đã đạt được hiệu quả trong việc thuê mướn Phnom Penh tuân lệnh Thiên Triều.
Qua bài “Quan hệ TQ-Campuchia: Có phải vượt trên mức hữu nghị ?”, Bí thư Julio A. Jeldres của Vua Sihanouk lưu ý rằng kể từ đầu năm 1999, ảnh hưởng của Hoa Lục ở Campuchia không ngừng gia tăng khi hồi tháng Hai năm đó, Thủ tướng Hun Sen triều kiến Trung Nam Hải.
Vẫn theo tác giả, mặc dù trước đó 11 năm, tức vào năm 1988, ông Hun Sen mô tả TQ là căn nguyên của mọi thứ xấu xa tại xứ Chùa Tháp, thì nay giọng điệu của ông ta đã đổi chiều khi phải đối mặt với nhiều cáo giác của Phương Tây về vi phạm nhân quyền, tham nhũng trong chính phủ, thiếu minh bạch, khiến ông ta quyết định dùng tới “con bài TQ” trong mối quan hệ với nước ngoài.

Một đồng minh phản bội

Trong bài “Vì sao Hun Sen đổi thái độ với VN”, TS Nguyễn Văn Huy ở Pháp nhận xét:
"Quốc gia bị thiệt thòi nhất trước sự trở mặt này có lẽ là Việt Nam. Chính quyền Hun Sen đã do chính chế độ công sản Việt Nam dựng lên sau khi xua quân đánh đuổi Pol Pot năm 1979. Cho tới năm 2010, tuy bề ngoài chính quyền Hun Sen vẫn rất gắn bó với Việt Nam nhưng trong lòng đã ngả theo Trung Quốc. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã tốn rất nhiều tiền bạc và xương máu tại Campuchia để rồi đi đến kết quả bi đát này. Sai lầm chính của chính quyền cộng sản Việt Nam trong suốt thời gian qua là đã giúp Hun Sen tiêu diệt và bóp nghẹt những tiếng nói đối lập nên nay Hun Sen tự do lộng hành vì không còn ai phản đối và đã có thái độ phản trắc trong hội nghị ASEAN về ngoại giao."
indon-cambod-ministers
Hai Ngoại trưởng Indonesia và Cambodia trong ngày ra tuyên bố chung 20 tháng 7, 2012- AFP

Một nạn nhân tất yếu

Trước cảnh “tráo trở” của Phnom Penh, nhà văn Nguyễn Quang Lập xem chừng như quá bực tức nên không thể không gọi to:
Nầy hỡi ông Hun Sen !” và nêu lên một loạt câu hỏi rằng "…lợi ích vĩnh viễn của CPC là gì để ông Hun Sen buộc phải phản bội lại khối ASEAN, bán rẻ lợi ích sống còn của các nước lân bang cho TQ? Không lẽ chỉ vì 8 tỉ đô “ nợ xấu” với TQ, hay là 2 tỉ đô tiền “ Phông bao” của TQ cho CPC trước thềm hội nghị ASEAN vừa rồi?
Nhà văn nhấn mạnh đó chỉ là món lợi dù lớn nhưng không thể vĩnh viễn. Vẫn theo theo nhà văn Nguyễn Quang Lập, nếu ông Hun Sen:“mơ tưởng xây dựng một CPC giàu mạnh dựa trên viện trợ vô điều kiện dài dài của TQ mà 8 tỉ và 2 tỉ chỉ là món lợi lót đường, món tiền đặt cọc cho tương lai CPC trong vòng tay ‘người bạn lớn’ ” ấy, thì ông Hun Sen đã sai lầm.
Tại sao ? Tại vì “cái sự ‘đánh bạn’ của TQ xưa nay vẫn chỉ một cách: buộc ông bạn nhỏ phải phụ thuộc vào ‘người bạn lớn’ ”, nhất là “cuộc phải nghèo đói dài dài hoặc rối loạn dài dài” như Bắc Hàn thì mới được nhận “viện trợ dài dài”, nên không lẽ ông Hun Sen không biết điều đó ? Nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét:
"Không ai nghi ngờ ông Hun Sen không yêu nước thương nòi. Nhưng việc ông bán rẻ cả khối ASEAN cho TQ, bán rẻ luôn Việt Nam, người bạn đã đổ máu cho dân tộc của ông, đã kề vai sát cánh cùng dân tộc của ông suốt nửa thế kỷqua, là một sai lầm ghê gớm. Nếu TQ chiếm được biển Việt Nam, Malaysia, Philipines, Indonesia thì nói như bác Bùi Văn Bồng, “chỉ cần một cái nhón tay nhẹ nhàng thôi là cả đất nước Chùa Tháp huy hoàng tự bao đời nay sẽ về tay Trung Quốc”.
Rồi liên tưởng tới phe diệt chủng Khmer Đỏ của “người bạn lớn” TQ ngày nào, nhà văn cảnh báo rằng khi đó thì thể nào Bắc Kinh cũng dựng nên một Khmer Đỏ mới, một Pol Pot thứ hai để hình thành một “xã hội triệt để” dựa trên nền “nông nghiệp thuần tuý”, lại diệt chủng sao cho chỉ còn 1 triệu “công dân ưu tú” như ước mơ của Khmer Đỏ, mở đường cho dân từ “nước mẹ Trung Hoa” hơn 1 tỷ người sẽ lũ lượt kéo sang xứ Chùa Tháp.
Đến lúc đó, theo nhà văn Nguyễn Quang Lập:
“Ông Hun Sen nhất định sẽ ân hận và hổ thẹn. Việc bán rẻ khối ASEAN có ngờ đâu cũng chính là bán rẻ dân tộc CPC vĩ đại của ông. Này hỡi ông Hun Sen, có phải thế không?”.