Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các nước quanh Biển Đông cùng giải quyết những tranh chấp chủ quyền một cách mềm mỏng, khi vùng biển này có những căng thẳng giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
> Trung Quốc muốn né Biển Đông ở diễn đàn an ninh
> Ngoại trưởng Việt - Trung nói về Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AFP |
Phát biểu này được bà Clinton đưa ra ngay trước khi có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Phnom Penh, Campuchia.
AFP dẫn lời ngoại trưởng Mỹ cho hay: "Các quốc gia trong khu vực nên giải quyết các tranh chấp một cách không ép buộc, không có sự hăm dọa, không có những đe dọa và không sử dụng vũ lực"
Bà Clinton cũng kêu gọi những tiến triển trong việc thông qua bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC), một bộ quy tắc vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Việc này là nhằm tránh những sự mơ hồ và thậm chí là đối đầu trong những quyền đánh cá cũng như di chuyển tại Biển Đông, vùng biển có vị trí quan trọng và được đánh giá có trữ lượng tài nguyên lớn.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ cùng người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì và các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trao đổi tại ARF. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được cho là muốn tránh những căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc và một số nước láng giềng có những khúc mắc về chủ quyền.
Biển Đông là nơi Trung Quốc cùng các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Trung Quốc cho biết sẵn sàng trao đổi về một bộ quy tắc ứng xử để tăng cường sự tin tưởng, nhưng muốn giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng đàm phán song phương với từng nước liên quan.
Một tuyên bố được đưa ra vào tối muộn ngày hôm qua cho hay các thành viên ASEAN đã đề xuất việc bắt đầu trao đổi về COC, bộ quy tắc mà Trung Quốc cho rằng chỉ có thể được thực thi khi các điều kiện đã chín muồi.
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN cùng đưa ra Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Từ đó đến nay, Trung Quốc và ASEAN vẫn đang trong quá trình hướng tới việc thông qua COC.
Nhật Nam